15:15 11/07/2014

Bộ trưởng Thăng: “Phải biết xấu hổ khi chậm, huỷ chuyến bay”

Đinh Tịnh

Chỉ đạo khá gay gắt của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp với các hãng hàng không sáng 11/7

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tại sân bay Nội Bài.<b><br></b>
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tại sân bay Nội Bài.<b><br></b>
“Phải biết nhận thức và tự xấu hổ về việc, chậm, hủy chuyến bay. Đây là sự yếu kém do ý thức chủ quan, đừng đổi lỗi cho… thời tiết”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhấn mạnh tại cuộc họp nóng tổ chức sáng 11/7 giữa Bộ, Cục Hàng không và các hãng hàng không xung quanh nguyên nhân dẫn đến việc chậm hủy chuyến bay.

Dồn chuyến vì… thương mại?

Theo báo cáo từ Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm tổng thị trường đã vận chuyển được 16,3 triệu lượt hành khách (tăng 13,2%) và 372.000 tấn hàng hóa (tăng 24,3%).

Nhưng rất đáng buồn, tỉ lệ chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng là 25%, trong đó, Viejet Air là 51% (chậm chuyến 48,4%), Jestar Pacific là 50% (chậm chuyến 46,6%) và Vietnam Airlines 14% (chậm chuyến 11,8%), Vasco là 17%. Đây là con số khá cao và gây ảnh hưởng lớn đối với chất lượng phục vụ hành khác.

Lý giải về điều này, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng, nguyên nhân chậm, hủy chuyến có đến 90% chủ quan và 10% là khách quan. Có tới 50% số chuyến có liên quan đến việc dồn chuyến vì lý do thương mại và cơ sở vật chất không đáp ứng được vào giờ cao điểm.

Trước những phản ánh từ Cục Hàng không, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc đều hành Vietjet Air cũng nêu ra một số khó khăn như: Vấn đề cơ sở hạ tầng hạn chế. Mặt khác, Vietjet không có mặt bằng, kho phụ tùng, phòng chờ, 80% dịch vụ phải thuê ngoài nên giải quyết chậm chuyến là nhiệm vụ của rất nhiều bên: Quản lý nhà nước, các sân bay, các công ty mặt đất, công ty xăng dầu, Tổng công ty Quản lý bay...

Ông Khánh cũng “phản pháo” Cục Hàng không khi cho rằng hiện tại vì hệ số lấp đầy của Vietjet là 95% trở lên, nên hoàn toàn không có chuyện Vietjet dồn chuyến bởi nếu dồn chuyến thì phải đợi đến 5 - 6 chuyến mới dồn được.

Còn đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific cũng phát biểu và hứa sẽ đẩy mạnh quản lý và đặt chủ trương phấn đấu trong tháng 7,8/2014 giảm 50% chậm chuyến, hủy chuyến.

Đại diện cho khối kinh doanh cảng hàng không, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không, cho rằng, chậm hủy chuyến bay một phần do thời tiết tại sân bay, vì thế cần phải có những biện pháp nâng cao dự báo. Mặt khác, cũng phải tăng cường các trang thiết bị hạ cánh, các vấn đề về thủ tục bay với các hãng.

Chưa vì lợi ích của khách hàng

Sau khi nghe báo cáo từ Cục Hàng không và các hãng hàng không, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, ngành hàng không chưa nhận thức được đầy đủ mọi vấn đề, chưa vì lợi ích của khách hàng của người dân, còn coi thường khách hàng.

“Lãnh đạo ngành hàng không, các hãng hàng không có biết người dân khó khăn, vất vả như thế nào khi bị chậm chuyến không? Các anh có đồng hành với khách hàng, với người dân chưa?”, Bộ trưởng Thăng nói.

Người đứng đầu ngành giao thông đặt câu hỏi tiếp: Tại sao những năm trước Viejet Air, Jestar Pacific tỷ lệ bay khá đúng giờ, nhưng năm 2014 lại chậm giờ nhiều vậy. Tình trạng căng như thế mà lãnh đạo ngành hàng không vẫn vô cảm, không chịu trách nhiệm thì làm sao phát triển được?

“Chậm, hủy chuyến là ý thức chủ quan, là cố tình chậm chứ không phải do khách quan”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Phải coi đây là sự xấu hổ chung của cả ngành, không để lặp lại nữa. Chúng ta không so sánh với các nước khác yếu hơn mình mà phải so với chính mình, xem tại sao vẫn kém so với năm trước và so với các nước lớn trong khu vực để chất lượng hàng không được nâng lên”, ông Thăng nói.