19:46 25/07/2022

Cử tri "kêu khổ" vì thủ tục bồi thường bảo hiểm xe máy rườm rà, công ty bảo hiểm nhũng nhiễu

Anh Tú

Theo phản ánh của cử tri nhiều tỉnh, thành, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bắt buộc. Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn giao thông, người dân khó tiếp cận với chính sách của loại bảo hiểm này, thủ tục đề nghị chi trả rườm rà và công ty bảo hiểm gây khó...

Cử tri Đắk Lắk đề nghị chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm của chủ xe mô tô, xe máy sang hình thức tự nguyện, không ép buộc.
Cử tri Đắk Lắk đề nghị chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm của chủ xe mô tô, xe máy sang hình thức tự nguyện, không ép buộc.

Bộ Giao thông vận tải vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk do Văn phòng Chính phủ chuyển đến.

Cụ thể, cử tri tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm của chủ xe mô tô, xe máy sang hình thức tự nguyện, không ép buộc, để đảm bảo quyền lợi của người dân.

“Thực tế hiện nay, dù bắt buộc chủ xe mô tô, xe máy phải mua bảo hiểm nhưng khi xảy ra tai nạn và đề nghị chi trả bảo hiểm thì công ty bảo hiểm nhũng nhiễu, gây khó khăn, thủ tục rườm rà khiến người mua bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong quá trình đề nghị thanh toán chi trả bảo hiểm”, cử tri tỉnh Đắk Lắk nêu rõ. Đồng thời, xem xét lại quy định việc công an giao thông xử phạt người tham gia giao thông khi không mua bảo hiểm mô tô, xe máy.

Cũng thấy rõ bất cập trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, gần đây cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phản ánh việc cơ quan chức năng quy định người tham gia giao thông bằng xe máy bắt buộc phải mua bảo hiểm xe, nêu không sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng (theo Nghị định 03/2021/NĐ-CP ngày 15/1/2021, về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008).

Tuy nhiên, "khi xảy ra tai nạn giao thông thì người dân khó tiếp cận với các chính sách của loại bảo hiểm này. Quyền lợi người tham gia bảo hiểm không được thực hiện đầy đủ. Thủ tục yêu cầu chi trả bảo hiểm rất khó khăn”, cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xe máy bắt buộc.

Đồng thời, các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của loại hình bảo hiểm này cũng như rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành theo hướng siết chặt các quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có cung cấp gói bảo hiểm này.

Trả lời kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hiểm của chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ.

Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội xác định công ty bảo hiểm gây nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người mua bảo hiểm trong quá trình đề nghị thanh toán chi trả bảo hiểm và chuyển kiến nghị đến các cơ quan để giải quyết theo thẩm quyền.

Liên quan đến vấn đề này, trong văn bản trả lời cử tri gần đây, Bộ Tài chính cũng thông tin thêm một số nội dung nổi bật tại Nghị định số 03/2021, nhằm cắt giảm thủ tục, tăng cường công tác tạm ứng bồi thường, giải quyết bồi thường bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi về thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong đó, bao gồm cả xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy cho người dân.

Theo đó, Nghị định số 03/2021 tăng cường công tác tạm ứng bồi thường bằng việc quy định rõ trong mọi trường hợp, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Trong khi theo quy định cũ, chỉ trong trường hợp cần thiết doanh nghiệp bảo hiểm mới phải tạm ứng bồi thường.

Nghị định số 03/2021 cũng cắt giảm hồ sơ, tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Theo đó, cắt giảm 2/5 tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng so với quy định trước đây, chỉ còn Giấy chứng nhận thương tích, Hồ sơ bệnh án, Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử trường hợp nạn nhân chết. 

Đồng thời, quy định doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải thu thập các tài liệu của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách. Theo quy định cũ trong mọi trường hợp, doanh nghiệp bảo hiểm phải thu thập các tài liệu này.

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết bồi thường, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng cảnh sát cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến các vụ tai nạn giao thông trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả điều tra.

Khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ đồng hồ, doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, chủ xe cơ giới các biện pháp đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm.

Trong vòng 24 giờ đồng hồ tổ chức thực hiện việc giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm...

 

Nghị định số 03/2021 cũng quy định cụ thể trách nhiệm tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa khi thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới của Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban Quốc gia về An toàn Giao thông, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, để người dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình.