16:42 19/04/2009

"Chi phí giá điện giờ cao điểm không đáng kể"

Bảo Anh

Cục Điều tiết điện lực vừa công bố kết quả kiểm tra việc áp dụng giá điện giờ cao điểm tại một số doanh nghiệp

Kết quả kiểm tra cho thấy, chi phí giá điện giờ cao điểm chỉ bị đội lên khoảng 0,1 - 0,76%, thấp hơn nhiều so với con số 20-40% mà doanh nghiệp phản ánh.
Kết quả kiểm tra cho thấy, chi phí giá điện giờ cao điểm chỉ bị đội lên khoảng 0,1 - 0,76%, thấp hơn nhiều so với con số 20-40% mà doanh nghiệp phản ánh.
Cục Điều tiết điện lực vừa công bố kết quả kiểm tra việc áp dụng giá điện giờ cao điểm tại một số doanh nghiệp.

Sau khi nhiều doanh nghiệp phản ảnh về việc chi phí cho việc sử dụng điện đã tăng hơn nhiều so với mức tăng bình quân do cách tính thêm 2 giờ cao điểm vào buổi sáng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành kiểm tra tại 3 địa phương, gồm Hà Nội, Tiền Giang và Long An.

Kết quả kiểm tra cho thấy, chi phí giá điện giờ cao điểm chỉ bị đội lên khoảng 0,1 - 0,76%, thấp hơn nhiều so với con số 20-40% mà doanh nghiệp phản ánh.

Theo Cục Điều tiết điện lực, chi phí tiền điện phải trả thêm khi áp dụng giá bán mới của các doanh nghiệp trong tháng 3 đã tăng khoảng 2,26-22,6%. Tuy nhiên, mức ảnh hưởng của cơ chế giờ cao điểm buổi sáng là không đáng kể, trung bình 0,04 - 0,76%, trong đó đơn vị cao nhất cũng chỉ tăng thêm 3,4%.

Tại Hà Nội, đoàn công tác đã kiểm tra tại 3 doanh nghiệp là: Công ty Cổ phần May 10, Công ty Dệt kim Đông Xuân và Công ty cổ phần khóa Việt Tiệp. Kết quả cho thấy, trong năm 2008, sản lượng điện tiêu thụ của May 10 là 4,96 triệu kWh, tương ứng với số tiền phải trả là 4,566 tỷ đồng, chiếm 3,35% doanh thu.

Tính riêng trong tháng 3/2009 khi EVN áp dụng giá bán mới, chi phí điện của May 10 tăng thêm 22,6%. Tuy nhiên, mức tăng do áp dụng cơ chế tính giá điện vào giờ cao điểm chỉ là 0,76%.

Tại Công ty Dệt kim Đông Xuân, trong năm 2008, đơn vị này tiêu thụ khoảng 3,38 triệu kWh điện, tương ứng với số tiền phải trả là 3,534 tỷ đồng, chiếm 1,76% tổng doanh thu. Tính trong tháng 3/2009, chi phí điện của Đông Xuân tăng thêm 5,76%, trong đó mức tăng khi áp dụng cơ chế giờ cao điểm chỉ khoảng 0,1%.

Còn tại Công ty Cổ phần Khóa Việt Tiệp, chi phí điện trên mỗi sản phẩm quy đổi là 300 đồng, chiếm 1,11% doanh thu. Chi phí điện của Việt Tiệp tăng thêm trong tháng 3 là 12,6%, trong đó mức tăng khi tính giờ cao điểm vào khoảng 0,14%.

Kết quả kiểm tra tại một số doanh nghiệp tại 2 tỉnh Tiền Giang và Long An cũng cho số liệu tương tự chi phí giá điện tính theo giờ cao điểm tăng thêm khoảng 0,1-0,76%.

Với kết quả kiểm tra trên, Cục Điều tiết Điện lực cho rằng, việc áp dụng giá điện giời cao điểm, kể cả buổi sáng là không đáng kể và không ảnh hưởng nhiều đến việc tăng chi phí như một số doanh nghiệp đã phản ánh. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho biết, tất cả các doanh nghiệp được kiểm tra đều tạm tính chi phí tiền điện phải trả tăng thêm dựa vào sản lượng tiêu thụ của các tháng trước hoặc năm 2008 chứ chưa phải là chi phí thực tế.

Bên cạnh đó, thời gian triển khai tính giá điện vào giờ cao điểm chưa nhiều, các doanh nghiệp vẫn đang sắp xếp lại sản xuất nên cần phải có thêm thời gian để đánh giá chính xác hơn.

Do đó, trước mắt, Cục Điều tiết điện lực sẽ chưa có kiến nghị gì để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Việc áp dụng giá điện vẫn được thực hiện theo Quyết định 29 của Thủ tướng và Thông tư 05 của Bộ Công Thương.