15:31 06/06/2017

“Cần đường dây nóng kiểu 113 về an toàn thực phẩm”

Nguyên Vũ

Điều tra dư luận cho thấy, chỉ có 10% người được hỏi yên tâm với thực phẩm sử dụng hằng ngày

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại phiên thảo luận.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại phiên thảo luận.
Cần lập một đường dây nóng với số dễ nhớ kiểu 113 - 115, để nhân dân phản ánh các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đây là đề nghị của đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) tại phiên giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm tại Quốc hội, hôm 5/6.

Nhấn mạnh thực phẩm không an toàn không phải là vấn đề mới phát sinh mà đã được lên tiếng từ nhiều năm nay, ông Mai nhắc lại, từ năm 2009 Quốc hội khóa 12 đã thực hiện giám sát tối cao về an toàn thực phẩm và ban hành một nghị quyết riêng về vấn đề này.

Nhưng đến nay, chuyển biến còn chậm và tình trạng thiếu an toàn thực phẩm vẫn đang xảy ra khá phổ biến, đang là vấn đề rất lớn gây bức xúc cho toàn xã hội.

Đại biểu Mai nói, theo kết quả điều tra dư luận xã hội về an toàn thực phẩm do Văn phòng Quốc hội tiến hành, chỉ có 10% người được hỏi yên tâm với thực phẩm sử dụng hằng ngày, trong khi có tới 59% chưa yên tâm và 27% khẳng định không yên tâm.

Đồng tình với đề xuất này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nhấn mạnh, chỉ có thể phát huy được vai trò của người dân nếu các cơ quan quản lý tạo điều kiện thực chất để người dân dễ phản ánh thông tin nhất.

“Hiện nay nếu người tiêu dùng nào có phát hiện, có vấn đề bất an trong thực phẩm tại một cơ sở, một của hàng nào đó, thì họ cũng không biết phải báo ở đâu, thậm chí có biết thì thủ tục cũng rất rườm rà”, ông Cường nói.

“Đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có đường dây nóng, có cơ chế phù hợp, thuận tiện để tiếp nhận, xử lý nghiêm, kịp thời phản ánh của nhân dân, của báo chí về vi phạm an toàn thực phẩm”.

Sốt ruột, đó là tâm trạng của hầu hết các phát biểu trong phiên này.

“Sơn La đang có chương trình sản xuất sản phẩm sạch, đến bữa cơm, chúng tôi muốn thử rau sạch thì các đồng chí lãnh đạo tỉnh ngồi cạnh, mỗi người chỉ được một lá rau sạch thôi. Chúng tôi ăn thấy rất hạnh phúc”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi kể trước Quốc hội.

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, việc nêu trách nhiệm về an toàn thực phẩm còn chung chung, tình trạng này có trách nhiệm của cả ba bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương. Tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi bộ đối với các hạn chế này đến đâu, yếu kém của bộ nào là chính? Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chính tại địa phương, vậy địa phương nào làm tốt, địa phương nào chưa làm tốt?

“Tôi cho rằng nếu chúng ta không chỉ rõ địa chỉ và không làm rõ trách nhiệm, bộ, ngành nào của địa phương nào chưa làm tốt, thì sẽ khó cải thiện được tình trạng này trong tương lai”, ông Cường nói.