Các công ty bảo hiểm “thò tay” vào bất động sản như thế nào?
Trong 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất trên sàn chứng khoán thì PVI có tỷ trọng đầu tư vào bất động sản trên tổng tài sản cao nhất, tính đến cuối năm 2021...
Từ 1/1/2023, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không được đầu tư bất động sản do Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) có hiệu lực. Tuy nhiên, theo nhận định của Chứng khoán KIS Việt Nam, việc này không ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm vào mảng thị trường này.
Bởi lẽ, tỷ trọng nắm giữ bất động sản đầu tư trên tổng tài sản ở các doanh nghiệp bảo hiểm không lớn. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ trung bình ở 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ niêm yết gồm PVI, PTI, PGI, BVH, BMI là 2,29%.
Trong đó, Bảo hiểm PVI có tỷ lệ nắm giữ bất động sản đầu tư trên tổng tài sản cao nhất (khoảng 4,6%). Tiếp đến là Bảo hiểm Bưu điện (PTI) nắm giữ gần 4%; Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) hơn 2%; Bảo hiểm Petrolimex khoảng 1,3%. Cá biệt, doanh nghiệp bảo hiểm có tổng tài sản lớn nhất là Bảo Việt (BVH) chỉ có mức nắm giữ là 0,05%.
Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị hạn chế về năng lực phát triển kinh doanh bất động sản do đây là ngành nghề trái chuyên môn. Lợi nhuận đến từ việc kinh doanh bất động sản (nếu có) kỳ vọng đến từ tăng giá thị trường sau một thời gian nắm giữ chứ không nằm ở khả năng phát triển giá trị/hệ sinh thái ở bất động sản. Vì vậy, KIS Việt Nam đánh giá việc kinh doanh bất động sản có thể sẽ không hiệu quả đối với doanh nghiệp bảo hiểm kể cả trong dài hạn.
Luật mới hạn chế việc kinh doanh bất động sản trực tiếp nhưng không đồng nghĩa hạn chế dòng vốn từ doanh nghiệp bảo hiểm chảy vào ngành bất động sản. Doanh nghiệp bảo hiểm có thể đầu tư gián tiếp thông qua cổ phiếu công ty bất động sản được niêm yết trên sàn, chứng chỉ quỹ bất động sản (REITs) hay mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Việc hưởng lợi từ sự phát triển của ngành bất động sản hoàn toàn được đảm bảo.
Các chuyên gia nhận định điểm cực kỳ tích cực ở Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi về hoạt động đầu tư là gỡ bỏ mức giới hạn tối đa đầu tư vào kênh cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Cộng thêm việc cho phép đầu tư vào các quỹ ủy thác, lợi nhuận đầu tư tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm hứa hẹn sẽ tăng trưởng.
Luật mới quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tái bảo hiểm. Việc không giới hạn sở hữu của vốn ngoại chắc chắn sẽ giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó tăng sự cạnh tranh nội địa và là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Thời gian tới, có thể chứng kiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tham gia vào mảng phi nhân thọ.
Trong ngắn hạn, thị trường bảo hiểm vẫn đang phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm tương đương so với các năm trước và nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Trung hạn sẽ kỳ vọng chứng kiến các thương vụ sáp nhập (M&A), hợp tác chiến lược đến từ các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm hay các tổ chức phụ trợ bảo hiểm nước ngoài nhằm phát triển độ sâu của thị trường và tăng sự cạnh tranh nội địa. Triển vọng dài hạn cũng được đảm bảo với việc áp dụng vốn trên cơ sở rủi ro và sự linh hoạt hơn trong đầu tư.