Kêu khó khăn do phải minh bạch dòng tiền phát hành trái phiếu riêng lẻ, Bộ Tài chính nói gì?
Đại diện VBMA cho rằng ngân hàng và các công ty kiểm toán "big 4" không thể minh định được "đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối" đối với số trái phiếu đã phát hành riêng lẻ và có thể bị phạt, dẫn đến vô số rắc rối. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng lý do kêu ca là "chưa phù hợp"...
Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước kiến nghị vướng mắc liên quan chuẩn bị báo cáo kiểm toán tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 65).
NGÂN HÀNG "BÓ TAY" ĐƯỜNG ĐI DÒNG TIỀN TỪ TRÁI PHIẾU
Kiến nghị này được đưa ra sau khi VBMA rà soát, tổng hợp ý kiến thành viên và đại diện 4 công ty kiểm toán "Big4" là Deloitte, E&Y, PwC và KPMG.
Theo đó, các thành viên cho rằng khả năng không thực hiện được việc công bố thông tin đối với báo cáo kiểm toán tình hình sử dụng vốn đối với trái phiếu riêng lẻ phát hành còn dư nợ năm 2022 đúng thời hạn quy định vào ngày 31/3/2023 theo quy định tại Nghị định 65.
"Số tiền thu được từ kênh huy động vốn (vốn trái phiếu) sẽ được gộp và hòa vào tổng nguồn vốn huy động của tổ chức tín dụng. Vì vậy, tổ chức tín dụng không thể xác định đích danh nguồn tiền vốn trái phiếu thu từ một đợt phát hành trái phiếu cụ thể được sử dụng cho các khoản cho vay, đầu tư cụ thể nào", VBMA nhận định.
Trong khi đó, vốn huy động từ trái phiếu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn huy động của tổ chức tín dụng, thông thường dưới 10%/tổng quy mô huy động. Quy định pháp luật khác cũng không quy định về việc tổ chức tín dụng phải thực hiện kiểm toán sử dụng vốn huy động.
Để thực hiện kiểm toán báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu, tổ chức tín dụng phải có hệ thống công nghệ thông tin để kiểm tra được tính khớp đúng giữa dòng tiền thu được từ phát hành trái phiếu và dòng tiền cho vay ra tương ứng.
"Do vậy, trường hợp yêu cầu kiểm toán dòng tiền từ phát hành trái phiếu, tổ chức tín dụng hiện chưa có đủ năng lực công nghệ thông tin để theo dõi dòng tiền này. Với trái phiếu đã phát hành, thậm chí, với trái phiếu sẽ phát hành, hệ thống tổ chức tín dụng không đáp ứng được yêu cầu của kiểm toán", văn bản VBMA nhấn mạnh.
Hiệp hội này cũng cho biết, các công ty kiểm toán "Big 4" chưa xác nhận sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ cho kỳ năm 2022 theo yêu cầu phải công bố thông tin vào ngày 31/3/2023.
"Trong khi đó, việc thuê công ty kiểm toán nhỏ khác thực hiện hoạt động trên có thể gây ra quan ngại cho nhà đầu tư và nhận được đánh giá không tích cực từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế", VBMA quan ngại.
VBMA cũng cho biết, hiện Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn về phương thức, cách thức thực hiện kiểm toán mục đích sử dụng vốn trái phiếu đối với doanh nghiệp nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng.
Do đó, trường hợp không thực hiện được kiểm toán báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu, tổ chức tín dụng sẽ vi phạm quy định về công bố thông tin.
NGUY CƠ MUA LẠI TRƯỚC HẠN
Nhấn mạnh đến hệ luỵ từ việc bị phạt vì vi phạm quy định về công bố thông tin, VBMA cho rằng: "Việc vi phạm quy định về công bố thông tin cũng có thể kích hoạt các điều khoản có thể dẫn đến việc trái chủ có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu trước hạn ồ ạt và có thể phát sinh các nghĩa vụ tất toán chéo với các hợp đồng khác".
"Điều này cũng có thể dẫn tới việc các tổ chức tín dụng bị xử phạt, ảnh hưởng tới danh tiếng truyền thông và mức độ tín nhiệm của tổ chức tín dụng với khách hàng, có thể dẫn đến tác động tiêu cực, có tính dây chuyền đến hệ thống tổ chức tín dụng", VBM quan ngại.
Đáng chú ý, tổ chức phát hành là tổ chức tín dụng không đáp ứng các quy định về xây dựng phương án phát hành trái phiếu và hồ sơ chào bán thì không thể phát hành mới trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn và vốn cấp 2.
Do đó sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn trung dài hạn của các tổ chức tín dụng này, ảnh hưởng đến việc hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp, khách hàng, nền kinh tế và việc đáp ứng các tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc không phát hành được trái phiếu mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền, kế hoạch và doanh thu của tổ chức tín dụng.
Trong khi hàng năm, tỷ lệ trái phiếu của các tổ chức tín dụng phát hành chiếm 30-35% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành; đặc biệt, năm 2022 chiếm tới 59% tổng khối lượng phát hành. Đây là kênh huy động vốn trung dài hạn rất quan trọng của các tổ chức tín dụng để phục vụ các hoạt động theo quy định của pháp luật.
Từ thực tế nói trên, VBMA kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính hoãn thời hạn công bố thông tin báo cáo kiểm toán tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ cho kỳ công bố thông tin năm 2022 đối với các tổ chức phát hành (tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty tài chính) đến hết 30/6/2023, để các đơn vị có thời gian làm việc với các đơn vị kiểm toán chuẩn bị báo cáo này.
Đồng thời, VBMA cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn để các công ty kiểm toán có thể thực hiện kiểm toán được tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ của các tổ chức tín dụng với điều kiện hiện nay.
BỘ TÀI CHÍNH NÓI GÌ?
Phản hồi về những kiến nghị của VBMA tại buổi họp báo chiều ngày 30/3 do Bộ Tài chính tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), cho biết hiện nay đang xử lý kiến nghị, sau đó báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính và sẽ có văn bản trả lời kiến nghị của VBMA.
Về vấn đề quy định bắt buộc kiểm toán báo cáo sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, ông Dương cho hay, việc này nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm tự báo cáo về tình hình sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu để cung cấp cho nhà đầu tư.
Theo ông Dương, đây không phải là quy định mới, đã được áp dụng với phát hành ra công chúng từ trước đến nay và gần đây nhất là quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán.
Theo đó, các doanh nghiệp trên thị trường đã triển khai và cho đến nay, Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính không hề nhận được phản ánh, vướng mắc ở điểm này.
Bởi vậy, Nghị định 65 khi quy định bổ sung điều khoản này cũng căn cứ trên khía cạnh doanh nghiệp phải thực hiện hiện công bố định kỳ về tình hình sử dụng vốn và có chế độ kế toán về tài chính, thống kê, kiểm toán theo quy định của pháp luật; nay chỉ thêm một động thái nữa, đó là báo cáo được công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán.
Riêng với việc ngân hàng thương mại huy động vốn trái phiếu, ông Dương cho biết thêm, việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn trong việc đầu tư dự án có thể kiểm toán được một phần mục đích sử dụng vốn.
"Còn phát hành trái phiếu mục đích tăng vốn cấp 2, chúng tôi chắc chắn Ngân hàng Nhà nước có những hướng dẫn rất cụ thể về nguồn vốn cấp 2 và sử dụng vốn cấp 2 như thế nào. Công ty kiểm toán căn cứ vào các quy định đó để thực hiện các cuộc kiểm toán của ngân hàng thương mại khi huy động vốn trái phiếu để tăng vốn cấp 2", ông Dương nhấn mạnh và cho biết thêm: "VBMA cho rằng doanh nghiệp phản ánh khó khăn và không có hệ thống công nghệ thông tin để kiểm tra, theo dõi nguồn vốn phát hành trái phiếu. Chúng tôi nghĩ lý do này chưa thực sự phù hợp và sẽ nghiên cứu kỹ hơn những phản ánh của VBMA".