12:05 01/11/2009

“Chính sách an sinh xã hội sẽ quyết định sự phục hồi kinh tế”

Hải Hà

Chính sách an sinh xã hội dưới góc nhìn của tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi.
Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ năm (tháng 5/2009), chính sách “khoan sức dân” đã được Chính phủ đề nghị Quốc hội cho tiếp tục thực hiện nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Dưới góc nhìn của Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chính chính sách an sinh xã hội sẽ quyết định sự phục hồi của nền kinh tế.

Ông Lợi cũng cho VnEconomy biết, chiến lược tổng thể về an sinh xã hội đang trong quá trình hoàn thiện.

Ông có thể nói chủ trương “khoan sức dân” của Chính phủ đã mang lại hiệu quả trong thực tế cuộc sống như thế nào?

Điều rất dễ nhận thấy là đầu tư từ ngân sách cho các chính sách xã hội và cho an sinh xã hội có xu thế tăng lên. Nếu như năm 2000 chiếm 24%  thì đến năm 2008 đã chiếm 30% tổng chi ngân sách. Điều này chứng tỏ chính phủ rất quan tâm đầu tư cho an sinh xã hội.

Chủ trương “khoan sức dân” được thể hiện bằng việc hạn chế các khoản đóng góp, loại bỏ phí lệ phí, giảm, giãn, miễn thuế nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình có điều kiện đầu tư tăng trưởng phát triển.

Như vậy, chúng ta rất cần vốn cho đầu tư phát triển nhưng lại quan tâm rất nhiều tạo sức bền cho dân. Chính vì vậy mà quý 1 năm nay khoảng hơn 110 ngàn lao động thiếu việc làm. Song đến quý 2 các khu công nghiệp phía nam đã thiếu lao động trầm trọng. Đấy chính là thể hiện sự khôi phục nhanh của nền kinh tế, từ chủ trương khoan sức dân.

Được biết Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã đề xuất xây dựng đề án tổng thể về chính sách an sinh xã hội từ năm 2010 - 2020. Việc này đã thành hiện thực chưa?

Hiện nay an sinh xã hội có hai phương án. Thứ nhất là trợ cấp thường xuyên để đảm bảo mức sống tối thiểu cho những đối tượng không thể đầu tư vốn phát triển sản xuất. Thứ hai là trợ giúp xã hội cho các đối tượng ảnh hưởng bởi bão lụt, thảm họa, tai nạn rủi ro, chỉ trợ cấp đột xuất. Như vậy, những chính sách ngắn hạn chỉ giải quyết vấn đề tức thời.

Vì vậy, Ủy ban mong muốn Chính phủ có đề án chiến lược đảm bảo an sinh xã hôi lâu dài, có tầm nhìn đến năm 2002. Hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng hai chiến lược. Một  là chiến lược an sinh xã hội tổng thể của đất nước. Hai là chiến lược an sinh xã hội cho nông nghiệp, nông dân nông thôn và đồng bào miền núi, thể hiện chính sách bền vững hơn.

Trong quá trình tham gia với hai ủy ban Kinh tế và Tài chính - Ngân sách thẩm tra báo cáo của Chính phủ, chúng tôi kiến nghị Chính phủ nên đánh giá lại xem 30% tổng chi ngân sách hiện nay đang chi cho chính sách an sinh xã hội hiện nay hợp lý đến đâu, từ đó xem cách thức đầu tư như thế nào có tầm chiến lược hơn. Vì chính chính sách an sinh xã hội sẽ quyết định sự phục hồi của nền kinh tế.

Hiên nay chiến lược đã được dự thảo lần thứ 6 rồi, đang xin ý kiến các bộ ngành và các chuyên gia quốc tế.

Ông có thể cho biết những điểm mấu chốt nhất của chiến lược này?

Điểm cơ bản là xác định một cái khung đảm bảo an sinh xã hội lâu dài. Trên thế giới có nhiều khái niệm khác nhau nhưng cứ hình dung an sinh xã hội có ba chân kiềng.

Thứ nhất là chính sách bảo hiểm xã hội, lo cho những người làm công ăn lương đảm bảo đời sống lúc về già. Thứ hai là chính sách năng động của thị trường lao động, tức là cứu vớt những người bị tác động của yếu tố bên ngoài, đó chính là bảo hiểm thất nghiệp. Thứ ba là trợ giúp xã hội, như cơn bão số 9 vừa qua mà các gia đình đang bình thường mà tự dưng mất nhà thì Nhà nước phải có chính sách trợ giúp ngay lập tức.

3 nhánh này là 3 trụ côt chính, ngoài ra còn có chính sách xóa đói giảm nghèo, mục tiêu việc làm… bổ trợ.

Cái quan trọng của chiến lược là tạo ra nguồn lực bền vững. Ví dụ quỹ bảo hiểm xã hội hiện nay có nguy cơ thâm hụt thì phải làm thế nào để tăng trưởng phát triển ổn định. Bảo hiểm y tế phải đảm bảo làm sao để toàn dân tham gia, thực hiện quan điểm chia sẻ, tất cả mọi người đóng góp nuôi người ốm chứ nếu ai góp người ấy hưởng thì không thể lâu dài được.

Về trợ giúp xã hội cần xây dựng quỹ để khi biến cố xảy ra chưa thể kêu gọi các nguồn ủng hộ  thì đã có quỹ để xử lý. Như vừa rồi có một xã ở Tây Nguyên thành lập kho gạo tại chỗ nên khi đang bị bão lũ cô lập dân không bị đói. Tức là tạo ra nguồn lực để khi bất thường xảy ra chủ động xử lý được.

Dự kiến khi nào chiến lược sẽ được thực hiện, thưa ông?

Sẽ thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2020.

Ông có nói một trong ba chân kiềng của chiến lược là chính sách năng động của thị trường lao động, liên quan đến giải quyết việc làm và bảo hiểm thất nghiệp. Vậy những bất cập ngay từ việc xây dựng chỉ tiêu giải quyết việc làm hiện nay có được xem xét đến?

Đúng là chỉ tiêu tạo việc làm cho 1,7 triệu lao động hiện nay là hết sức phi lý. Bình quân tăng dân số 1,2 %, hàng năm lao động bước vào tuổi lao động 1,1 triệu thì làm sao có nguồn 1,7 triệu lao động để giải quyết việc làm được.

Hay như xuất khẩu lao động hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài, không phụ thuộc vào nền kinh tế  trong nước một chút nào hết. Vậy làm sao mà xác định được là hàng năm sẽ đưa 80 - 85 nghìn người đi lao động đi nước ngoài,

Nguyên nhân là do hiện nay Tổng cục Thống kê chưa đưa ra phương pháp tính toán đầy đủ tính khoa học và đúng đắn. Các nước khác thì họ có có cơ quan độc lập đánh giá biến động lao động hàng quý, thậm chí hàng tháng. Còn chúng ta thì hàng năm ngày 1/7 điều tra thống kê 1 lần, lại chọn mẫu quá nhỏ (5%) thì tính chính xác không thể cao được.

Ủy ban đã đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phải nghiên cứu các tiêu chí của các nước trên thế giới và củng cố hệ thống thống kê lao động hàng năm để làm sao xây dựng chỉ tiêu giải quyết việc làm cho thích ứng với nền kinh tế của chúng ta hiện nay.

Quốc hội vừa xem xét nội dung giám sát năm 2010. Và Ủy ban đã đề xuất giám sát về xuất khẩu lao động?

Đúng vậy, giải quyết lao động trong nước là có hạn, vì đầu tư có mức độ. Vậy nên con số khoảng 80 vạn lao động đi lao động ở nước ngoài cũng rất quan trọng để thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm.

Có hai lý do để giám sát. Một là đã ban hành luật đưa lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Cần giám sát xem hệ thống pháp luật đưa ra đã phù hợp chưa. Hai là hiện nay tình hình đưa lao động đi nước ngoài làm việc  có vấn đề không ổn. Chất lượng lao động thấp, thiếu tính ổn định, thu nhập bị ảnh hưởng. Và điều quan trọng nhất là khi lao đọng mất việc làm trở về cũng không có việc làm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.