17:13 14/08/2023

Cần giảm giá sách giáo khoa phù hợp với thu nhập của người dân

Phúc Minh

"Nếu cho cái gì với những người khó khăn thì tôi cho rằng cho chữ là điều lâu bền nhất", Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nói. Đồng thời, đề nghị việc cần làm ngay là cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn, phát hành, và giảm giá sách giáo khoa phù hợp với thu nhập của người dân hiện nay...

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên họp chiều ngày 14/8/2023. Ảnh - Quochoi.vn.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên họp chiều ngày 14/8/2023. Ảnh - Quochoi.vn.

Cho ý kiến tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề ‘’Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông’’, chiều 14/8, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa là việc làm hệ trọng, nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và Nhân dân.

GIẢM GIÁ SÁCH GIÁO KHOA LÀ VIỆC CẦN LÀM NGAY

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhất trí cao với nhiều ý kiến cho rằng đổi mới chương trình giáo dục, sách giao khoa mới có nhiều ưu điểm, từng bước chuyển sang phát huy năng lực học tập của người học. Tuy nhiên do là quá trình đổi mới, nên có những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy cần cầu thị để có điều chỉnh cần thiết để chương trình vận hành đúng hướng.

Nhất trí cao với dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát, song Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm đến những vấn đề lớn cụ thể.

Trước hết là việc có hay không một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến dẫn chứng, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội nêu rõ: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn khác. Như vậy, thời gian tới các cơ quan cần tiếp tục bàn thảo thấu đáo, nhuần nhuyễn vấn đề này.

Tuy nhiên, theo ông Chiến, việc cần làm ngay là nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn, phát hành, và giảm giá sách giáo khoa phù hợp với thu nhập của người dân hiện nay.

“Nếu cho cái gì với những người khó khăn thì tôi cho rằng cho chữ là điều lâu bền nhất, còn cho 50, 70 chục nghìn thì họ sẽ tiêu hết ngay”, ông Chiến nêu quan điểm.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh - Quochoi.vn.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh - Quochoi.vn.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nhấn mạnh cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động truyền thông để tạo sự thống nhất cao trong nội bộ ngành giáo dục, và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thực hiện tốt hơn nữa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.

“Việc lớn thế này mà chúng ta không nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của người dân thì khó khăn là lẽ đương nhiên”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.

TĂNG BIỆN PHÁP HỖ TRỢ HỌC SINH

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng Đoàn giám sát, cho rằng về cơ bản Đoàn giám sát và Bộ Giáo dục và Đào tại đã thống nhất nhiều nội dung báo cáo, chỉ còn một nội dung liên quan đến 1 bộ sách giáo khoa.

Theo ông Vinh, Nghị quyết 88 giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn 1 bộ sách giáo khoa, đến năm 2020 Quốc hội ban hành Nghị quyết 122 quy định nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất 1 bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt theo Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước. 

Nếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ giữ vai trò phê duyệt khung nội dung kiến thức phổ thông như hiện nay, thì trách nhiệm xây dựng, phát triển nội dung kiến thức phổ thông này, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội thảo luận, xem xét vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng, phát triển nội dung kiến thức phổ thông.

Cũng tại báo cáo “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Đoàn giám sát cho rằng giá sách theo chương trình mới cao 2 - 4 lần so với sách cũ.

Đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sách giáo khoa lớp 1 mới có giá 179.000-194.000 đồng/bộ, trong khi bộ sách cũ giá 54.000 đồng. Sách lớp 2 mới giá 179.000-186.000 đồng/bộ, trong khi bộ cũ giá 53.000 đồng. Giá sách cao gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) cho các đơn vị đầu mối năm học 2020-2021, 2021-2022 với sách giáo khoa là 29%, sách bài tập 33%, sách giáo viên 15%. Năm học 2022-2023, mức chiết khấu giảm, lần lượt là 28,5%, 35% và 15%.

Đoàn giám sát đánh giá, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trong việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa, còn để xảy ra sai phạm, vi phạm pháp luật. Chi phí phát hành và giá sách cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu.

Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra, điều tra toàn diện việc xác định, sử dụng chi phí phát hành sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp ngày 14/8. Ảnh - Quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp ngày 14/8. Ảnh - Quochoi.vn.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu tiếp thu, xử lý và triển khai. Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ đang điều chỉnh Thông tư 25 về việc chọn sách; đang cải thiện việc kiểm soát quá trình biên soạn, thử nghiệm sách, chất lượng của việc thẩm định sách, việc hướng dẫn giáo viên cũng đã và đang được điều chỉnh dần.

“Các hoạt động xuất bản và phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục đã và đang được điều chỉnh mạnh trong vài năm trở lại đây, theo hướng tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sách và tăng các biện pháp hỗ trợ học sinh. Đặc biệt là lưu ý giảm giá thành, giảm tỷ lệ chiết khấu, chi phí phát hành…”, Bộ trưởng Sơn thông tin.

Chính phủ cũng đã giao Bộ khẩn trương xây dựng thông tư thực hiện việc định giá tối đa sách giáo khoa để thực hiện khi Luật Giá sửa đổi có hiệu lực năm 2024.