Bộ Tài chính đề xuất chưa tăng mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 202/2016/TT-BTC (Thông tư 202) quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm...
Theo Bộ Tài chính, qua 6 năm thực hiện Thông tư 202 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thu, chi, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, cũng như nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, hiện nay pháp luật đăng ký giao dịch bảo đảm và các quy định của pháp luật liên quan đã được sửa đổi, liên quan trực tiếp đến quy định thu phí tại Thông tư 202. Vì vậy, Bộ Tư pháp trực tiếp đề nghị sửa đổi Thông tư 202 để bảo đảm tính đồng bộ của quy định pháp luật. Về phía Bộ Tài chính cũng cho rằng cần phải sửa Thông tư 202 để phù hợp với các quy định hiện hành của Luật Quản lý thuế.
Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị sửa đổi 2 khoản phí quy định tại Thông tư 202. Cụ thể, về phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển, Bộ Tư pháp đề xuất tăng 25% (từ 80.000 đồng lên 100.000 đồng/hồ sơ) phí đăng ký giao dịch bảo đảm lần đầu bằng động sản (trừ tàu bay, chứng khoán đã đăng ký tập trung), tàu biển. Đồng thời, Bộ Tư pháp đề nghị mức phí trên không bao gồm chi phí thanh toán cước phí dịch vụ bưu chính trong trường hợp hồ sơ đăng ký, giấy tờ, tài liệu, kết quả đăng ký được chuyển, trả thông qua dịch vụ bưu chính. Lý do đề nghị tăng mức phí trên lên 25%, theo Bộ Tư pháp là do mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm kế thừa từ năm 2011, trong khi hiện nay các chi phí khác như văn phòng phẩm, điện, nước, nhân công, khấu hao tài sản đều tăng từ 4-5 lần.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề xuất chưa điều chỉnh tăng mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm như đề nghị của Bộ Tư pháp do dịch Covid-19 ảnh hưởng còn nặng nề, cuộc xung đột Nga-Ukraina đã làm cho người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Còn một số loại phí khác như phí đăng ký văn bản thông báo việc xử lý tài sản bảo đảm, đăng ký thay đổi văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm là 30.000 đồng/hồ sơ; xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, đăng ký xóa văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm có mức phí là 20.000 đồng/hồ sơ… là những phí cần thiết nên Bộ Tài chính đồng ý với những đề xuất này.
Ngoài ra, dự thảo bổ sung thêm mức thu phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu một lần để tự tra cứu theo tiêu chí cơ bản và trả phí là 10.000 đồng/lần truy cập. Mức phí này dựa trên kết quả của máy cho biết trung bình mỗi lần tra cứu, tìm kiếm thông tin sẽ cần tới 05 lần giao dịch. Do đó, chi phí cho công tác quản lý, vận hành để có thông tin/dữ liệu cho mỗi giao dịch ước tính là 2.000 đồng/giao dịch. Do đó, mức thu phí trong trường hợp này sẽ tính là 10.000 đồng/lần truy cập.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đề nghị sửa đổi mức thu phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu thường xuyên để tự tra cứu theo tiêu chí cơ bản và trả phí theo năm thì có mức phí 500.000 đồng/khách hàng/năm đối với yêu cầu cấp mã trước ngày 1/7 hàng năm (1); và 250.000 đồng/khách hàng/năm đối với yêu cầu cấp mã số sau 1/7 hàng năm (2). Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề xuất dự nguyên như hiện hành là (1) ở mức 300.000 đồng/khách/năm và (2) ở mức 150.000 đồng/khách/năm do số phí để lại đã đảm bảo kinh phí hoạt động cho tổ chức thu.
Trường hợp cấp khách tự tra cứu thường xuyên theo tiêu chí cơ bản, nâng cao và được cơ quan đăng ký trích xuất dữ liệu là 2.000 đồng/giao dịch.
Mặt khác, để đơn giản thủ tục thu, nộp phí, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện, Bộ Tài chính nhất trí với đề nghị bổ sung quy định cho phép người nộp phí có thể thực hiện nộp phí cho cơ quan đăng ký theo tháng.
Dự thảo cũng đề xuất các trường hợp được miễn phí, bao gồm cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng thuộc trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 1 nghị định số 116/2018/NĐ-CP.
Đối với đề xuất điều chỉnh tăng từ 5% lên 10% tiền phí thu được của các trung tâm đăng ký giao dịch tài sản về Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm để trang trải cho hoạt động đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến, cơ quan soạn thảo cho biết, dự thảo không điều chỉnh tăng mức phí, bởi Nghị định 120/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể các nội dung được chi từ nguồn tiền phí để lại, trong đó không có chi phí cho đầu tư, nâng cấp hệ thống đăng ký trực tuyến.