09:32 12/11/2008

Chất vấn tại nghị trường: Bộ trưởng nhận trách nhiệm là... xong!

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cư Hòa Vần nhận xét về hoạt động chất vấn tại nghị trường

Cử tri mong mỏi những lời hứa của các bộ trưởng phải được thực hiện nghiêm túc. Trong ảnh: Một buổi tiếp xúc cử tri tại Tp.HCM.
Cử tri mong mỏi những lời hứa của các bộ trưởng phải được thực hiện nghiêm túc. Trong ảnh: Một buổi tiếp xúc cử tri tại Tp.HCM.
Luôn là khách mời và theo dõi sát sao các kỳ họp gần đây của Quốc hội (Quốc hội), chiều 10/11, ông Cư Hòa Vần, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đã trả lời phỏng vấn  về hoạt động chất vấn tại nghị trường.

Lời hứa gió bay

Thưa ông, hoạt động chất vấn ở Quốc hội đã tiến hành qua nhiều kỳ họp nhưng có dư luận cho rằng hoạt động này ngày càng nhạt dần, ông nghĩ sao?

Tôi cho dư luận này là đúng. Khi Chính phủ trả lời chất vấn, lúc đầu thì ai cũng hào hứng vì các vấn đề được đặt ra đều nóng bỏng, bức xúc. Thế nhưng qua nhiều kỳ họp, người ta thấy rằng các nội dung cứ lặp đi lặp lại. Các bộ trưởng cứ trả lời, cứ hứa nhưng Quốc hội cũng không kiểm tra sát sao xem hứa thế thì làm được đến đâu. Bộ trưởng khi trả lời cũng ít khi nói rõ trách nhiệm cá nhân, đưa ra giải pháp và thời hạn giải quyết vấn đề nên có nhiều việc cử tri thấy nản lòng.

Theo ông, hoạt động chất vấn chưa thực sự làm cử tri hài lòng thì trách nhiệm thuộc về Quốc hội hay Chính phủ?

Với tư cách là cử tri, tôi thấy có trách nhiệm của cả hai. Riêng với Quốc hội là chưa làm đến nơi đến chốn, chưa đi đến cùng vấn đề. Quốc hội có các ủy ban chuyên môn phụ trách các lĩnh vực, lẽ ra các cơ quan này phải theo dõi, giám sát đến cùng các vấn đề đã chất vấn nhưng nhiều khi họ cũng buông. Tôi cho rằng nếu các ủy ban làm việc mạnh mẽ, đến nơi đến chốn thì các cơ quan của Chính phủ cũng phải giật mình.

Quốc hội chưa sử dụng hết quyền

Sau các phiên giám sát Quốc hội có quyền ra nghị quyết hoặc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ. Nhưng Quốc hội rất hiếm khi ra nghị quyết và cũng chưa lần nào bỏ phiếu tín nhiệm. Tại sao Quốc hội lại “ngại” Chính phủ như vậy?

Nể nang là tâm lý của người Á Đông: tôi với anh cùng làm việc mà sao lại bốp chát thế? Hơn nữa, nhiều đại biểu Quốc hội giữ các trọng trách ở ngành, địa phương, nếu cứ thẳng thừng với cấp trên thì sợ khó làm việc với nhau.

Nhưng cái chính là cách thức để thực hiện các quy định của pháp luật vẫn chưa được làm rốt ráo. Chẳng hạn như bỏ phiếu tín nhiệm thì trước kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thăm dò các đại biểu, các đoàn, các ủy ban xem họ có ý kiến gì về việc này không. Nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan chủ trì chuẩn bị kỳ họp không đề cập đến nên cá nhân các đại biểu Quốc hội khó mà đề cập.

Có nghĩa là Quốc hội có rất nhiều quyền nhưng chưa sử dụng hết?

Đúng. Theo tôi là Quốc hội chưa sử dụng hết quyền của mình.

Không thể nhận trách nhiệm cho xong

Cử tri mong những gì bộ trưởng làm chưa hết trách nhiệm hoặc làm sai thì phải nhận trách nhiệm và thực tế là các bộ trưởng cũng rất hay nói “Tôi xin nhận trách nhiệm”. Nhưng cử tri vẫn không hài lòng, theo ông thì tại sao?

Bởi vì ông cứ nói rằng “Tôi chịu trách nhiệm” nhưng cử tri không biết rằng ông chịu trách nhiệm cái gì, thế nào và đến mức nào. Các bộ trưởng cứ nói chịu trách nhiệm chung chung như thế thì nói xong là thôi, nói là để vỗ về cho cử tri yên lòng thôi.

Tôi cho rằng bộ trưởng muốn làm dân hài lòng thì phải thực hiện lời hứa cho nghiêm túc chứ không phải cứ trả lời chất vấn, nhận trách nhiệm cho xong chuyện. Cạnh đó thì các cơ quan của Quốc hội phải giám sát đến nơi đến chốn. Thủ tướng phải tỏ thái độ

Kỳ họp nào Mặt trận Tổ quốc cũng đọc một báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri trước Quốc hội. Là một thành viên đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông cảm thấy thế nào khi có nhiều nội dung trùng lắp giữa báo cáo kỳ trước và báo cáo kỳ sau?

Kỳ nào Mặt trận Tổ quốc cũng đọc báo cáo, Quốc hội cũng nghe nhưng Quốc hội không tỏ thái độ rõ ràng trước các bản báo cáo này. Lẽ ra Quốc hội phải nói rõ rằng cái này dân yêu cầu là hợp lý, cái kia dân phê bình là đúng, Chính phủ phải đưa ra các giải pháp xử lý vấn đề và phải báo cáo với cử tri. Nếu làm chưa được, cử tri vẫn kêu thì kỳ sau phải giải thích nguyên nhân tại sao, ai chịu trách nhiệm.

Các kỳ họp trước, Thủ tướng thường xuất hiện trước Quốc hội để phát biểu tổng hợp, giải trình chứ chưa đối thoại trực tiếp với đại biểu. Được biết lần này, Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp, ông kỳ vọng gì ở Thủ tướng?

Tất nhiên, Thủ tướng đi vào những vấn đề chiến lược chứ không phải đi sâu vào những chuyện vụn vặt. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cần trả lời cụ thể ở một phạm vi nhất định để cử tri thấy rõ thái độ của Thủ tướng và Chính phủ.

Trước các vấn đề đang rất bức xúc như xử lý các vụ việc liên quan đến môi trường, ngành điện, công tác chống tham nhũng chưa đạt kết quả..., tôi mong sự trả lời của Thủ tướng sẽ làm dân mát lòng mát ruột và sau một thời gian thì có kết quả cụ thể.

Lê Kiên (Pháp luật Tp.HCM)