14:26 02/06/2022

Biến giấc mơ trung tâm tài chính khu vực thành hiện thực

Phan Linh

Sau TP. Hồ Chí Minh, mới đây TP.Đà Nẵng đã giới thiệu đề án thành lập Trung tâm tài chính quy mô khu vực. Các chính quyền địa phương kỳ vọng biến hai nơi này thành nơi trung chuyển vốn của khu vực và tiến tới là của toàn cầu. Song, nhiều chuyên gia khuyến nghị nên nhìn vào chiều sâu của thị trường tài chính Việt Nam để có lộ trình phát triển khả thi, hiệu quả.

Giới phân tích nhận định TP. HCM có lợi thế trở thành trung tâm tài chính quốc tế.
Giới phân tích nhận định TP. HCM có lợi thế trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

Đầu tháng 3/2022, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi ký văn bản khẩn gửi Thủ tướng và Bộ Tài chính báo cáo tiến độ xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh.

Sau TP. Hồ Chí Minh, đầu tháng 5/2022, TP. Đà Nẵng cũng giới thiệu đề án thành lập Trung tâm tài chính quy mô khu vực. Chính quyền thành phố cho biết, để chuẩn bị cho việc xây dựng khu phức hợp trung tâm tài chính, Đà Nẵng quy hoạch sẵn khu đất rộng 6,17 ha nằm sát biển Mỹ Khê. Vị trí này hội đủ những điều kiện tốt nhất về hạ tầng kết nối, dễ dàng hình thành một điểm nhấn kiến trúc mang tính biểu tượng với các dịch vụ đẳng cấp.

Đà Nẵng cũng đang tiến hành chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng (quận Sơn Trà) với diện tích hơn 62 ha thành khu trung tâm kinh doanh, định hướng phát triển khu vực này thành khu phố tài chính, một tổ hợp trung tâm tài chính đầy đủ về quy mô và không gian phát triển.

TỪ TỰ DO HÓA THƯƠNG MẠI ĐẾN TỰ DO HÓA TÀI CHÍNH

Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng xây dựng các trung tâm tài chính khu vực và thế giới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần rất nhiều nỗ lực cải cách chính sách, thúc đẩy chuyển đổi số và tự do thương mại.

Theo thông lệ quốc tế, sự phát triển của thị trường tài chính sẽ theo bậc thang là tự do hóa thương mại rồi đến tự do hóa tài chính. Trong khi, Việt Nam hiện vẫn trong giai đoạn tự do hóa thương mại.

Từng có 18 năm làm việc tại các vị trí cấp cao của Deutsche Bank, một trong những định chế tài chính lớn nhất châu Âu, nay giữ vai trò Giám đốc quốc gia Quỹ Friedrich Naumann Foundation for Freedom tại Việt Nam, Giáo sư Andreas Stoffers thừa nhận rằng các hiệp định định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP và UKVFTA tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở đổi mới sáng tạo và hoàn thiện nền tảng kinh tế số.

Ở góc độ kích cầu cho trung tâm tài chính khu vực, các chuyên gia đều nhất trí khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập đủ sâu, rộng thì nhu cầu của các nhà đầu tư trên khắp thế giới vào Việt Nam sẽ được thúc đẩy.

 

Một điều rất quan trọng mà Việt Nam cần cải thiện nếu muốn xây dựng các trung tâm tài chính, đó là hình thành một đường cong lãi suất tiêu chuẩn ngắn hạn theo thị trường. Đây vốn là nền tảng cho rất nhiều thành tố khác của thị trường vốn hiện đại nhưng Việt Nam vẫn chưa có.

Ông Andreas Stoffers cho biết, khi thương mại tự do được thúc đẩy, Việt Nam sẽ cần quan tâm củng cố các tổ chức tài chính trong nước, quản trị và vận hành theo thông lệ quốc tế. Đây là một bước chuẩn bị rất quan trọng về năng lực cho các định chế tài chính trong nước. “Vị trí lý tưởng cho một trung tâm tài chính như vậy có thể là TP.HCM, nơi vốn đã được coi là trái tim kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, vẫn cần phải làm việc kỹ hơn để đạt được mục tiêu này”, ông Andreas Stoffers nói.

Song song với việc thúc đẩy tự do thương mại, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên tiến hành các khảo sát trên quy mô rộng để biết rõ nhu cầu của các nhà đầu tư trên thế giới; từ đó, xây dựng đề án phát triển trung tâm tài chính khả thi. Tiếp theo, Việt Nam cũng phải có lộ trình cải thiện cơ cấu của thị trường tài chính, để khắc phục những hạn chế “lệch chân” như hiện nay, là sự mất cân đối giữa ngân hàng và chứng khoán, bảo hiểm và cấu trúc chưa tiệm cận với các thị trường phát triển trên thế giới.

Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến những thị trường, nơi họ có thể hoàn tất giao dịch một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá Việt Nam đang tụt hậu trong một số lĩnh vực quan trọng như cơ chế bù trừ ròng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này khiến các ngân hàng nước ngoài phải nắm giữ thêm vốn dự phòng rủi ro ở Việt Nam.

CẦN HÀNH LANG PHÁP LÝ TOÀN DIỆN VÀ ỔN ĐỊNH 

Chuyên gia Donald Lambert của ADB nhấn mạnh rằng, các nhà đầu tư quốc tế cần một khung luật pháp rõ ràng để thực thi và hệ thống pháp luật này phải ổn định. Có như vậy, Việt Nam mới trở thành nơi đón dòng vốn từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Biến giấc mơ trung tâm tài chính khu vực thành hiện thực - Ảnh 1

Có thể nói, hiện tại khung luật pháp bao gồm: Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2020, Luật Đầu tư (sửa đổi) 2020 và các nghị định liên quan cùng có hiệu lực từ đầu năm 2021 là tiền đề quan trọng thúc đẩy thị trường tài chính phát triển an toàn, hiệu quả trong các năm tiếp theo.

Song, ông Donald Lambert lưu ý Việt Nam quan tâm củng cố, xây dựng các cơ chế mạnh mẽ để chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố. Đây là những yếu tố then chốt để bảo đảm rằng các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch an toàn tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, giáo sư Andearas Stoffer khuyến nghị luật pháp cần được điều chỉnh và tạo điều kiện hấp dẫn cho hoạt động thanh toán của các tổ chức tài chính quốc tế.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các chuyên gia nhấn mạnh Việt Nam nên có khung pháp lý cho chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, bao gồm cả cơ chế thử nghiệm (sandbox). “Theo quan điểm của chúng tôi, mặc dù việc ban hành sandbox cho các vấn đề mới như chuyển đổi số không còn mới trên thế giới, nhưng vẫn là vấn đề cần thiết và phù hợp tại Việt Nam do cơ chế sandbox mới được ban hành cho một vài lĩnh vực”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

 

Hiện, Chính phủ mới ban hành cơ chế sanbox cho mobile money ( tháng 3/2021).

Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2022 đề cập đến Nghị định về sandbox đối với fintech trong lĩnh vực ngân hàng dự kiến trình Chính phủ trong quý 2/2022 (lùi từ quý 4/2021), cho thấy bước đi thận trọng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc phát triển fintech tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, cơ chế sandbox sẽ giúp các định chế tài chính, công ty fintech và các bên liên quan có cơ hội thử nghiệm công nghệ hay mở rộng mô hình kinh doanh của mình; tạo điều kiện để các cơ quan quản lý Việt Nam hiểu rõ hơn về bản chất và rủi ro mà công nghệ tài chính đem lại, từ đó có thiết chế phù hợp hơn.

Việc phát triển cơ sở hạ tầng số cho thị trường tài chính là cần thiết. Ngoài việc phát triển công nghệ tài chính (fintech), các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam thúc đẩy hạ tầng cho quản lý tài sản số, chia sẻ dữ liệu và đảm bảo an ninh mạng.

Đặc biệt, giáo sư Anderas Stoffers khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam sớm nghiên cứu, tiến tới áp dụng đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). “Trong tương lai, nhiều giao dịch sẽ phải đi kèm với thanh toán kỹ thuật số. Vì vậy, Việt Nam cần tăng tốc trong phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, bao gồm việc triển khai nhanh chóng một CBDC”, vị chuyên gia này nói và khuyến nghị Quốc hội, Chính phủ nên chỉ đạo đẩy nhanh xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội và chính quyền số.

Theo báo cáo “Cuộc đua tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CDBC)” do PwC phát hành, đã có hơn 60 ngân hàng trung ương nghiên cứu CBDC từ năm 2014. Tiến độ được đẩy nhanh với một số dự án CBDC đang bước vào giai đoạn triển khai.

Một số định chế tài chính quốc tế cũng đang tham gia vào các dự án CBDC, như Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế hoặc Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Hiện nay, ngân hàng trung ương các nước đang thiết kế hai mô hình CBDC chính. Đối với ứng dụng bán lẻ, CBDC được trực tiếp sở hữu bởi người tiêu dùng và doanh nghiệp như một dạng tiền kỹ thuật số. Còn ứng dụng liên ngân hàng hoặc bán buôn, trong đó CBDC chỉ được sử dụng bởi các tổ chức tài chính - tín dụng cho mục đích thanh toán liên ngân hàng hoặc quyết toán.

Các dự án CBDC bán lẻ phát triển mạnh mẽ hơn tại các quốc gia có nền kinh tế mới nổi với tài chính toàn diện là động lực thúc đẩy chính. CBDC bán buôn chủ yếu được tiến hành tại các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến hơn với hệ thống liên ngân hàng và thị trường vốn phát triển hơn.

Đánh giá các dự án phát triển nhất trên toàn cầu, có hai dự án CBDC bán lẻ đã đi vào hoạt động tại Bahamas và Campuchia. Chưa có dự án CBDC liên ngân hàng/bán buôn nào hoàn thiện. Tuy nhiên, gần 70% dự án bán buôn được công bố đang chạy thử nghiệm, trong khi chỉ có 23% dự án bán lẻ đi vào giai đoạn triển khai.