08:01 31/08/2018

Căng thẳng thương mại lại “nóng”, chứng khoán Mỹ quay đầu giảm

Bình Minh

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, kết thúc chuỗi 4 phiên tăng trước đó

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, kết thúc chuỗi 4 phiên tăng trước đó, do tâm trạng các nhà đầu tư trở nên bi quan khi xung đột thương mại có dấu hiệu đáng lo ngại mới.

Theo tin từ Reuters, đà bán tháo trên diện rộng bị đẩy mạnh vào giữa phiên buổi chiều, sau khi hãng tin Bloomberg nói rằng Tổng thống Donald Trump có thể áp thuế quan bổ sung lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào tuần tới, sớm hơn so với dự kiến của nhiều người.

CBOE Volatility Index - một chỉ số đo lường nỗi sợ hãi và sự biến động ngắn hạn của thị trường - tăng lên gần mức cao nhất trong 2 tuần, đóng cửa ở 13,53 điểm. Trong khi đó, khối lượng giao dịch của toàn thị trường giảm xuống mức thấp.

"Khi khối lượng giao dịch xuống thấp, thị trường khó hấp thụ sức ép mua, bán hơn. Nhưng chúng ta vẫn có những thông tin về thương mại xuất hiện mỗi ngày", ông Shawn Cruz, nhà quản lý chiến lược giao dịch thuộc TD Ameritrade ở New Jersey, phát biểu.

Tin về dự định sớm áp thuế 200 tỷ USD hàng Trung Quốc của ông Trump đã phủ bóng lên tâm trạng lạc quan của giới đầu tư trong mấy phiên giao dịch trước về cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Mexico-Canada. Theo dự kiến, một thỏa thuận mới nhằm thay thế Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) sẽ đạt được giữa ba nước vào hạn chót là ngày thứ Sáu này.

Thứ Hai tuần tới, thị trường tài chính Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Labor Day.

Giá cổ phiếu Apple đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong phiên này, với mức tăng 0,9%, sau khi có tin hãng sẽ trình làng các mẫu điện thoại thông minh (smartphone) iPhone mới nhất vào ngày 12/9.

Cổ phiếu Amazon.com tăng 0,2%, đóng cửa trên ngưỡng 2.000 USD lần đầu tiên, đưa hãng thương mại điện tử khổng lồ này tiến gần thêm một bước đến chỗ trở thành công ty đại chúng Mỹ thứ hai có mức vốn hóa 1 nghìn tỷ USD, sau Apple.

Chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm 0,53%, còn 25.986,92 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,44%, còn 2.901,13 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,26%, còn 8.088,36 điểm.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, chỉ có nhóm dịch vụ tiện ích là tăng điểm.

Cổ phiếu hãng thực phẩm Campbell Soup giảm 2,1% sau khi công ty công bố kế hoạch bán lại một số bộ phận và để ngỏ khả năng bán lại toàn bộ công ty.

Cổ phiếu công ty bán lẻ thời trang Abercrombie & Fitch sụt 17,2% sau khi hãng công bố doanh số quý 2 không đạt mức dự báo.

Cổ phiếu hai công ty bán lẻ giá rẻ Dollar Tree và Dollar General giảm tương ứng 15,5% và 1%, sau khi cả hai đưa ra triển vọng lợi nhuận gây thất vọng.

Về thông tin kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng lõi (PCE) của Mỹ - một thước đo mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thường dùng để đo lạm phát - tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đạt mục tiêu lạm phát mà FED đề ra, theo đó củng cố khả năng FED tiếp tục nâng lãi suất trong thời gian tới.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,84 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, cứ 1,36 mã giảm thì mới có 1 mã tăng.

Có tổng cộng 5,99 tỷ cổ phiếu được giới giao dịch chuyển nhượng ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,09 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.