KBSV hạ dự báo tăng trưởng EPS năm 2025 toàn thị trường từ 16,7% xuống còn 15%
Việc điều chỉnh này phản ánh quan điểm thận trọng hơn về tác động của thuế quan lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.

Chứng khoán KBSV vừa đưa ra cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán trong năm 2025, theo đó kỳ vọng chỉ số VN-Index đạt mức 1.530 điểm, tương ứng mức tăng trưởng EPS toàn thị trường 15% và mức định giá P/E của VN-Index ở 14.2 tương đương quanh mức bình quân 3 năm trừ 1 độ lệch chuẩn – đồng thời thấp hơn mức bình quân 10 năm gần nhất là 16,6 lần.
Vùng định giá P/E này là tương đối thận trọng trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh các động lực tăng trưởng trong nước để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay.
Nguyên nhân là do cần thêm thời gian để đánh giá tác động thực tế của mức thuế quan do Chính quyền ông Trump áp lên hàng hoá Việt Nam, khái niệm transhipping mà Mỹ xác định cho hàng hóa Việt Nam, cũng như mức thuế mà các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam bị áp.
KBSV hạ dự báo tăng trưởng EPS toàn thị trường từ 16,7% ở báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán năm 2025 về 15%. Việc điều chỉnh này phản ánh quan điểm thận trọng hơn về tác động của thuế quan lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Dù vậy mức điều chỉnh là không lớn khi mà nhìn nhận động lực tăng trưởng mới đã xuất hiện đến từ các chính sách thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ của Chính phủ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay.
Tăng trưởng chung toàn thị trường được KBSV dự phóng dựa trên thay đổi của từng nhóm ngành sau khi đã xét đến những yếu tố ảnh hưởng liên quan.
Các nhóm ngành dẫn dắt bao gồm Bất động sản tăng 27% so với cùng kỳ, Y tế
tăng 25%, Công nghệ thông tin tăng 20% khi đây là các nhóm ngành sẽ ít bị tác động bởi thuế quan.
Trong khi đó, 3 nhóm này sẽ được hưởng lợi tích cực từ các thay đổi chính sách của chính phủ, kỳ vọng sẽ thẩm thấu mạnh mẽ trong thời gian tới như: Đẩy mạnh đầu tư công xây dựng hạ tầng, tháo gỡ pháp lý cho các dự án Bất động sản; Chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ, chuyển đối số/xanh, đào tạo nhân lực chất lượng hỗ trợ nhóm Công nghệ thông tin; Động thái truy quét thuốc và thực phẩm chức năng giả, tích cực cho ngành Dược, y tế.
Các nhóm ngành tăng trưởng thấp hơn so với mặt bằng chung gồm Công nghiệp, Hàng tiêu dùng thiết yếu & Tiện ích. Đây cũng là những nhóm nhạy cảm với chính sách thuế của Mỹ, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu như thuỷ sản, dệt may. Công nghiệp và Tiện ích gặp bất lợi khi dòng vốn FDI vào Việt Nam chậm lại, nhu cầu đối với dịch vụ trong nhóm ngành này có thể bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Hàng tiêu dùng thiết yếu đối mặt với cầu tiêu dùng nội địa yếu và cạnh tranh gia tăng trong ngành.
Trong cập nhật triển vọng lần này, KBSV cũngbảo lưu quan điểm tích cực về tiềm năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi được chấp thuận, thị trường có thể thu hút một lượng vốn đáng kể, ước tính từ 800 triệu đến 1 tỷ USD từ các quỹ thụ động mô phỏng theo chỉ số FTSE, và con số này sẽ còn lớn hơn khi tính cả các bộ chỉ số khác.
Đáng chú ý, dòng vốn từ các quỹ chủ động được dự báo sẽ còn mạnh mẽ hơn, có thể đạt từ 4 - 6 tỷ USD.
Theo đó, các cổ phiếu đầu ngành đáp ứng tiêu chí về vốn hóa và thanh khoản như VCB, MSN, VNM, HPG, VIC, VHM, SSI... sẽ là những ứng viên hàng đầu được thêm vào rổ chỉ số. Bên cạnh đó, các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tốt và còn "room" cho khối ngoại cũng sẽ nằm trong tầm ngắm của các quỹ chủ động.
Ngoài ra, nhóm công ty chứng khoán, đặc biệt là những đơn vị có thị phần môi giới cho tổ chức nước ngoài lớn nhất như VCI, HCM, và SSI cũng sẽ hưởng lợi trực tiếp từ sự gia tăng lợi nhuận và phí giao dịch.