10:10 26/08/2008

Cần thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao

Hoàng Lộc

Hiện Việt Nam chỉ có duy nhất một quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm vào lĩnh vực công nghệ cao

Hiện Việt Nam có khoảng 100 viện nghiên cứu và 80 trường đại học, cao đẳng có hoạt động liên quan đến các lĩnh vực công nghệ cao.
Hiện Việt Nam có khoảng 100 viện nghiên cứu và 80 trường đại học, cao đẳng có hoạt động liên quan đến các lĩnh vực công nghệ cao.
Bộ Khoa học Công nghệ dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Khoa học công nghệ cao tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2008.

Theo dự thảo, sẽ có quy định về việc thành lập và hoạt động quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao. Như vậy là quá trễ bởi vì cách đây gần 3 năm, Tp.HCM đã có dự án thành lập quỹ này gắn liền với hoạt động của Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao.

Hiện Việt Nam có khoảng 100 viện nghiên cứu và 80 trường đại học, cao đẳng có hoạt động liên quan đến các lĩnh vực công nghệ cao và cũng có hơn 60 dự án với tổng số vốn trên 2,1 tỷ USD đầu tư vào hai khu công nghệ cao trọng tâm của cả nước là Khu công nghệ cao Tp.HCM và Khu công nghệ cao cao Hòa Lạc - Hà Nội.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam chỉ có duy nhất quỹ đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn IDG (Mỹ) nhằm vào lĩnh vực công nghệ cao (chủ yếu là công nghệ thông tin), trong số hơn 30 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động. Điều này cho thấy, Nhà nước đã rất chậm trễ đầu tư vốn ban đầu vào quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao để thu hút được vốn từ các thành phần kinh tế khác trong và nước ngoài cho hoạt động công nghệ cao.

Theo dự thảo của Bộ Khoa học và Công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao là quỹ tài chính nhà nước có chức năng đầu tư vốn, cung cấp dịch vụ tư vấn cho tổ chức, cá nhân nhằm ươm tạo và phát triển công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao. Nguồn tài chính hình thành quỹ bao gồm phần vốn của Nhà nước, các khoản tài trợ, hợp tác, liên doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế và huy động từ một số nguồn khác.

Đối tượng được quỹ đầu tư sẽ là các tổ chức, cá nhân đã ươm tạo thành công công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có dự án phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Theo dự án của Ban quản lý Khu công nghệ cao Tp.HCM, sẽ thành lập “Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao” để huy động, tiếp nhận và quản lý vốn đầu tư hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để đầu tư vào các hoạt động ươm tạo công nghệ cao, vào doanh nghiệp công nghệ cao.

Quỹ này còn có tên gọi khác là Quỹ mạo hiểm hạt giống (Quỹ SEED) của Khu công nghệ cao Tp.HCM. Quỹ sẽ thay mặt Nhà nước đầu tư vào Công ty Vườn ươm công nghệ cao cũng như các thành viên của vườn ươm theo nội dung: Quỹ SEED ủy quyền cho Vườn ươm làm đại diện cổ phần trong các hội đồng quản trị các công ty thành viên của Vườn ươm.

Quỹ SEED có thể thưởng cho vườn ươm khoảng 50% cổ tức được chia từ các công ty thành viên hay tiền lãi do bán cổ phần. Vườn ươm sẽ hỗ trợ vốn mầm cho các công ty được tuyển vào vườn ươm bằng cách sẽ mua ít nhất 5% cổ phần của các công ty này. Nếu được trúng tuyển, công ty khởi nghiệp sẽ được Vườm ươm mua cổ phần từ 1.200 USD - 20.000 USD hoặc nhiều hơn, tùy theo quy mô công ty.

Theo dự án của Tp.HCM, Quỹ SEED sẽ liên kết rất chặt chẽ với Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao để tổ chức, triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng khoa học công nghệ, có kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, chế thử sản phẩm và thành lập doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Tham gia vào Vườn ươm là những sinh viên tài năng, các giáo sư giỏi với những ý tưởng, sáng kiến, sáng chế, phát minh.

Họ sẽ hội tụ thành một gia đình lớn sống trong không khí sáng tạo khoa học, những doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao, các công ty tư vấn, dịch vụ liên quan công nghệ cao, đẳng cấp quốc tế, các nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học, các phòng thí nghiệm liên kết.

Mục tiêu chiến lược của dự án Vườn ươm công nghệ cao Tp.HCM là trong vòng 10-20 năm tới sẽ hình thành một trung tâm đô thị sản xuất công nghệ cao, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và phát triển (R&D), góp phần tạo ra thực lực lực kinh tế, năng lực nội sinh về khoa học công nghệ quan trọng cho khu vực.