07:02 07/11/2012

Chọn người chất vấn: Khi Thống đốc được ưu tiên

Nguyên Thảo

Bên cạnh nợ xấu, đại biểu Quốc hội còn muốn chất vấn Thống đốc về lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng

Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã hai lần đăng đàn tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ở kỳ họp này của Quốc hội.<br>
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã hai lần đăng đàn tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ở kỳ họp này của Quốc hội.<br>
Luôn là số một ở sự lựa chọn của nhiều đại biểu trong danh sách các thành viên Chính phủ được dự kiến sẽ đăng đàn tại các phiên chất vấn vào đầu tuần sau của Quốc hội là Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

Dù, người đứng đầu ngành ngân hàng đã có tới hai lần được mời giải trình tại các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội vừa qua. Và, trước đó, cuối tháng 8/2012 ông cũng đã trả lời chất vấn về nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhưng, độ nóng của lãi suất, nợ xấu cùng sự đỏng đảnh của thị trường vàng vẫn chưa hề nguôi giảm, từ kỳ họp này sang kỳ họp khác là lý do chung để nhiều vị đại biểu không ngần ngừ khi đánh dấu vào ô đồng ý để ông trả lời chất vấn trực tiếp ở kỳ họp này.

Còn quan điểm riêng, dù ở góc nhìn nào thì Thống đốc Bình cũng vẫn được ưu tiên.

Từng hỏi Thống đốc bằng văn bản về lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng từ kỳ họp thứ hai, doanh nhân - đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) cho rằng kỳ này vẫn nên chất vấn ông Bình về lợi ích nhóm. Bởi đây là vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại và nằm trong mối quan hệ giữa các ngân hàng với nhau, nhưng đang có những diễn biến rất đáng quan ngại.

Biểu hiện rõ nhất, theo đại biểu Quý là các vụ thâu tóm ngân hàng, rồi quá trình sáp nhập khiến dư luận cho rằng có ngân hàng tốt vẫn phải sáp nhập, ngân hàng xấu thì lại được “tha”, làm chậm quá trình tái cấu trúc cả hệ thống.

"Vừa rồi, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Thống đốc cũng đã công khai công nhận là có lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng. Chính lợi ích nhóm làm trầm trọng thêm nợ xấu vốn đã rất khó khăn trong xử lý, ngăn chặn lợi ích nhóm để nợ xấu đỡ xấu hơn, đó là cả vấn đề rất lớn", ông Quý nói.

Với Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, đại biểu Trần Quốc Tuấn, chọn Thống đốc đăng đàn là rất phù hợp vì ngân hàng đang là lĩnh vực vô cùng nhạy cảm với ngổn ngang quản lý vàng và câu trả lời vì sao lãi suất giảm mà doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn, vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Vị đại biểu này cũng lý giải, khi Thống đốc trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì vấn đề quản lý vàng liên quan đến nghị định 24 chưa nóng hổi như hiện nay, mà giải thích của ông Bình tại phiên thảo luận vừa qua về lĩnh vực này lại chưa đủ thuyết phục.

Không chút ngần ngừ khi “chấm” Thống đốc, nhưng Phó giám đốc Sở Y tế Tp.HCM Phạm Khánh Phong Lan lại băn khoăn khi nhớ lại kỳ họp trước, ông Bình dù nằm trong 4 vị được đa số đại biểu chọn lúc được hỏi ý kiến, vẫn không được chọn để đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp.

"Đã không thăm dò thì thôi chứ đã thăm dò rồi thì nên chọn theo ý đại biểu", bà Lan đề nghị.

Vị nữ đại biểu này cũng tỏ ra thất vọng khi danh sách đề cử cho kỳ này thiếu vắng ba vị bộ trưởng các Bộ Giao thông Vận tải, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, đều là các vị “tư lệnh” ở các lĩnh vực mà có rất nhiều vấn đề cả cử tri và đại biểu cũng quan tâm.

Theo bà, cần đưa ra danh sách dài hơn để đại biểu có thể lựa chọn, còn ngay ở danh sách đã không có thì làm sao mà chọn.

Đại biểu Lan cũng cho rằng không nên  giới hạn ở 4 vị bộ trưởng cho mỗi kỳ, mà tùy vào tình hình kinh tế, xã hội để quyết định số lượng các vị trả lời cũng như thời lượng cho các phiên chất vấn.

Cũng liên quan đến cách thức chọn người trả lời chất vấn, đại biểu Phan Văn Quý cho rằng đỡ phức tạp hơn việc phát phiếu xin ý kiến chính là để các vị đại biểu bấm nút tại hội trường. Sau đó sẽ chọn các thành viên Chính phủ được lựa chọn theo số phiếu từ cao xuống thấp. Quốc hội chỉ cần khoảng 1 tiếng để làm việc này, ông Quý đề xuất.

Cùng với danh sách và các nhóm vấn đề dự kiến sẽ chất vấn tại kỳ họp này, trong ngày 6/11, báo cáo “kiểm điểm” thực hiện lời hứa sau chất vấn cũng đã được gửi đến tất cả các vị đại biểu Quốc hội.

Tại đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết nhiều giải pháp đã và sẽ được triển khai nhằm xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu gia tăng. Từ quý 2/2012 nợ xấu đã có chiều hướng tăng chậm lại với tốc độ tháng 6 là 1,2%.