09:55 09/06/2018

Chỉ đạo mới nhất của Chính phủ về "siêu" Ủy ban

Bảo Quyên

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm tuyển chọn nhân sự cụ thể theo quy định của pháp luật

Sẽ có 21 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao về Ủy ban quản lý, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài, đang thuộc quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ.
Sẽ có 21 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao về Ủy ban quản lý, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài, đang thuộc quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ.

Chính phủ vừa ra nghị quyết về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, trong đó làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; mối quan hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chính phủ yêu cầu nghị định phải bảo đảm phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; hoàn thiện dự thảo Nghị định trước ngày 10/6 tới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có văn bản của Chính phủ gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các bộ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; có phương án, lộ trình để sắp xếp, tổ chức lại đầu mối quản lý doanh nghiệp nhà nước ngay sau khi đã chuyển giao nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ Tài chính khẩn trương dự thảo Quyết định hướng dẫn thủ tục chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp từ các bộ, cơ quan về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, thống nhất phương án điều chuyển biên chế công chức, bảo đảm không làm tăng biên chế.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm tuyển chọn nhân sự cụ thể theo quy định của pháp luật, bảo đảm lựa chọn cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhanh chóng đi vào hoạt động hiệu quả.

Theo định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sẽ có 21 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao về Ủy ban quản lý, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài, đang thuộc quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Cùng với đó là hàng loạt tổng công ty có quy mô lớn như Tổng công ty Viễn thông VTC, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam...