Bộ trưởng Tài chính: "Kìm" vốn vay nước ngoài không vượt trần
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết không để vốn vay nước ngoài vượt trần đã được Quốc hội quyết định
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết không để vốn vay nước ngoài vượt trần đã được Quốc hội quyết định.
8h22 sáng 16/11 Quốc hội bắt đầu tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất.
Đó là công tác quản lý thuế, (gồm giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chuyển giá,)hải quan, đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững. Giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.
Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Bảng điện tử đã hiện danh tính 48 đại biểu đăng ký chất vấn.
Chất vấn từ 5 vị đại biểu đầu tiên đã đề cập đến khá nhiều vấn đề, từ kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá xuất nhập khẩu đến cải cách hành chính, quản lý nợ công, chống chuyển giá.
Trả lời về nợ công, Bộ trưởng cho biết trong bối ảnh nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn, cần giảm bội chi, Bộ Tài chính đã tăng cường quản lý, tập trung vốn cho các dự án quan trọng.
Lúc này hơn lúc nào hết phải sử dụng vốn vay cho các dư án quan trọng, xác đinh rõ mức bội chi và lộ trình cắt giảm bội chi, 2020 sẽ xuống 3,4% GDP, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Giải pháp quan trọng tiếp theo được Bộ trưởng đề cập là Quốc hội đã quyết kế hoạch tài chính 5 năm, sẽ kiên quyết bám sát để diều hành, đặc biệt các chỉ tiêu liên quan đến nợ công.
Với chất vấn được đại biểu nhấn mạnh là các khoản đàm phán ký kết vay mới sẽ ảnh hưởng thế nào đến nợ công, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để chống rủi ro, Bộ trưởng khẳng định kiên quyết thực hiện đúng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 300 nghìn tỷ đồng.
Hiện nay có phát sinh nhưng đến 2018 vẫn đang nằm trong kế hoạch 300 nghìn, Bộ trưởng quả quyết.
Cũng trả lời chất vấn của đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM) về giải pháp giữ an toàn nợ công nhưng vẫn đủ vốn cho đầu tư phát triển, Bộ trưởng khẳng định đã có rất nhiều giải pháp để kiểm soát và tốc nợ tăng nợ công đang chậm lại.
Sau đó Bộ trưởng nêu khá nhiều thông tin chi tiết đã được thể hiện trong báo cáo gửi đại biểu. Như Kỳ hạn còn lại bình quân danh mục nợ trái phiếu Chính phủ trong nước đã được kéo dài, lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm dần, phạm vi và tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các nhà đầu tư dài hạn được cải thiện...
Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) bình luận là Bộ trưởng nói rất nhiều đến kìm hãm nợ công, nhưng con số chỉ là vỏ, linh hồn là hiệu quả. Nợ công không xấu nhưng hiệu quả đầu tư công mà kém thì hậu quả là vô cùng xấu. Nêu ví dụ điển hình 12 dự án "đắp chiếu" thất thoát nhiều nghìn tỷ đội , ông Tuấn cho rằng việc này ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, vì thế Bộ trưởng phải nói thêm đầu tư công hiệu quả ra sao.
Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ mời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời thêm vấn đề này.