Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Việt Nam cần 5-7 năm để thay thế Facebook, Google
Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được sự hợp tác của Google tốt hơn so với Facebook
Chiều 17/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Google "hợp tác tốt hơn" Facebook
Trả lời nhóm vấn đề về mạng xã hội được đại biểu chất vấn cả sáng và chiều, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ, đây là vấn đề toàn cầu, các nước đều quan tâm, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Hiện Nga đã có phần mềm tìm kiếm riêng trên Internet, Trung Quốc có mạng xã hội riêng..., còn các nước khác hầu hết phụ thuộc vào Facebook, Google.
Ông cũng cho biết, lâu nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham vọng xây dựng mạng xã hội có thể cạnh tranh với Facebook, Goolge. Trước đây có Bamboo, Xa lộ…, nhưng do tiềm lực tài chính kém nên đã đóng cửa sau vài năm hoạt động. Hiện trong nước có nhiều mạng xã hội, có mạng đã lên đến 70 triệu người dùng, nhưng so với các mạng lớn của nước ngoài thì vẫn khiêm tốn.
Để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạng xã hội có sức cạnh tranh, theo Bộ trưởng thì chính sách phải đồng bộ, ưu tiên giảm thuế, phí, phát triển nội dung số, để hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh.
"Khi đó", ông nói, "mới có cơ sở tin tưởng doanh nghiệp trong nước xây dựng được mạng xã hội cạnh tranh, thay thế Facebook, Google trong 5-7 năm tới".
Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam phải thực hiện mô hình "4 nhà", gồm nhà mạng viễn thông, nhà mạng xã hội, nhà quảng cáo và nhà phát triển nội dung trong nước cùng vào cuộc một cách tập trung. "Đây là vấn đề khó vì thói quen dùng và tính tương tác lớn của hai mạng xã hội toàn cầu hiện nay", Bộ trưởng nhìn nhận.
Nhắc lại là Việt Nam đã làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook..., ông Tuấn cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được sự hợp tác của Google tốt hơn so với Facebook.
Bộ trưởng thông tin thêm là trong cuộc gặp mới đây với một số quan chức Mỹ, ông đã đề cập vấn đề này, và có ý "trách móc Facebook".
Không có "báo chí chính thống"
Trước đó, trong phiên chất vấn sáng cùng ngày, đại biểu có sử dụng cụm từ "báo chí chính thống", khi trả lời, Bộ trưởng nói ông không gọi là "báo chí chính thống", vì không có "báo chí không chính thống".
Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nói, Bộ trưởng trả lời không gọi là "báo chí chính thống", vì không có "báo chí không chính thống", tuy nhiên, tại báo cáo do chính Bộ trưởng ký gửi Quốc hội có nêu: nội dung thông tin trên mạng hiện nay được cung cấp bởi hai nguồn.
Thứ nhất là từ các cơ quan báo chí chính thống (gồm báo chí in, báo chí điện tử và phát thanh, truyền hình) và thứ hai là từ truyền thông xã hội. Đại biểu Thuý đề nghị Bộ trưởng giải thích rõ hơn để đại biểu Quốc hội có cách hiểu thống nhất.
Hồi âm đại biểu Thuý ngay đầu giờ chiều, Bộ trưởng nói, chính ông cũng hay dùng cụm từ "báo chí chính thống", nhưng nếu nói là báo chí chính thống thì đương nhiên phải có báo chí không chính thống, thậm chí có người còn coi mạng xã hội cũng là "báo chí".
Do vậy, Bộ trưởng đề nghị, khi nói đến báo chí là nhằm chỉ rõ cơ quan báo chí được cấp phép, có tôn chỉ mục đích hoạt động. Còn các trang mạng không được cấp phép thì không được xem là cơ quan báo chí.
"Tôi cũng nhắc cả bản thân mình là không có báo chí chính thống hay báo chí không chính thống, báo cáo của tôi có cái sai, xin lỗi đại biểu Thuý", Bộ trưởng trả lời đại biểu.
Không kiểm duyệt báo chí
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) về ngăn chặn việc lợi dụng quyền tự do báo chí để xuyên tạc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói, đây là điều pháp luật không cho phép.
Khẳng định Việt Nam không cho ra báo tư nhân, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Phải nói rõ báo chí nước ta có báo Đảng, báo cơ quan Nhà nước và đoàn thể. Cá nhân không được ra báo, nhưng các cá nhân tập hợp lại thành các hội nghề nghiệp, xã hội thì được ra báo".
Khẳng định tại Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt báo chí, song Bộ trưởng cũng thừa nhận, đang có vấn đề khá phổ biến là đưa tin sai sự thật, đưa tin nửa sự thật, bới móc đời tư, mô tả tội ác rùng rợn, phi nhân tính, dùng những từ ngữ "bỏng mắt", "đắng lòng", lại có hiện tượng "sáng đưa, trưa gặp, chiều gỡ"…
Trong khi đó, nhiều công dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì không dám kiện báo chí vì thủ tục phức tạp, "được vạ thì má đã sưng".