11:48 16/01/2013

Các bộ thêm quyền lực với doanh nghiệp nhà nước

Anh Minh

Nhiều thay đổi quan trọng từ Nghị định 99 về doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước

Trong việc quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các bộ từ nay sẽ có nhiều quyền hơn.
Trong việc quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các bộ từ nay sẽ có nhiều quyền hơn.
Chính thức có hiệu lực từ hai tuần qua, Nghị định 99/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đang được kỳ vọng sẽ làm thay đổi căn bản việc quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Tái phân công

Mặc dù Nghị định 99/2012 đã được công bố và có hiệu lực, nhiều người vẫn chưa nắm hết “nội hàm” của văn bản này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong báo cáo gửi đến hội nghị giữa lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước với Thủ tướng sáng 16/1, đã giải thích một cách khá chi tiết các nội dung chính trong nghị định.

Theo cơ quan này, thay đổi quan trọng nhất trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước được thể hiện trong nghị định này chính là việc thu hẹp quyền của Thủ tướng, trong khi mở rộng quyền của các bộ.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ còn thực hiện 4 quyền quan trọng của chủ sở hữu đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quan trọng, bao gồm quyết định thành lập, tổ chức lại; mức vốn điều lệ và thay đổi vốn điều lệ; bổ nhiệm chủ tịch hội đồng thành viên và phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất và đầu tư 5 năm.

Số lượng doanh nghiệp Thủ tướng trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu cũng đã giảm từ 21 tập đoàn, tổng công ty xuống còn 9 tập đoàn và 1 tổng công ty.

Trong khi đó, các bộ từ nay sẽ có nhiều quyền hơn, đồng thời phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với các tổng công ty trực thuộc, đặc biệt trong các vấn đề như bổ nhiệm tổng giám đốc, phê duyệt chủ trương góp vốn để thành lập công ty liên kết, vay, cho vay, mua bán tài sản, quyết định lương của các chức danh quan trọng...

Tiếp tục hoàn thiện


Báo cáo nói trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ghi nhận sự “hưởng ứng” từ các doanh nghiệp nhà nước đối với văn bản quan trọng này.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù nghị định mới có hiệu lực hai tuần, nhưng “các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều đã chủ động tìm hiểu, phổ biến nghị định xuống các đơn vị thành viên, hoàn thiện cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thành viên”.

Tuy nhiên, do những cơ chế, chính sách phục vụ cho việc triển khai nghị định này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng nên các tập đoàn, tổng công ty vẫn còn gặp nhiều lúng túng trong triển khai, thực hiện.

Chính vì vậy, cơ quan này lưu ý rằng trong thời gian tới, các bộ ngành phải bắt tay giải quyết một loạt vấn đề để có thể hiện thực hóa nghị định quan trọng này vào thực tiễn hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ quy định về chế độ quản lý tài chính; quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn; chế độ báo cáo và công khai tài chính; tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ quy định về việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể công ty TNHH một thành viên; quy định điều lệ mẫu của tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; chế độ giám sát, kiểm tra...

Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ quy định về bổ nhiệm nhân sự, trong khi Bộ Lao động - Thương binh và xã hội sẽ trình quy định về chế độ tuyển dụng và lương thưởng trong các doanh nghiệp nhà nước.

Đối với các bộ trực tiếp quản lý doanh nghiệp, công việc cần triển khai trong thời gian tới là xây dựng dự thảo nghị định về điều lệ tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp trực thuộc.