Các địa phương quyết liệt chuyển đổi số
Cùng những giải pháp mạnh mẽ quyết liệt trong phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, thời gian qua, nhiều tỉnh thành đã chủ động bắt nhịp, khai thác cơ hội chuyển đổi số bằng các chương trình kế hoạch hành động, mục tiêu cụ thể...
Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số. Một số địa phương như Bắc Giang, Bến Tre, Thái Nguyên, Tây Ninh, Bình Phước, Ninh Bình… đã ra Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về chuyển đổi số, tạo tiền đề để địa phương triển khai chuyển đổi số đạt được kết quả cao.
ĐẶT RA CÁC MỤC TIÊU, CON SỐ CỤ THỂ
Ngày 11/6/2021, Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 111-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết tập trung phát triển trên ba trụ cột chính, gồm: xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Với Nghị quyết trên, Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 có chỉ số đánh giá về chuyển đổi số thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; phấn đấu kinh tế số chiếm 25% GRDP…
Cũng trong tháng 6/2021, Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số trên địa bàn TP.Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm ba địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước. Đến năm 2025, giá trị của kinh tế số sẽ chiếm tối thiểu 20% GRDP…
Tháng 5 vừa qua, Tỉnh ủy Bình Phước cũng công bố Nghị quyết về chuyển đổi số trên địa bàn đến năm 2025 với mục tiêu cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; phấn đấu kinh tế sốchiếm 20% GRDP.
Trước đó, Nghị quyết chuyên đề đầu tiên được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khóa XX ban hành là Nghị quyết số 01/NQ-TU về Chương trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Điều này đã thể hiện quyết tâm chính trị của tỉnh trong chủ động bắt nhịp quá trình chuyển đổi số.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025, trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Riêng kinh tế số sẽ chiếm trên 20% GRDP và mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ đạt trên 30%.
Nhiều UBND tỉnh, thành trên cả nước cũng đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số của địa phương mình với những mục tiêu cụ thể về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
TIỀN ĐỀ DẪN DẮT TRIỂN KHAI CHUYỂN ĐỔI SỐ
Kết luận hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý 1/2021 với các sở thông tin và truyền thông và đơn vị phụ trách công nghệ thông tin của các bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đột phá chiến lược của các bộ, ngành và tỉnh, thành trong nhiệm kỳ này sẽ là chuyển đổi số.
Chuyển đổi số hiện nay là xu thế không thể đảo ngược. Việt Nam đã thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia trong 1 năm qua với nhiều hành động cụ thể, quyết liệt từ Trung ương đến các địa phương.
Bộ đề nghị lãnh đạo các sở thông tin và truyền thông, cơ quan chuyên trách công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu lãnh đạo bộ, ngành và địa phương ban hành Nghị quyết và chiến lược về chuyển đổi số.
Có tính chất dẫn dắt, Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số của các tỉnh, thành phố bao gồm những chủ trương lớn, quan điểm chỉ đạo quan trọng, sẽ là đầu vào cho các chương trình, kế hoạch hành động về chuyển đổi số của địa phương giai đoạn 2021- 2025 - định hướng đến năm 2030.
Quan trọng hơn, Nghị quyết này còn là đầu vào để ưu tiên, bố trí, phân bổ nguồn lực nhằm hiện thực hóa các nội dung trong chương trình, kế hoạch chuyển đổi số.