07:20 17/06/2014

“Các tư liệu của Trung Quốc không có nguồn gốc rõ ràng”

Song Hà

Việt Nam bác bỏ lập luận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới quốc gia Trần Duy Hải (người đứng): "Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa".
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới quốc gia Trần Duy Hải (người đứng): "Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa".
Đối với các yêu sách về chủ quyền, Trung Quốc đưa ra một số tư liệu lịch sử nhưng các tư liệu đó không có nguồn gốc rõ ràng, không chính xác và được diễn giải một cách tùy tiện.

Đó là khẳng định của ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới quốc gia trước các phóng viên trong nước và quốc tế tại cuộc họp báo chiều 16/6, cập nhật tình hình sau hơn 1 tháng Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc đã 2 lần xâm chiếm Hoàng Sa

Trước các yêu sách của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, ông Hải cho hay, Việt Nam bác bỏ lập luận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa vì các yêu sách đó là không có cơ sở pháp lý và lịch sử.

“Các tư liệu này đều là của cá nhân, không phải là tài liệu chính thức của nhà nước phong kiến Trung Quốc. Trong các tư liệu đó, quần đảo Hoàng Sa được nêu tên và mô tả một cách thiếu nhất quán. Theo quy định của luật pháp quốc tế về lãnh thổ, một quốc gia chỉ có thể thiết lập chủ quyền thông qua các hành động thực thi chủ quyền mang danh nghĩa nhà nước. Các tài liệu mà Trung Quốc đã công khai không chứng tỏ nhà nước phong kiến Trung Quốc đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa khi quần đảo còn là lãnh thổ vô chủ", ông Hải cho biết.

Trong khi đó, Việt Nam đã cung cấp công khai bằng chứng xác thực cho thấy nhà nước phong kiến Việt Nam đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo này từ khi quần đảo là lãnh thổ vô chủ. Ít nhất từ thế kỷ 17, các triều đại nhà Nguyễn đã tổ chức các hoạt động khai thác sản vật trên các quần đảo, tổ chức đo đạc hải trình và bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền của quốc gia khác qua lại tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Các hoạt động này đều đã được ghi nhận trong các văn bản chính thức do các triều đình phong kiến Việt Nam ban hành là các châu bản hiện đang được lưu giữ tại Việt Nam.

Ông Trần Duy Hải nhấn mạnh, Trung Quốc đã hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi đó đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này.

Đến năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền miền Nam Việt Nam.

Ngoài ra, trong các năm từ 2003 đến 2012, Trung Quốc cũng đã 9 lần vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để thăm dò, khai thác dầu khí.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Thông tin về diễn biến vụ việc, ông Hải cho biết, Việt Nam đã nỗ lực và thiện chí giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay trên biển Đông do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam gây ra thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình nhưng Trung Quốc phản ứng thiếu tính xây dựng.

Thế nhưng, thay vì đáp lại thiện chí của Việt Nam, Trung Quốc đã đưa ra các lời cáo buộc vô căn cứ, bóp méo sự thật, vu cáo Việt Nam đâm các tàu của Chính phủ Trung Quốc hơn 1.500 lần. Cùng với đó, Trung Quốc vẫn khăng khăng không rút giàn khoan và không đàm phán.

Việt Nam đã khai thác dầu khí 40 năm nay

Liên quan đến hoạt động dầu khí của Việt Nam trong vùng biển này, ông Nguyễn Quốc Thập, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) cho biết, trong hơn 40 năm qua, Petro Vietnam đã và đang triển khai bình thường các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong đó có khu vực quần đảo Hoàng Sa và các vùng phụ cận khác.

“Chúng tôi đã ký hơn 100 hợp đồng khai thác, trong đó 61 hợp đồng dầu khí hiện vẫn đang có hiệu lực. Khối lượng công tác tìm kiếm khai thác trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đạt trên 500 ngàn km tuyến địa chấn 2D, trên 50 ngàn km tuyến địa chấn 3D và khoảng 900 giếng khoan các loại. Tất cả các hoạt động nói trên đều nằm trong phạm vi thềm lục địa và đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam”, ông Thập khẳng định.

Trước những vu khống của Trung Quốc cho rằng tàu Việt Nam đã đâm tàu Trung Quốc, Việt Nam sử dụng người nhái, ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết cho tới nay Việt Nam không hề sử dụng lực lượng người nhái tại khu vực hiện trường.

Trong khi đó, theo ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư, hiện nay Trung Quốc đang duy trì trung bình 120 tàu/ngày, chủ động tấn công uy hiếp tàu kiểm ngư Việt Nam dưới nhiều hình thức đâm va, phun vòi rồng, sử dụng âm thanh, âm tần đèn pha công suất lớn tác động tâm lý lực lượng kiểm ngư Việt Nam.

“Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng khẳng định chưa có trường hợp nào tàu Việt Nam chủ động đâm va tàu Trung Quốc như Trung Quốc đưa tin. Có 23 tàu kiểm ngư Việt Nam bị đâm va, hư hại, có 15 kiểm ngư viên bị thương”, ông Lê cho biết.

Đối với đề nghị của Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút khỏi 29 đảo đá mà Việt Nam đã chiếm giữ tại quần đảo Trường Sa, ông Trần Duy Hải khẳng định, đề nghị của Trung Quốc rất vô lý, chúng tôi bác bỏ đề nghị phi lý đó.

“Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền với Trường Sa và trên thực tế Việt Nam đã quản lý, khai thác hòa bình liên tục trên quần đảo Trường Sa. Chính Trung Quốc là người đã dùng vũ lực để xâm chiếm một số bãi trên quần đảo Trường Sa và do vậy chính Trung Quốc phải rút khỏi các bãi họ đã chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988 của Việt Nam”, ông Hải nói.

Cũng tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình xác nhận Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ đến Việt Nam trong tuần này. Đây là cuộc gặp của hai chủ tịch uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc.

“Trong các chủ đề thảo luận, tôi tin vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chắc chắn sẽ được bàn đến”, ông Bình nhận định.