10:11 10/08/2007

Cần "xã hội hóa" dịch vụ ăn uống trên tàu

Xuân Vũ

Từ ngày 1/10 tới, Tổng công ty Đường sắt sẽ tiến hành tách tiền ăn ra khỏi giá vé trên tất cả các tàu SE

Về thực chất, hành khách vẫn chưa được đảm bảo quyền lợi vì họ vẫn chỉ có sự chọn lựa duy nhất cho các suất ăn của mình.
Về thực chất, hành khách vẫn chưa được đảm bảo quyền lợi vì họ vẫn chỉ có sự chọn lựa duy nhất cho các suất ăn của mình.
Từ ngày 1/10 tới, Tổng công ty Đường sắt sẽ tiến hành tách tiền ăn ra khỏi giá vé trên tất cả các tàu SE.

Việc làm này đã đưa ngành đường sắt thoát khỏi tình trạng "càng bù càng lỗ", nhưng về thực chất, hành khách vẫn chưa được đảm bảo quyền lợi, vì họ vẫn chỉ có sự chọn lựa duy nhất cho các suất ăn của mình.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hà, Phó trưởng Ban Kinh doanh tiếp thị Tổng công ty Đường sắt, việc tách tiền ăn ra khỏi giá vé không chỉ thực hiện cho các tàu SE mà cần phải làm cho tất cả các đoàn tàu khác.

70 tỷ đồng/năm chi phí tiền ăn trong giá vé

Bà Mai Hà cho rằng việc làm này sẽ chấm dứt hoàn toàn việc bù lỗ tiền ăn trong giá vé mà công ty phải thực hiện trong những năm qua. Thống kê cho thấy, hiện mỗi năm Tổng công ty Đường sắt phải chi 70 tỷ đồng cho việc duy trì tiền ăn trong giá vé, trong đó số tiền bù lỗ chiếm tỉ lệ ngày càng cao vì giá cả cứ leo thang vùn vụt mà giá tàu vẫn không thay đổi.

Nguyên nhân thứ hai là sự bất hợp lý trong việc phân phối và đảm bảo chất lượng suất ăn. Mặc dù công ty đã phải bù lỗ tiền ăn những vẫn phải nhận về sự phàn nàn của khách hàng. Theo đó, trước đây tiền ăn được tính trong giá vé là 10.000 đến 13.000 đồng/suất chính, song để đảm bảo chất lượng, Tổng công ty vẫn phải bù thêm 5.000 - 7.000 đ/suất.

Thức ăn được chế biến dưới mặt đất sau đó đóng gói rồi chuyển lên tàu bảo quản trong tủ lạnh, đến bữa thì mang ra phục vụ hành khách. Việc này đã dẫn tình trạng thức ăn không được ngon mà các nhân viên hay có tình trạng bớt xén khẩu phẩn ăn của khách.

Trước thực trạng như vậy, từ tháng 5/2007, Tổng công ty đã tiến hành thí điểm thực hiện tách tiền ăn ra khỏi giá vé trên hai chuyến tàu SE5, SE6, các nhân viên thuộc tổ dịch vụ ăn uống sẽ được tự do hạch toán kinh tế, tự quyết định "miếng cơm manh áo" của mình.

Bà Nguyễn Mai Hà lý giải đơn giản, bán được càng nhiều sản phẩm thì thu nhập sẽ càng cao, đó là cơ chế thị trường. Sau hai tháng thực hiện, thu nhập của nhân viên phục vụ ăn trên tàu đã tăng lên đáng kể; trước kia là 1,2 triệu đồng/tháng thì nay có lúc đã tăng lên gần 2 triệu đồng/tháng; đồng thời hành khách cũng tỏ ra ưng ý hơn khi được dùng những suất ăn tự chọn theo sở thích hoặc có thể tự mang thức ăn riêng của mình lên tàu.

Cần "xã hội hóa" dịch vụ ăn uống trên tàu

Tuy nhiên, nhiều khách đi tàu vẫn cho rằng gọi là xóa bỏ cơ chế bao cấp để tổ dịch vụ tự do kinh doanh nhưng thực chất vẫn còn đó sự độc quyền. Phản ánh về vấn đề này, bác Nguyễn Văn Lý, khu tập thể Giảng Võ, Hà Nội nói: "Đúng là chất lượng phục vụ và đồ ăn có tốt hơn trước nhưng quả thực chúng tôi vẫn không có được sự chọn lựa thứ hai".

Theo bác Lý, đó là vì tình trạng nhà cung cấp dịch vụ vẫn chỉ có duy nhất của ngành đường sắt và họ vẫn đang kinh doanh trên "mảnh đất" của mình, mà chưa có sự cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ khác.

Bà Hà cho biết: nhân viên bán vé vẫn phải tự thu tự chi nên thu nhập sẽ bấp bênh không ổn định, nhất là thời điểm mùa mưa lũ sắp đến lượng khách đi tàu giảm.

Nhưng trên thực tế nhiều hành khách đánh giá rằng thu nhập của các nhân viên này sẽ chắc chắn không giảm, thậm chí còn tăng hơn trước rất nhiều, vì tiền chi phí thuê mặt bằng kinh doanh (toa xe chế biến thức ăn) và nhiều chi phí khác như tiền điện, nước... vẫn được ngành chủ quản đường sắt hỗ trợ.

Vậy, tổ dịch vụ chỉ phải lo khoản thực phẩm, nhiên liệu, lương nhân viên tính ra trong mỗi suất ăn vẫn lãi khoảng 30-40%, mà thức ăn chế biến ra chắc chắn sẽ bán được vì không phải cạnh tranh với nhà dịch vụ khác.

Kế hoạch thực hiện việc tách tiền ăn ra khỏi giá vé nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều hành khách. Nhưng để quyền lợi hành khách được thực sự đảm bảo cần có sự "xã hội hóa" dịch vụ ăn uống trên tàu, nghĩa là cần có sự cạnh tranh của nhiều nhà cung cấp dịch vụ. Nhà nào làm tốt thì sẽ được khách hàng tin tưởng, tiếp nhận; còn ngược lại, nhà nào phục vụ không tốt, chất lượng kém sẽ bị đứng ngoài cuộc, kể cả tổ phục vụ của ngành đường sắt.