Cải cách căn bản chính sách bảo hiểm xã hội
Chính sách bảo hiểm xã hội sẽ có những nội dung cải cách rất mới, rất căn bản, khẳng định mục tiêu hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân

Chính sách bảo hiểm xã hội sẽ có những nội dung cải cách rất mới, rất căn bản, khẳng định mục tiêu hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân và xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội với chương trình hưu trí đa tầng...Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có những chia sẻ quanh vấn đề này.
Chính sách bảo hiểm xã hội tại Việt Nam được đánh giá rất ưu việt, mở rộng diện bao phủ đến tất cả mọi người dân. Vậy lý do gì chúng ta phải cải cách chính sách này, thưa ông?
Trong những năm qua, số lượng và tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng tăng; đối tượng được hưởng các chế độ ngày càng nhiều. Hiện cả nước có gần 14 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội; 11,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp... Tuy nhiên, tới thời điểm này đã nảy sinh những bất cập.
Thứ nhất là diện bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ tham gia mới đạt khoảng 29%, rất khó đạt được mục tiêu.
Thứ hai là quy mô tham gia bảo hiểm xã hội trên thực tế khá thấp. Ở Việt Nam có gần 600.000 doanh nghiệp nhưng có tới hơn 300.000 doanh nghiệp chưa đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Điều này có thể hiểu được, vì doanh nghiệp Việt Nam rất nhỏ, có 88% doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động. Những doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội đa phần là doanh nghiệp siêu nhỏ. Việc tuân thủ luật pháp chưa tốt nên còn khá nhiều doanh nghiệp chưa tham gia.
Thứ ba là tỷ lệ đóng - hưởng, chia sẻ, bảo đảm tính bền vững của quỹ bảo hiểm xã hội chưa theo đúng nguyên tắc. Tỷ lệ đóng - hưởng đã được thực thi, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, nhưng ở các nước tiên tiến phải hướng đến sự chia sẻ. Trong khi đó, việc thiết kế chính sách của ta thời gian qua chưa hợp lý, có người lương hưu tới hơn 100 triệu đồng nhưng có người lương hưu chỉ dưới 1,3 triệu.
Thứ tư, chính sách bảo hiểm thất nghiệp quá chú trọng giải quyết hậu quả khi người lao động đã thất nghiệp, không thiết kế các chính sách để phòng ngừa, giảm tác động của tình trạng thất nghiệp... Mặt khác, trong bối cảnh già hóa dân số, 10 năm trước mỗi năm có khoảng 1,7 triệu người bước vào độ tuổi lao động, nhưng hiện nay chỉ có khoảng 1 triệu người. Để ứng phó với tình trạng già hóa dân số, các nước phải từng bước nâng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian làm việc để có đủ nguồn lực cần thiết. Các nước phát triển kinh tế thị trường, thị trường lao động hoàn hảo thì việc thay đổi công việc đang làm sang công việc khác khá phổ biến, trong khi tâm lý ở ta không làm được nữa thì tính đến tuổi nghỉ hưu.
Thưa ông, những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội được đề cập tại Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội lần này là gì?
Chính sách bảo hiểm xã hội sẽ có những nội dung cải cách rất mới, rất căn bản, khẳng định mục tiêu hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân; xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội với chương trình hưu trí đa tầng. Tầng một là lương hưu xã hội do Nhà nước bảo đảm để người già tiến tới đều có lương hưu. Tầng hai là bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức như hiện nay. Tầng 3 là hưu trí bổ sung do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận, giao kết với tổ chức cung cấp dịch vụ...
Đặc biệt, đề án tiếp tục đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu, thời gian điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ ngày 1/1/2021. Dự kiến, người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường sẽ tăng thêm mỗi năm 3 tháng hoặc 4 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Những đối tượng lao động đặc thù có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn tương tự như hiện nay.
Các chính sách bảo hiểm xã hội hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là chính sách bảo hiểm thất nghiệp với bảo hiểm hưu trí, tử tuất. Thiết kế lại các chính sách để bảo hiểm thất nghiệp chú trọng đến các giải pháp phòng ngừa, giảm thất nghiệp thay vì tập trung giải quyết hậu quả như hiện nay. Điều này sẽ duy trì được việc làm, tăng được số người tham gia bảo hiểm xã hội, tạo sự gắn kết giữa người lao động với cộng đồng doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp lớn ít sa thải lao động thì có thể thông qua quỹ bảo hiểm thất nghiệp đóng vào đó và dùng quỹ đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu. Trong đề án có nhiều nội dung cải cách khác, như cải cách việc xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện; các cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Theo ông, để các chính sách cải cách đi vào đời sống và mang lại hiệu quả như kỳ vọng, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần thực hiện những giải pháp gì?
Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cần quyết tâm chính trị rất cao và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và xã hội. Nhà nước nên có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần; sửa đổi các quy định để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội dài hơn; nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội theo hướng hài hòa quyền lợi giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Việc điều chỉnh lương hưu xã hội nên căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; lương hưu cơ bản nên được điều chỉnh dựa trên tốc độ tăng giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách. Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp với các yếu tố tăng trưởng kinh tế, giải quyết bài toán việc làm và thất nghiệp... Có như vậy, cải cách mới thành công.