Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Nội dung sai lệch, chống phá nhà nước chủ yếu trên Youtube, Facebook
"Các video clip có nội dung phản động, xấu độc, vi phạm nghiêm trong pháp luật Việt Nam hầu hết nằm trong số 130.000 kênh do Youtube trực tiếp quản lý"
Cử tri nhiều tỉnh thành tiếp tục gửi kiến nghị phản ánh tới Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hiện có nhiều báo mạng đăng tải các thông tin giật gân, phản cảm nhằm thu hút độc giả hoặc đăng tải một số thông tin xấu, sai lệch về Đảng và Nhà nước gây hoang mang cho người dân; đăng tải những thông tin sai lệch, xuyên tạc về cơ quan, tổ chức, xâm phạm đời tư cá nhân…
Trong văn bản trả lời các cử tri, vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nội dung thông tin trên mạng hiện nay được cung cấp bởi hai nguồn: Thứ nhất là từ các cơ quan báo chí trong nước (gồm báo in, báo chí điện tử và phát thanh, truyền hình) và thứ hai là từ truyền thông xã hội.
Đối với các trang tin và mạng xã hội, được chia làm hai loại: Thứ nhất, do tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp, có nguồn gốc rõ ràng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép/hoặc không phải cấp phép hoạt động. Các trang này phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ hai là các trang tin không rõ nguồn gốc có tên miền quốc tế, đặt máy chủ tại nước ngoài cung cấp thông tin bằng tiếng Việt. Ngoài ra, các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, trong đó Facebook và Google là hai mạng xã hội có nhiều người Việt Nam sử dụng nhất.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các thông tin tiêu cực như thông tin sai lệch, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước… chủ yếu xuất hiện ở trang tin không rõ nguồn gốc, trên các trang mạng xã hội nước ngoài như Youtube và Facebook do các thế lực thù địch, các cá nhân bất đồng chính kiến lập nên nhằm mục đích tung tin giả, gây nhiễu loạn thông tin, gây mất ổn định xã hội.
Qua theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông, các video clip có nội dung phản động, xấu độc, vi phạm nghiêm trong pháp luật Việt Nam hầu hết nằm trong số 130.000 kênh do Youtube trực tiếp quản lý. Trong một thời gian dài với mục tiêu nhanh chóng phát triển thị trường, chiếm lĩnh thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, Google đã dung túng cho các kênh sản xuất nội dung phản động, vi phạm nở rộ trên mạng xã hội Youtube.
Trong đó, đáng chú ý có khoảng 80 kênh phản động chuyên nghiệp, thường xuyên đăng tải thông tin tuyên truyền chống phá Nhà nước như (Việt Tân, Tiếng Dân, Đệ tam Cộng Hòa, Vietlive.TV, Chân trời mới,…). Ngoài ra, còn có các kênh thường xuyên đăng tải những nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, bạo lực, nội dung ảnh hưởng xấu đến trẻ em, như kênh Youtube Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền…
Khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Google gỡ bỏ các clip này thì một mặt các công ty như Google, Facebook hợp tác gỡ bỏ nhưng mặt khác vẫn cho phép các chủ kênh vi phạm này đăng tải lại các clip đã gỡ (điều này lý giải nhiều video vi phạm đã được gỡ sau đó lại tiếp tục xuất hiện trở lại).
Thậm chí Google còn cho phép chủ các kênh phản động này tiếp tục sử dụng tính năng "gợi ý nội dung" để tiếp tục quảng bá, phát tán nội dung xấu độc trên Youtube.
Nguyên nhân của vấn đề này, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, là do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, trước đây các trang mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam gần như chưa bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam dẫn đến tình trạng việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn do có sự khác biệt về môi trường pháp lý.
Vẫn gặp khó dù thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sau khi Bộ ban hành Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, tạo cơ sở pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin qua biên giới phải có trách nhiệm phối hợp, gỡ bỏ thông tin vi phạm theo quy định của pháp luật.
Từ năm 2017 đến tháng 8/2019, thực hiện yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Facebook đã gỡ bỏ khoảng 70% thông tin xấu độc, Google (chủ sở hữu Youtube) đã phối hợp và thực hiện ngăn chặn và gỡ bỏ 7.478 video vi phạm trên Youtube, gỡ bỏ 18/62 (xấp xỉ 34,4%) kênh Youtube, gõ bỏ 108/111 (xấp xỉ 97,3%) game trong đó có 104 game bài và 1 game có tên "Lấy lại quê hương" có nội dung phản động, chống phá nhà nước và các game không phép trên Google Play.
Hiện ngoài các biện pháp đã ban hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết hiện đang tham mưu Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Trong trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm thì Bộ gửi yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook,… thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định. Đồng thời sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm.
Bên cạnh đó Bộ cũng thiết lập sự phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát, báo cáo, ngăn chặn các luồng tiền chi trả cho các dịch vụ bất hợp pháp được chuyển đến Facebook và Google.
Yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông rà soát, ký lại thỏa thuận hoạt động đặt máy chủ của Facebook tại Việt Nam, bổ sung các trách nhiệm phải tuân thủ pháp luật Việt Nam khi cung cấp dịch vụ cho người sử dụng tại Việt Nam; trường hợp không tuân thủ, các doanh nghiệp viễn thông sẽ thực hiện các biện pháp ngăn chặn kỹ thuật từng thời điểm theo chỉ đạo của Bộ.
Mặc dù thực hiện đồng thời nhiều biện pháp như trên, nhưng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, do các nội dung vi phạm hiện nay chủ yếu là các web có tên miền quốc tế, đặt máy chủ tại nước ngoài, cung cấp xuyên giới vào Việt Nam, nên gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý vi phạm. Biện pháp cuối cùng có thể xử lý được là chặn kỹ thuật, tuy nhiên khó ngăn chặn triệt để vì chỉ sau thời gian ngắn, các đối tượng vi phạm dễ dàng thay đổi địa chỉ IP hoặc tên miền để hoạt động lại bình thường.
Ngoài ra các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới chưa có sự hợp tác tích cực với Chính phủ Việt Nam để ngăn chặn, gỡ hạ các nội dung vi phạm và cung cấp thông tin liên quan về cá nhân cung cấp thông tin vi phạm.
Trong văn bản trả lời cử tri, Bộ trưởng Hùng cho biết, giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook và Youtube để chặn, mà chỉ có thể chặn toàn bộ website vi phạm. Vì vậy, trong nhiều trường hợp cần cân nhắc nếu áp dụng việc chặn triệt toàn bộ Facebook và Youtube sẽ gây phản ứng của dư luận trong nước do nước ta chưa có dịch vụ tương tự thay thế được Facebook, Google.