10:42 15/08/2007

“Bùng nổ” báo cáo thị trường của các tổ chức tài chính nội

Hơn 1 tháng trở lại đây, hàng loạt các bản nghiên cứu, đánh giá thị trường được tung ra bởi nhiều tổ chức tài chính nội

Tựu trung có thể phân những báo cáo này làm hai loại: báo cáo mang phong cách phân tích cơ bản và cáo cáo mang phong cách phân tích kỹ thuật.
Tựu trung có thể phân những báo cáo này làm hai loại: báo cáo mang phong cách phân tích cơ bản và cáo cáo mang phong cách phân tích kỹ thuật.
Hơn 1 tháng trở lại đây, hàng loạt các bản nghiên cứu, đánh giá thị trường được tung ra bởi nhiều tổ chức tài chính nội.

Bắt đầu là SSI với bản báo cáo đầu tiên mang tên "Thị trường chứng khoán Việt Nam - Câu chuyện về sự tăng trưởng", nhiều bản báo cáo tiếp theo về thị trường chứng khoán đến từ khối công ty chứng khoán được hoàn thiện và lưu hành trên thị trường với những phong cách phân tích đa dạng, đa chiều.

Tựu trung có thể phân những báo cáo này làm hai loại: báo cáo mang phong cách phân tích cơ bản (như của VDSC, BVSC…) và cáo cáo mang phong cách phân tích kỹ thuật (như của TSC, CBV...).

Báo cáo mang phong cách phân tích cơ bản

Trên thực tế, các bản báo cáo theo phong cách phân tích cơ bản không có nhiều sự khác biệt về cách thức nhìn nhận, tiếp cận và đánh giá thị trường. Sự khác biệt nếu có chính là mức độ kỹ lưỡng, bao quát và công phu của bản đánh giá.

Ấn tượng trong phong cách này là bản báo cáo của công ty chứng khoán Rồng Việt. Trong bản báo cáo, VDSC đã đưa ra những số liệu thống kê toàn diện về nền kinh tế, như tốc độ tăng trưởng của GDP 6 tháng đầu năm đạt mức 7,87%; mức thu hút FDI đạt 5,2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; mức vốn ODA cam kết hỗ trợ đạt con số kỷ lục là 4,4 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 22,4 tỷ USD…

Bản báo cáo cũng đề cập đến những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, đó là chỉ số lạm phát cao, chỉ số giá tiêu dùng CPI lên tới 5,2% sau 6 tháng đầu năm; giải ngân các nguồn vốn ODA chậm, hoạt động xuất khẩu dù tăng nhưng có xu hướng chậm lại… Hoạt động IPO các tổng công ty, ngân hàng quốc doanh bị đình trệ, mà theo đánh giá của VDSC là do sự chậm trễ từ khâu thủ tục, quá trình định giá doanh nghiệp và một trong những nguyên nhân không kém quan trọng là ảnh hưởng từ Chỉ thị 03/2007 của Ngân hàng Nhà nước.

VDSC cũng đưa ra nhận định về việc xuất hiện những cuộc đấu giá có "một số điểm bất thường" và những cuộc đấu giá này hút một phần vốn lớn của nền kinh tế. Ngoài thống kê về nền kinh tế nói chung, báo cáo của VDSC còn cung cấp một phân tích tổng hợp về chỉ tiêu tài chính của các doanh nghiệp thuộc từng nhóm ngành lớn, bao gồm cả doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết.

Mạnh dạn hơn VDSC, bản báo cáo của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) hôm 8/8/2007 có một chi tiết rất đáng chú ý: đó là đưa ra dự báo VN-Index cuối năm 2007 sẽ xoay quanh mức 1.000 điểm. Lý do thị trường điều chỉnh trong quý II, theo BVSC có 4 nguyên nhân lớn.

Đó là: thị trường chứng khoán chưa có sức bật mạnh, mà điều đáng chú ý là P/E cao (nhưng theo BVSC, điều này là hết sức bình thường đối với một thị trường chứng khoán mới nổi); "room" của nhà đầu tư nước ngoài đã đầy; ảnh hưởng của Chỉ thị 03 và một nguyên nhân khác là "có tới 90% số doanh nghiệp niêm yết trên HoSE phát hành thêm cổ phiếu với mục đích đầu tư vào bất động sản trong khi đây không phải là lĩnh vực kinh doanh chính của họ và có thể là ngoài tầm hiểu biết của doanh nghiệp".

Bên cạnh đó, BVSC cũng đưa ra nhận định khả quan về tình hình kinh doanh của một số công ty lớn cùng các ngành nghề kinh tế chính. "VN-Index được tin tưởng sẽ ở xu hướng tăng, khả năng xoay quanh mức 1.000 điểm vào cuối năm là rất lớn, khi đó, tỷ lệ P/E ở khoảng 26 - 27 lần", bản báo cáo nhận định.

Bản báo cáo mới đây nhất của công ty chứng khoán Thăng Long (TSC) nhìn nhận về thị trường chứng khoán 7 tháng đầu năm như sau: "thị trường chứng khoán bị tác động bởi các chính sách, ảnh hưởng của nước ngoài và đang có sự điều chỉnh cần thiết và mô hình hai đáy đảo chiều đang được thiết lập".

Theo TSC, thị trường chứng khoán trong tương lai sẽ rất khả quan, nhưng không có nghĩa là bùng nổ như giai đoạn trước. Ngoài ra, thị trường còn được tiếp nhận một số báo cáo chuyên biệt về từng ngành như báo cáo của SSI và sắp tới là của VNDS.

Báo cáo mang phong cách phân tích kỹ thuật

Một trong những nét mới và khác biệt trong số các báo cáo về thị trường chứng khoán Việt Nam 7 tháng đầu năm là bản báo cáo của công ty chứng khoán Biển Việt (CBV). Nét mới trước hết thể hiện ở cách đưa ra những chỉ số theo dõi thị trường chứng khoán theo ngành, quy mô vốn, tốc độ phát triển và mức độ ảnh hưởng đến thị trường.

Điểm khác biệt đầu tiên là cách thức sắp xếp ngành nghề của các doanh nghiệp niêm yết theo tiêu chuẩn ICB (đang được áp dụng trên Sở Giao dịch chứng khoán New York). Theo đó, FPT được xếp vào danh mục cung cấp dịch vụ; SJS vào danh mục đầu tư tài chính…

Báo cáo của CBV đưa ra những tổng kết thị trường 7 tháng trên cơ sở bộ chỉ số CBV: chỉ số CBV-Index (CBV của 50 công ty niêm yết có khối lượng giao dịch và giá trị thị trường lớn nhất - trên 90% giá trị vốn hóa thị trường và 80% giá trị giao dịch) đạt 133,04 điểm; tỷ suất lợi nhuận giảm 8,25%; tỷ suất rủi ro tăng 4,37% so với cuối tháng 6; mức vốn hóa toàn thị trường chứng khoán cuối tháng 7 đạt gần 315.272 tỷ đồng. Đứng đầu trong số này là ngành tài chính, chiếm 32% tổng giá trị vốn hóa, sau đó là ngành công nghiệp, dịch vụ tiêu dùng…

Theo đó, CBV khuyên nên đầu tư vào các mã thuộc nhóm MidCap (chỉ số của các công ty có quy mô trung bình) thay vì LargeCap (chỉ số của các công ty có quy mô lớn) hay SmallCap (chỉ số của các công ty có quy mô nhỏ); đầu tư vào nhóm doanh nghiệp giá trị thay vì tăng trưởng và các nhóm ngành kinh doanh được gợi ý là dầu khí, tiêu dùng và y tế.

Nguyên nhân của việc đưa ra các tiêu chí lựa chọn trên trước hết là liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn lớn đã có vị thế, thương hiệu trong lĩnh vực kinh doanh chính của họ, nhưng hiện nay lại đang mải mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực khác. "Đó là một dấu hiệu không tốt, có thể dẫn đến sự xuống giá của các tập đoàn và doanh nghiệp lớn.

Lịch sử các thị trường chứng khoán trên thế giới đã chứng minh rằng, các tập đoàn và doanh nghiệp lớn sẽ vượt trội các công ty vừa và nhỏ chỉ khi tập trung toàn lực vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính. Khi các tập đoàn và doanh nghiệp phân tán nguồn lực và mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực mới, họ thường bị những công ty vừa và nhỏ vượt qua. Bản thân thương hiệu của những tập đoàn lớn cũng sẽ bị giảm sút khi gắn vào nhiều lĩnh vực khác nhau", báo cáo của CBV viết.

Điểm mới thứ hai là báo cáo của CBV áp dụng quy luật "Độ rộng thị trường" (market breadth) để ra quyết định đầu tư. Theo quy luật này, khi tỷ lệ các công ty có tỷ suất lợi nhuận cao hơn tỷ suất lợi nhuận của chỉ số toàn thị trường CBV-Total là lớn (có nghĩa là "Độ rộng thị trường" rộng) thì đầu tư vào các công ty trong CBV-SmallCap sẽ mang lợi nhuận cao hơn so với đầu tư vào các công ty trong CBV-Index (LargeCap).

Ngược lại, khi tỷ lệ các công ty có tỷ suất lợi nhuận cao hơn tỷ suất lợi nhuận của chỉ số toàn thị trường CBV-Total là nhỏ (có nghĩa là "Độ rộng thị trường" hẹp) thì đầu tư vào các công ty trong CBV-Index sẽ mang lợi nhuận cao hơn so với đầu tư vào các công ty trong CBV-SmallCap. Trong điều kiện hiện nay của thị trường chứng khoán Việt Nam, giá của các mã chứng khoán thuộc nhóm LargeCap đã cao, nên các công ty trong nhóm MidCap sẽ được hưởng lợi từ quy luật này.

Thứ ba là yếu tố liên quan đến lựa chọn cổ phiếu giá trị (là cổ phiếu có P/B nhỏ). Hiện tại, khi thị trường chứng khoán đang có sự điều chỉnh, giá cả các mã sẽ có xu hướng tiến gần hơn giá trị sổ sách, trong khi các công ty thuộc nhóm phát triển bắt đầu có những biểu hiện không tốt và CBV đã khuyến nghị lựa chọn những mã thuộc nhóm giá trị.

CBV cũng khuyến nghị nhà đầu tư chọn những mã trong ngành dầu khí, tiêu dùng, y tế do mức độ sinh lời (theo cách tính của chỉ số CBV) trong 6 tháng đầu năm là khá cao và ngay cả khi thị trường đi xuống trong tháng 7 vừa qua, các mã này vẫn giữ được mức sinh lời nhẹ, tỷ lệ rủi ro thấp. Hơn nữa, những ngành này thuộc nhóm ngành đầu tư chiến lược theo kinh nghiệm thế giới.

Lợi ích của những bản báo cáo

Lợi ích đầu tiên là giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về nền kinh tế cũng như năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy chính là sự khác biệt chưa lớn giữa các bản báo cáo trong cách tiếp cận, nhìn nhận vấn đề. Vậy nhà đầu tư sẽ sử dụng những báo này như thế nào? Hầu như không có các khuyến nghị mua - bán! Chưa một bản báo cáo đại chúng nào có thể giúp nhà đầu tư tìm kiếm được thông tin: với mỗi mã cổ phiếu, mức giá bao nhiêu là đáng để đầu tư?

Vẫn biết là việc đưa ra thông tin như vậy không đơn giản, không chỉ ở những yếu tố có tính kỹ thuật, mà còn cần đến cả bản lĩnh của người thực hiện, nhất là trên một thị trường chứng khoán mới nổi như tại Việt Nam. Vậy "trào lưu" công bố báo cáo trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây nhằm mục đích gì?

Có lẽ, các công ty chứng khoán đang nhắm đến việc marketing thương hiệu và thăm dò thị trường đối với một loại sản phẩm mới (sản phẩm tư vấn, phân tích).

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng từ các báo cáo của tổ chức tài chính quốc tế (HSBC, Merrill Lynch…), việc các tổ chức tài chính trong nước công bố những bản báo cáo nêu trên còn đem lại một lợi ích nữa là giảm mức độ ảnh hưởng của các báo cáo ngoại.

Người Việt Nam đọc báo cáo của các tổ chức tài chính Việt Nam để gia tăng đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam có lẽ là mục đích chung của tất cả các báo cáo từ công ty chứng khoán.