15:05 24/04/2008

Căng thẳng giấy in báo

Nguyễn Mạnh

Trong quý 1/2008, các nhà in tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc luôn trong tình trạng thiếu giấy in báo trầm trọng

Nếu trong vòng nửa tháng nữa giấy in báo không được cung ứng kịp thời thì chắc chắn sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhà in.
Nếu trong vòng nửa tháng nữa giấy in báo không được cung ứng kịp thời thì chắc chắn sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhà in.
Trong quý 1/2008, các nhà in tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc luôn trong tình trạng thiếu giấy in báo trầm trọng. Không những thế, nhịp độ tăng giá giấy ngày càng dồn dập khiến cho các báo và nhà xuất bản khó khăn.

Nếu trong vòng nửa tháng nữa giấy in báo không được cung ứng kịp thời thì chắc chắn sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhà in.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Giấy Tân Mai, mặc dù sản lượng giấy in báo quý 1/2008 đã đạt 11.958 tấn, vượt 6% công suất thiết kế và cung cấp ra thị trường hơn 12.630 tấn, tăng xấp xỉ 13% so với cùng kỳ năm 2007 nhưng vẫn thiếu nhiều so với nhu cầu.

Giá cả tăng mà giấy vẫn thiếu

Cũng trong quý 1, công ty đã 2 lần điều chỉnh giá. Giá giấy tháng 1/2008 là 11.949.000 đồng/tấn (đã tính VAT), tháng 2 tăng lên 12.022.500 đồng/tấn (đã tính VAT) và từ tháng 4 sẽ tăng lên tới 12.350.000 đồng/tấn (chưa tính VAT).

Ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, ngay trong năm 2006 việc tiêu thụ giấy in báo đã gặp nhiều khó khăn, giá giấy cũng không thể không tăng. Từ đó, nhịp độ tăng giá ngày càng dồn dập, từ cuối năm 2007, giá giấy đã tăng hàng tháng. Tuy nhiên, việc tăng giá này chỉ là biện pháp nhằm giảm thiểu tổn thất kinh tế cho các nhà sản xuất trước khi buộc phải đóng cửa vì thua lỗ.

Trong khi đó, các báo và nhà xuất bản khốn đốn trước sự tăng giá đã tìm mọi cách chống đỡ từ việc giảm phụ trang, thay đổi kích cỡ cho đến chuyển rao vặt lên mạng. Đồng thời, tại thị trường châu Á, giá giấy bình quân là 580 USD/tấn vào tháng 12/2007, thì đến đầu tháng 4/2008 đã xấp xỉ 800 USD/tấn, tăng gần 40%.

Bên cạnh đó, từ 1/4/2008 những nhà sản xuất lớn của Nhật Bản đều tuyên bố giá giấy in báo sẽ tăng thêm 100 USD/tấn và từ 2/4/2008 Beijing Xinhua (Trung Quốc) cũng đã tăng giá 20% so với đầu năm 2008. Giải thích việc tăng giá giấy in báo, ông Bảo cho biết, nguyên nhân thì có nhiều nhưng trước hết phải kể đến là giá dầu tăng cao chưa từng thấy, giá than đá cũng tăng (tới 40% trong một năm như ở Ấn Độ) đẩy giá năng lượng và hóa chất tăng.

Ngoài ra, giá gỗ của Phần Lan và Nga (những nước cung ứng nhiều gỗ nhất) cũng tăng. Mặt khác, tại Canada, do các cuộc đàm phán giữa các tổ chức lâm nghiệp và nghiệp đoàn kéo dài và chưa chấm dứt cũng ảnh hưởng tới việc cung ứng gỗ nguyên liệu giấy. Bên cạnh đó, việc cấm chặt hạ gỗ nhiệt đới hỗn hợp ở Indonesia kéo dài từ năm 2006 đến nay làm giảm sút sản lượng bột gỗ cung cấp cho khu vực.

Không những thế, việc vận chuyển bằng đường biển từ Bắc Mỹ và châu Âu vào châu á gặp khó khăn cộng với việc thiếu triền miên container vận chuyển hàng đã đẩy giá vận chuyển tăng lên.

Tháo gỡ khó khăn cho giấy in báo

Mặc dù nhu cầu giấy in báo tăng cao trong những tháng đầu năm 2008, nhưng một số công ty lớn trên thế giới vẫn buộc phải đóng cửa. Trong quý 3/2007 Trung Quốc (nước sản xuất giấy lớn thứ hai thế giới) đã đóng cửa 1.569 nhà máy bột giấy và giấy do ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp.

Điều đó đã làm giảm 15% công suất giấy của nước này. Ngoài ra do thiếu điện nên nhiều nhà máy nhỏ cũng không đạt được công suất dự kiến. Nhiều công ty lớn ở Mỹ, Canada, châu Âu... sản xuất cầm chừng hoặc ngừng sản xuất vô hạn định, nên cán cân cung cầu giấy in báo đã đảo chiều từ quý 3/2007.

Đối với thị trường giấy in báo trong nước, theo ông Bảo, trong quý 1/2008 nhu cầu tiêu dùng giấy in báo tăng đột biến (tăng 60% so với cùng kỳ năm 2007) nên lượng giấy in báo nhập khẩu đạt gần 21.000 tấn, tăng 2,08 lần so với cùng kỳ năm 2007.

Với đà này nhập khẩu cả năm sẽ đạt 120.000 tấn, gấp 2 lần sản xuất trong nước và khi đó mức tiêu dùng giấy in báo sẽ đạt 180.000 tấn, bằng mức tiêu dùng dự báo cho năm 2015. ở Việt Nam, từ trước tới nay chỉ có một máy xeo giấy in báo duy nhất, máy PM 3 của Công ty Cổ phần giấy Tân Mai. Đây là máy xeo giấy hiện đại của Allimand (Pháp) với công suất thiết kế 46.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, công ty đã sản xuất vượt công suất thiết kế, đạt 58.871 tấn trong năm 2007. Công ty phấn đấu sản xuất 60.000 tấn (là sản lượng tối đa có thể) trong năm 2008. Do sản xuất giấy in báo kém hiệu quả nhất nên không ai đầu tư vào lĩnh vực này mà chỉ dồn vào đầu tư sản xuất giấy làm bao bì, giấy Tissue, giấy in và giấy viết.

Vì thế trong vòng 3 năm tới, sản xuất giấy in báo hàng năm ở Việt Nam vẫn dừng lại ở 60.000 tấn.Nếu tình hình tăng giá và thiếu giấy in báo như hiện nay tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa thì các nhà in báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Việc các tòa soạn báo giảm lượng phát hành, rút trang là điều khó tránh khỏi.

Các nhà máy in phải chủ động

Một trong những giải pháp là tăng cường nhập khẩu giấy in báo. Lâu nay, thuế suất nhập khẩu bột giấy là 0%, thuế suất nhập khẩu giấy là 5% với giấy nhập từ các nước Asean, 30% với giấy nhập khẩu từ ngoài Asean. Nhập từ các nước Bắc Âu (khu vực sản xuất nhiều giấy nhất thế giới) thì giá quá cao. Còn nhập từ Trung Quốc thì cũng rất hạn chế và nguồn không dồi dào bằng Indonesia, Philippinnes. Trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản đến thời điểm này vẫn chưa thể hiện được tiềm lực mạnh về xuất khẩu giấy in báo.

Đó là chưa tính đến việc các nhà sản xuất và xuất nhập khẩu giấy in báo cũng phải chịu áp lực tăng giá từ hầu hết các mặt hàng.

Theo Bà Thu, Kế toán trưởng Nhà máy in Quân đội 1 thì với giá nhập khẩu giấy hiện nay giá bán báo phải tăng đến mức nào đó thì các tòa soạn mới chịu nổi chi phí, bởi tính riêng giá giấy đã chiếm khoảng 60% giá thành mỗi tờ báo.

Ông Nguyễn Quỳnh Thắng, Giám đốc nhà máy in Nhân dân cho rằng, về lâu dài các nhà in báo cũng phải chủ động tạo nguồn vật tư, nguyên liệu vì từ trước đến nay, phần lớn các doanh nghiệp in báo vẫn quen trông chờ khách quan thuận lợi, nên khi gặp sự cố như thế này thì rất lúng túng. Từ nay rất cần có chiến lược chủ động và sự liên kết chặt chẽ, quy mô lớn hơn nữa giữa các nhà in với các nhà in, giữa các nhà in với các nhà sản xuất giấy, phân công trách nhiệm rõ ràng cho mỗi bên liên kết để hỗ trợ đắc lực cho nhau...

Trong 3, 4 năm tới tiêu dùng giấy in báo ở Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào nhập khẩu. Để thỏa mãn nhu cầu giấy in báo cần thực hiện một số biện pháp sau. Các báo, các nhà in và nhà sản xuất cần theo dõi thị trường giấy in báo để chủ động vật tư; hợp tác và hiệp lực giữa các cơ quan chức năng để giảm bớt đầu mối nhập khẩu, giảm bớt chi phí và có lợi thế về giá trong đàm phán hợp đồng; thị trường nhập khẩu quá rộng nên cần xác định thị trường chính và tập trung cho nhập khẩu.