09:08 18/07/2007

Bùng nổ siêu thị

Việc “bùng nổ” hàng loạt siêu thị mới không chỉ diễn ra ở các trung tâm thành phố lớn, mà còn lan rộng các tỉnh, thành

Mua hàng trong siêu thị thay vì mua ở chợ đang là lựa chọn của nhiều người.
Mua hàng trong siêu thị thay vì mua ở chợ đang là lựa chọn của nhiều người.
Chỉ trong vòng hai tháng, có ít nhất năm siêu thị được đưa vào hoạt động tại Tp.HCM. Tình hình tương tự cũng đang diễn ra tại các tỉnh, thành trên cả nước.

Liệu việc kinh doanh siêu thị có “mở là thắng”? Liệu thói quen mua sắm của người dân có thay đổi khi bây giờ ra ngõ là gặp... siêu thị?

“Dồn dập” khai trương

Đầu tháng 5/2007, Công ty TNHH Đông Hưng, đơn vị chủ quản chuỗi hệ thống Citimart, đưa siêu thị thứ tám trong hệ thống đi vào hoạt động ở quận Bình Thạnh (Tp.HCM), nâng tổng số siêu thị hiện có của Đông Hưng trên cả nước lên 17 siêu thị.

Một tháng sau, Parkson khai trương trung tâm thứ hai của mình tại Tp.HCM ở Hùng Vương Plaza, với vốn đầu tư lên đến 6 triệu USD.

Sang tháng 7/2007, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) “bóc tem” Trung tâm Thương mại Vinatex Lý Thường Kiệt, siêu thị thứ 46 của hệ thống Vinatexmart.

Tiếp sau Vinatex chỉ một ngày, Co-op Mart Biên Hòa, trung tâm thương mại hợp tác giữa Saigon Co-op (Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp.HCM) và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Biên Hòa (Bihimex), được đưa vào hoạt động với tổng vốn đầu tư lên đến 75 tỉ đồng...

Ông Ngô Văn Hải, Phó giám đốc Công ty TNHH Đông Hưng, cho rằng việc “bùng nổ” hàng loạt siêu thị mới không chỉ ở các trung tâm thành phố lớn, mà còn lan rộng các tỉnh, thành.

“Chúng tôi buộc phải chạy đua với thời gian, tìm chỗ “dừng chân” thích hợp trước thời điểm Chính phủ cho phép doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài được quyền mở siêu thị, trung tâm phân phối”, ông Hải nói.

Cũng nằm trong thế “buộc phải chạy”, bà Nguyễn Thị Hồng Hương - Giám đốc hệ thống Vinatexmart - cho biết từ nay đến cuối năm 2007 Vinatexmart sẽ tiếp tục đưa thêm bốn siêu thị vào hoạt động.

Với chuỗi hệ thống của Saigon Co-op, kế hoạch phát triển mới 5-8 siêu thị trong năm 2007 sẽ được Saigon Co-op “giải quyết” xong sáu cái vào cuối tháng bảy tới, đưa tổng số siêu thị đang sở hữu lên con số 23.

Big C thì chuẩn bị khai trương siêu thị tại Đà Nẵng vào tháng mười tới, đây là siêu thị thứ bảy của Big C tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 12 triệu USD.

Đáp ứng thói quen mua sắm đang thay đổi

18h, tại siêu thị Vinatex (Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, Tp.HCM), khách đến mua sắm rải đều ở ba tầng tòa nhà, với một siêu thị lớn mới mở chưa được một tháng thì lượng khách như vậy là đầy sức hút. Nằm không xa chợ đầu mối Tân Bình nhưng sự ra đời của Vinatex đã tạo nên thói quen mua sắm mới đối với người dân ở khu vực này.

Đến nhiều siêu thị, thấy siêu thị nào cũng đông khách. Nhiều người dân đã dần dần chuyển hẳn thói quen đi chợ trong siêu thị. Bác Lam, ngụ tại quận Tân Bình, cho biết: “Dạo này bác đi siêu thị không à. Mua trong siêu thị giá đắt hơn một chút nhưng là đồ ngon, bảo đảm chất lượng. Tính ra cũng chừng đó thôi”.

Chị Thái Hoàng, nhân viên kế toán của một công ty tư nhân, cho rằng với những công nhân viên chức như chị, đi làm về mệt rồi còn phải chen chúc vào chợ thì oải lắm. Hơn nữa, vào chợ có nơi còn bị móc túi, giật đồ. Vào siêu thị sạch, mát, có máy lạnh, không trộm cắp, giá cả cao hơn cũng có thể chấp nhận.

Theo thống kê của phòng kinh doanh các siêu thị, doanh thu hai ngày cuối tuần của các siêu thị luôn tăng gấp đôi so với ngày thường, nhưng sự chênh lệch này đang được rút ngắn dần khi thói quen đi siêu thị hằng ngày của người dân đô thị ngày càng tăng rõ nét.

Tìm đường cạnh tranh

Theo tổng giám đốc một siêu thị, việc kinh doanh đã không còn dễ dàng kiếm lợi nhuận như trước nữa. “Chúng tôi đã phải cạnh tranh với rất nhiều đồng nghiệp trong bối cảnh nhiều nơi mở siêu thị, khắp nơi đều mở cửa hàng tiện lợi bán lẻ. Lợi nhuận tính trên doanh thu lúc trước có thể hơn 15%, nhưng bây giờ thì chỉ còn khoảng một nửa, cùng lắm là 10%”, ông này nói.

Theo bà Trần Thị Kim Quyên - Phó tổng giám đốc Saigon Co-op, giám đốc chuỗi siêu thị Co-op Mart, sự có mặt của các “ông lớn”, chẳng hạn như Big C, Metro và Parkson cũng là bài toán rất “khó nuốt” đối với doanh nghiệp trong nước.

Tại Saigon Co-op, tổng doanh thu toàn hệ thống ước đạt khoảng 2.000 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm 2007, tăng 40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, nếu so với bộ máy và chi phí bỏ ra thì con số này vẫn còn rất khiêm tốn.

Mới đây Saigon Co-op cùng ba doanh nghiệp trong nước là Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn và Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái đã sáng lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) nhằm nâng cao sức cạnh tranh của Saigon Co-op.

Hiện VDA đang khảo sát mặt bằng, triển khai các dự án đầu tư theo kế hoạch, liên hệ các địa phương xin qui hoạch và tìm địa điểm xây dựng trung tâm thương mại và nhà kho để không bị chậm chân.

Mặt bằng: “Vàng ròng”

“Giới kinh doanh siêu thị chúng tôi thường ví mặt bằng như vàng ròng. Khi đã có “vàng ròng” thì coi như siêu thị đã nắm 50% thành công trong tay, 50% còn lại tùy thuộc vào giá cả và chất lượng phục vụ khách hàng”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đông Hưng, chủ đầu tư chuỗi hệ thống siêu thị Citimart - cho biết.

Theo bà Hoa, diện tích lý tưởng để mở một siêu thị phải từ 2.000 m2 trở lên, nhưng với thực trạng quĩ đất ở trung tâm các thành phố ngày càng eo hẹp, mặt bằng có diện tích trên 2.000m2 đang được các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này xếp vào loại “cực hiếm, cực quí”.

Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị hiện nay đều phải thuê mặt bằng, giá thuê mặt bằng đắt nhất hiện thuộc về trung tâm khu vực quận 1 và quận 3 (Tp.HCM) với giá trung bình 15-100 USD/m2. Các quận khác hoặc vùng ven thành phố khoảng 15-20 USD/m2.

Theo tính toán của các doanh nghiệp, trung bình suất đầu tư vào siêu thị (gồm chi phí xây dựng và trang thiết bị phụ trợ) ước 1.000-1.200 USD/m2, chi phí này sẽ tăng thêm 10-15% nếu qui mô siêu thị càng hiện đại.