12:30 02/03/2017

An toàn thực phẩm và chuyện “thương người nghèo”

Nguyên Vũ

Tâm lý “thương người nghèo” đôi khi tạo thành dư luận làm chùn tay cơ quan quản lý

Hệ thống quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm hiện chồng chéo mâu thuẫn và không hiệu quả.<br>
Hệ thống quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm hiện chồng chéo mâu thuẫn và không hiệu quả.<br>
“Nếu thương người nghèo mà cứ để họ sử dụng chất cấm thì lại làm hại người tiêu dùng”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói tại một hội thảo về an toàn thực phẩm, hôm 1/3 tại Quảng Ninh.

Tại đây, ông Hiển nhắc đến vấn đề được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đặt ra, đó là tâm lý “thương người nghèo” đôi khi tạo thành dư luận làm chùn tay cơ quan quản lý.

Nhận xét các tham luận, ý kiến tại hội thảo này đều rất có chất lượng, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh an toàn thực phẩm đang ở mức độ nào là câu hỏi đoàn giám sát phải trả lời trước Quốc hội.

“Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng an toàn thực phẩm đáng báo động, có chỗ đến giới hạn đỏ, nhưng có ý kiến đặt vấn đề như thế thì tại sao sức khoẻ của người dân lại nâng lên, rồi nông sản xuất khẩu đạt trên 31 tỷ USD”, ông Hiển nói.

Ông cũng cho biết sẽ tiếp thu nhiều ý kiến tại hội thảo, trong đó có việc sửa Luật An toàn thực phẩm.

“Quốc hội cứ kiểm tra, tôi chỉ chỗ”

“Khi thất bại, người quân tử tìm lỗi ở bản thân”, nguyên Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản Nguyễn Tử Cương mở đầu tham luận tại hội thảo nói trên.

Trước đó, đã có rất nhiều nguyên nhân của tình trạng mất an toàn thực phẩm được đề cập. Như sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kinh phí thiếu nhân lực thiếu trang thiết bị...

Với quan điểm “tìm lỗi ở bản thân”, ông Cương chỉ tập trung bàn về những vấn đề nằm ngay ở quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Nhận xét của vị chuyên gia này là hệ thống quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm hiện chồng chéo mâu thuẫn và không hiệu quả.

Luật An toàn thực phẩm thì luật có nhiều vấn đề rồi nhưng thông tư, nghị định trong lĩnh vực này số lượng quá nhiều, một bộ khoảng hơn 100 văn bản. Ông Cương dẫn lại lời một quan chức là ngay người đi kiểm tra còn không nhớ nổi hết văn bản của mình thì dân làm sao mà làm được.

“Văn bản cấp dưới vi phạm luật của cấp trên và cơ quan kiểm tra cứ chọn cái nào thuận cho mình nhất mà làm”, ông Cương nhìn nhận.

Vị chuyên gia này cũng không nhất trí với lý do Việt Nam thiếu trang thiết bị để kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm.

“Rất nhiều thiết bị đang đắp chiếu, nhưng quản lý kém, Quốc hội cứ đi kiểm tra, tôi chỉ chỗ”, ông Cương nói.

Giải pháp được ông Cương đề xuất là xã hội hoá hoạt động phục vụ quản lý Nhà nước về bệnh, dịch, động, thực vật và an toàn thực phẩm.

“Nhà nước chỉ nên giữ 1- 2 trung tâm kiểm nghiệm xét nghiệm được trang bị đủ mạnh để làm nhiệm vụ kiểm mẫu liên phòng và làm trọng tài khi có sự tranh chấp về kết quả kiểm nghiệm, xét nghiệm”, ông Cương nói.

Khó từ luật

Ngồi sát ông Cương ở hàng ghế chuyên gia là TS. Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện là Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng.

Nhận xét thời gian qua các bộ liên quan đã gồng lên về an toàn thực phẩm và nhận thức về an toàn thực phẩm đã được nâng lên rất nhiều, nhưng ông Đáng nhấn mạnh là “rất buồn”, khi có một số cái đã làm chững lại công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có Luật An toàn thực phẩm. Khi mà luật đã không thể làm nền tảng cho sản suất kinh doanh thực phẩm và là niềm tin cho người tiêu dùng.

“Luật An toàn thực phẩm có 28 định nghĩa thì 26 định nghĩa không chuẩn, ngôn ngữ thì luẩn quẩn, lủng củng, không có tính thực tiễn và hội nhập...”, vị chuyên gia khái quát.

Cho rằng không có tính kế thừa, ông Đáng nhận xét Luật An toàn thực phẩm có cái thừa và có cái lại rất thiếu. Theo ông, đáng lẽ luật này phải có một chương về thực phẩm, quy định rõ tiêu chí thực phẩm cho người ăn, điều kiện để được lưu hành, thế nào là sản phẩm kém chất lượng, thế nào là thực phẩm giả và biện pháp phòng chống ra sao.

Có vấn đề nhất, theo chuyên gia Trần Đáng chính là kiến thức chuyên môn trong luật khi mà 26/28 định nghĩa không chuẩn, bao gồm cả định nghĩa về ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh sửa luật, ông Đáng kiến nghị cần đầu tư bộ máy hoàn chỉnh từ Trung ương đến địa phương, đồng thời đầu tư kinh phí từ 5 - 7 chu kỳ để giải quyết vấn đề toàn dân cùng lo lắng: an toàn thực phẩm.

Đồng tình với nhiều phân tích của TS. Trần Đáng về  bất cập của Luật An toàn thực phẩm, nhưng một số ý kiến khác tại hội thảo cũng cho rằng văn bản pháp luật không đến nỗi thiếu, vấn đề vẫn là do thực thi không nghiêm túc.