18:05 07/05/2014

Vụ giàn khoan HD-981: “Sự chịu đựng nào cũng có giới hạn”

Từ Nguyên

Máy bay và tàu Trung Quốc đã chủ động uy hiếp tàu Việt Nam tại khu vực gần giàn khoan HD-981

Đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì buổi họp báo chiều 7/5.<br>
Đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì buổi họp báo chiều 7/5.<br>
“Sự chịu đựng nào cũng có giới hạn. Nếu phía Trung Quốc không dừng các hoạt động sai trái, cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam sẽ có hành động tự vệ thích đáng”, ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam nói tại cuộc họp báo quốc tế do Bộ Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội chiều 7/5, về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.

Tàu quân sự Việt Nam chưa vào cuộc


Tại cuộc họp báo, ông Ngô Ngọc Thu cho hay đến thời điểm này, Trung Quốc đã đưa đến hiện trường 80 tàu tham gia bảo vệ, phục vụ cho giàn khoan HD-981, trong đó có 7 tàu quân sự cùng nhiều tàu hải giám, hải cảnh, tàu cá…

Khi các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn thì tàu bảo vệ của Trung Quốc - với sự hỗ trợ của máy bay tầm thấp - đã chủ động đâm thẳng vào tàu Việt Nam, dùng vòi rồng, súng bắn nước làm hư hỏng, gây thương tích cho các thuyền viên.

Đáng chú ý, theo ông Thu, trong khi Việt Nam chưa sử dụng bất kỳ một tàu quân sự nào để phản đối hành động trên, thì phía Trung Quốc đã đưa các tàu đã được trang bị đầy đủ vũ khí, sẵn sàng chiến đấu.

“Phía Việt Nam đã có mặt kịp thời ngăn chặn, yêu cầu giàn khoan và các tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam. Chúng ta kiên trì nhưng kiềm chế, tiếp tục đấu tranh để bảo vệ chủ quyền”, ông Thu nói.

Cũng theo ông Thu, hiện lực lượng hải quân Việt Nam chưa tham gia ngăn chặn giàn khoan, đồng thời lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam cũng chưa có hành động đáp trả.

Tuy nhiên, trước sự hung hăng của các tàu Trung Quốc, vị Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam nói: “Sự chịu đựng nào cũng có giới hạn. Nếu phía Trung Quốc không dừng các hoạt động sai trái, cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam sẽ có hành động tự vệ thích đáng”.

Ông Thu cũng khẳng định, hiện nay các lực lượng của Việt Nam không bắt giữ ai là người Trung Quốc trên biển.

Trước thông tin cho rằng, đã có một số thương vong do hành động ngông cuồng của Trung Quốc, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) cho hay, hiện chưa có người nào thiệt mạng, song đã có một số kiểm ngư viên bị thương do các tàu của Trung Quốc đâm vào.

Ông Hải cũng cho biết thêm về nội dung cuộc điện đàm giữa Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, chiều 6/5. Trong cuộc điện đàm đó, phía Trung Quốc nhắc lại lập trường của Trung Quốc trên biển Đông và họ cho rằng giàn khoan HD-981 ở vùng của họ. Nhưng ông Phạm Bình Minh đã bác bỏ ý kiến đó và khẳng định tàu và giàn khoan HD-981 đã xâm phạm các quyền của Việt Nam.

"Trung Quốc từng nhiều lần thuê các giàn khoan của các nhà thầu bên ngoài để tiến hành thăm dò và chúng ta đã kiên quyết đấu tranh, buộc Trung Quốc phải rút. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc dùng giàn khoan tự chế. Chúng ta đã đấu tranh quyết liệt, nên chưa xảy ra việc Trung Quốc khoan thăm dò", ông Hải nói.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) Đỗ Văn Hậu cho biết, khu vực mà giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đang xâm chiếm thì hiện Petro Vietnam chưa khoan thăm dò, mới chỉ dừng ở mức độ khảo sát. Do đó, tiềm năng dầu khí của khu vực này cũng chưa thể đánh giá chính xác được.

Tuy nhiên, Petro Vietnam khẳng định kiên quyết phản đối việc Trung Quốc tiếp cận khu vực này, bất luận trong trường hợp nào.

Kiện hay không?

Thông tin tại cuộc họp báo cho hay, đến thời điểm này, phía Việt Nam vẫn dừng lại ở những khuyến cáo, kêu gọi Trung Quốc dừng ngay việc vi phạm chủ quyền lục địa, quyền tài phán khi đưa giàn khoan HD-981 vào khu vực thềm lục địa Việt Nam.

Ông Trần Duy Hải cho biết, sau khi phía Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, trong những ngày qua, phía Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng, trao đổi với phía Trung Quốc. Riêng phía Bộ Ngoại giao đã có 8 cuộc giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc tại Hà Nội và Bắc Kinh.

Trong các cuộc giao thiệp nói trên, phía Việt Nam vẫn luôn khẳng định “khu vực giàn khoan HD-981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hoạt động của giàn khoan đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và các thoả thuận khác, cũng như làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai quốc gia và tâm tư tình cảm của nhân dân hai nước”.

Trong khi đó, phía Trung Quốc cho rằng, hoạt động của giàn khoan HD 981 là hoạt động dầu khí bình thường của Trung Quốc ở khu vực phía Nam đảo “Trung Kiến” tức đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo “Tây Sa”, tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, không liên quan gì đến thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Phía Việt Nam đã hoàn toàn bác bỏ và kiên quyết không chấp nhận quan điểm sai trái này của phía Trung Quốc.

Ông Hải cũng khẳng định, việc Trung Quốc bất chấp giao thiệp của phía Việt Nam, vẫn không rút giàn khoan nói trên cùng các tàu dịch vụ dầu khí và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam, rõ ràng là hành động cố tình và có chủ ý xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Trả lời câu hỏi của báo giới nước ngoài, rằng Việt Nam có theo gương Philippines kiện Trung Quốc về việc xâm phạm chủ quyền, ông Trần Duy Hải nói, tất cả các biện pháp hòa bình đều có thể được sử dụng để giải quyết tranh chấp.