14:42 11/07/2025

Hỗ trợ người khuyết tật tham gia hệ sinh thái kinh tế số

Song Hà

Kinh tế sẽ mở ra hướng tiếp cận mới, đưa khát vọng của người khuyết tật đến gần hơn với thực tế, từng bước xây dựng cộng đồng người khuyết tật tự chủ và hòa nhập sâu vào đời sống hiện đại...

Người khuyết tật có thể tham gia một cách bình đẳng trên các nền tảng số.
Người khuyết tật có thể tham gia một cách bình đẳng trên các nền tảng số.

Chiều 10/7, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Việt Nam (SYS Việt Nam), Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp kinh tế số dành cho người khuyết tật. 

Đây là một hoạt động cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 57 về ứng dụng khoa học - công nghệ vào đời sống nhân dân và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

"CÁNH CỬA" KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Chương trình hợp tác được triển khai trong khuôn khổ Đề án “Nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam” do SYS Việt Nam, TikTok Việt Nam và Báo Nhân dân khởi xướng.

Đối với nhóm người khuyết tật, đây không chỉ là cơ hội tiếp cận kiến thức mà còn là cánh cửa để khẳng định vai trò của mình trong xã hội hiện đại. Môi trường số, nếu được hướng dẫn đúng cách, chính là nơi người khuyết tật có thể học nghề, làm nghề và tự chủ sinh kế một cách bình đẳng.

Lễ ký kết đánh dấu bước phát triển mới trong việc ứng dụng công nghệ vào công tác hỗ trợ xã hội, tạo điều kiện để người khuyết tật - đặc biệt là thanh niên khuyết tật tiếp cận với kỹ năng kinh doanh, phát triển nghề nghiệp và tạo sinh kế ổn định trên môi trường số.

 Hỗ trợ người khuyết tật tham gia hệ sinh thái kinh tế số - Ảnh 1

Theo nội dung ký kết, ba đơn vị sẽ phối hợp tổ chức chuỗi tập huấn, cung cấp tài nguyên học tập và kết nối cộng đồng nhà sáng tạo, đồng thời hỗ trợ xây dựng kênh phân phối sản phẩm phù hợp thông qua các nền tảng số như TikTok Shop, livestream bán hàng, affiliate marketing...

Theo ông Nguyễn Phan Huy Khôi, Giám đốc Trung tâm SYS Việt Nam, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và nâng cao kỹ năng số cho cộng đồng người khuyết tật là hết sức cần thiết, trong bối cảnh họ vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc tiếp cận thông tin, giáo dục và cơ hội nghề nghiệp.

Người khuyết tật không chỉ cần mà còn xứng đáng được trao cơ hội để học tập, lao động và sống bằng chính khả năng của mình. “Người khuyết tật cần cơ hội – cơ hội để học hỏi, để làm việc, để sống bằng sức lao động của mình. Khi đồng hành cùng Hội Thanh niên Khuyết tật và eComDX, chúng tôi mong muốn hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị bằng những hành động cụ thể, thiết thực mỗi ngày", ông Khôi khẳng định.

KẾT NỐI BA NGUỒN LỰC

Thỏa thuận hợp tác này giữa SYS Việt Nam, eComDX và Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam xác lập mô hình hợp tác 3 bên: nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Trong đó, các khóa đào tạo kỹ năng số, thương mại điện tử, tư duy kinh doanh hiện đại sẽ được thiết kế riêng, phù hợp với khả năng tiếp cận và điều kiện thực tế của người khuyết tật.

 Hỗ trợ người khuyết tật tham gia hệ sinh thái kinh tế số - Ảnh 2

Theo ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX), theo thống kê, hiện cả nước có hơn 6,2 triệu người khuyết tật, nhưng phần lớn trong số đó chưa từng có cơ hội được học nghề, tiếp cận công nghệ hay được hỗ trợ để khởi nghiệp.

Do đó, ông Thành tin rằng việc hợp tác với SYS Việt Nam và eComDX sẽ mở ra kênh tiếp cận mới, đưa khát vọng của người khuyết tật đến gần hơn với thực tế, từng bước xây dựng cộng đồng người khuyết tật tự chủ và hòa nhập sâu vào đời sống kinh tế số.

Việc bổ sung người khuyết tật vào mạng lưới thụ hưởng của chương trình không chỉ mang lại giá trị xã hội bền vững, mà còn tạo ra thêm động lực cho xã hội trong việc ứng dụng thương mại điện tử trong môi trường hiện đại ngày nay. 

Nền tảng công nghệ, hệ sinh thái thương mại điện tử và các chương trình đào tạo góp phần kết nối người khuyết tật với doanh nghiệp và thị trường. Mục tiêu sau cùng không chỉ dừng lại ở việc trang bị kỹ năng mới, mà còn giúp người khuyết tật có thêm động lực, ý chí để khởi nghiệp.

Cũng theo ông Hoàng, việc trang bị kỹ năng số sẽ góp phần đa dạng hóa trong lĩnh vực nội dung số và thương mại điện tử – đặc biệt là các mô hình như TikTok Shop và affiliate marketing – nơi người khuyết tật có thể tham gia một cách bình đẳng. Đồng thời, sự hiện diện của họ sẽ giúp hệ sinh thái kinh tế số trở nên bao trùm, phong phú và nhân văn hơn, với những góc nhìn độc đáo và giá trị đóng góp đặc biệt. 

Bên cạnh đào tạo, các hoạt động hỗ trợ sẽ được triển khai xuyên suốt, từ tư vấn xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp, hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn, thị trường, công nghệ, cho tới truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và vinh danh các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trong cộng đồng người khuyết tật – như một cách lan tỏa giá trị tốt đẹp của lao động trong cuộc sống.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam bày tỏ xúc động và cho biết hầu hết người khuyết tật không mong sự thương hại mà cần sự công nhận và trao quyền.

“Chúng tôi không muốn và thực tế cũng không phải là gánh nặng. Chúng tôi muốn được đóng góp, được sống có ích. Có một nghề, có một sinh kế, có cơ hội làm chủ cuộc đời, đó là khát vọng của hàng triệu người khuyết tật Việt Nam”, ông Thành chia sẻ.