15:33 03/03/2017

An toàn thực phẩm: “Không giải pháp đột phá thì mãi thế thôi”

Nguyên Vũ

Kết quả giám sát liên tục từ 2011 - 10/2016 cho thấy, ngộ độc thực phẩm vẫn đang là thách thức lớn

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội.
Kết quả kiểm tra sản phẩm nhập khẩu đều rất tốt, nhưng báo chí, dư luận phản ánh thì còn nhiều vấn đề, vậy do buôn lậu chưa ngăn chặn được hay báo chí phản ánh không đúng?

Câu hỏi này được ông Nguyễn Văn Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nêu tại phiên họp toàn thể của đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016, sáng 3/3 tại Hà Nội.

Sốt ruột

Từ kết quả của đoàn giám sát, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Phùng Đức Tiến nêu hàng loạt con số “khủng”về thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Như, Lạng Sơn phát hiện và thu giữ 416 tấn chân gà và phủ tạng, Nghệ An thu giữ 202 tấn thực phẩm, Tp.HCM xử phạt tới 45 tỷ đồng với thực phẩm không rõ nguồn gốc...

“Báo cáo nêu trách nhiệm rất cao, thanh tra kiểm tra nhiều đến thế, mà an toàn thực phẩm vẫn báo động đỏ?”, thành viên đoàn giám sát - bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa -
Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Hiển băn khoăn khi tổng số cuộc thanh kiểm tra làm theo kế hoạch gấp 14 đến 20 lần thanh tra đột xuất. Trong khi đó kết quả thanh tra kiểm tra theo kế hoạch thì sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn trên 80%, còn đột xuất thì trên 50%.

Vấn đề tiếp theo ông Hiển muốn có câu trả lời từ Chính phủ là kết quả kiểm tra sản phẩm nhập khẩu đều rất tốt, nhưng báo chí, dư luận phản ánh thì còn nhiều vấn đề, vậy do buôn lậu chưa ngăn chặn được hay báo chí phản ảnh không đúng?

Báo cáo của Chính phủ nêu, kết quả giám sát liên tục từ 2011 - 10/2016 cho thấy, ngộ độc thực phẩm vẫn đang là thách thức lớn. Toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ với 30.395 người mắc, 25.617 người đi viện và 164 người chết. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5.065,8 người mắc và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm.

Phó trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng sốt ruột: “Pháp luật nhiều thế, đầy đủ, bộ máy có từ trên xuống dưới, tinh thần rất quyết liệt, Chính phủ rất quan tâm, thế sao an toàn thực phẩm vẫn như vậy, cần giải pháp gì, ở đâu?”.

“Thủ tướng đã khẳng định ở đâu xảy ra mất an toàn thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, vậy giải pháp nào để xử lý trách nhiệm người đứng đầu?”, ông Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nêu vấn đề.

Cần đột phá

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ đánh giá đúng mức, không tô hồng, không bôi đen về thực trạng của tình hình an toàn thực phẩm hiện nay? Nguyên nhân chính của tình trạng đó là gì? Trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp như thế nào?

Thứ trưởng các bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương và Bộ trưởng Y tế đã lần lượt phát biểu, hồi âm nhiều câu hỏi của đoàn giám sát.

Liên quan đến sản phẩm nhập khẩu không phát hiện nhiều vi phạm nhưng dư luận râm ran là mất an toàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị báo chí khi phát hiện quả nào có chất bảo quản để cả năm không hỏng thì nên mang đến phòng thí nghiệm để xem rõ đó là chất gì.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói câu hỏi của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển không dễ trả lời. Về thực trạng an toàn thực phẩm, theo Bộ trưởng, qua giám sát thì thấy có sự báo động. Còn về nguyên nhân, Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân số một là xuất phát điểm an toàn thực phẩm quá thấp, nền sản xuất manh mún nhỏ lẻ từ sản xuất, chế biến.

Bên cạnh đó, người sản xuất kinh doanh cố tình làm sai, doanh nghiệp bất chấp tất cả vì lợi nhuận, xử lý chưa nghiêm. Hệ thống giám sát có tiến bộ nhưng cảnh báo nguy cơ còn thấp, con người và tài chính đều yếu.

“Nếu không có giải pháp đột phá thì sẽ mãi thế thôi”, Bộ trưởng Tiến nói.

Cũng đề cập đến nguyên nhân, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, từ sản xuất - chế biến - phân phối đều còn nhỏ lẻ. Vì thế, câu chuyện lớn nhất không chỉ vận động tuyên truyền, mà cần tạo môi trường pháp lý để sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm nhỏ lẻ phải tuân thủ pháp luật.

Đồng ý có nguyên nhân từ luật, từ kinh phí đến tổ chức bộ máy, nhưng Phó thủ tướng khẳng định, với luật pháp hiện hành, nếu thực thi tốt thì kết quả cũng sẽ tốt hơn rất nhiều.

Về phần giải pháp, Phó thủ tướng nhấn mạnh đến hệ thống đánh giá rủi ro, ngoài các phòng thí nghiệm còn phải có xét nghiệm nhanh để cung cấp ngay các bằng chứng cụ thể.

“Việt Nam cần nhất là phải hình thành văn hoá ra quyết định dựa trên bằng chứng”, Phó thủ tướng dẫn một nhận định của nước ngoài.