20:35 12/07/2021

Chống giả mạo sinh học cho nông sản Việt: Nhìn từ cuộc chiến pháp lý của Ấn Độ

LS.Lê Quang Vinh (*)

Mạo danh thương hiệu là hiện tượng tất yếu của kinh tế thị trường. Tuy vậy, còn một loại mạo danh thương hiệu nông sản nữa nguy hiểm hơn nhiều là “bio-piracy” (mạo danh sinh học hoặc giả mạo sinh học)...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giả mạo sinh học trong nông nghiệp được các nhà khoa học định nghĩa là hiện tượng ăn cắp tri thức truyền thống, đa dạng sinh học và nguồn gen thuộc về cộng đồng bản địa ở lãnh thổ A để xác lập quyền độc quyền hợp pháp dưới dạng sáng chế (pa-tăng) ở lãnh thổ B với chủ ý lấy tên gốc ban đầu của giống cây trồng đã biết.

Chống giả mạo sinh học vì thế được xem là cuộc chiến cam go mà nông sản Việt có thể sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

MẠO DANH THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN ĐẾN MẠO DANH SINH HỌC

Năm 2018, bà con nông dân ở huyện đảo Lý Sơn đã phải lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc nhiều tiểu thương, doanh nghiệp mạo danh tỏi Lý Sơn. Điều này được xem là “ảnh hưởng nghiêm trọng” đến danh tiếng đặc sản nổi tiếng của Lý Sơn, một loại tỏi có hương vị cay dịu nhẹ chứ không cay nồng như các loại tỏi khác được trồng ở 3 xã An Bình, An Hải và An Vĩnh thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Vì thế, sau rất nhiều nỗ lực, ngày 29/6/2020, tỏi Lý Sơn chính thức được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý theo Quyết định 2421/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.

Không riêng gì tỏi Lý Sơn, cam Cao Phong, xoài Cao Lãnh, khoai tây Đà Lạt… cũng đang nỗ lực để thương hiệu nông sản không bị “đánh cắp” thông qua việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp. Hay thậm chí, mới đây nhất là câu chuyện gạo ST25 bị mạo danh gạo ngon nhất thế giới và bị đăng ký thương hiệu ở Mỹ bởi 4 doanh nghiệp ngoại.

Cũng giống ở Việt Nam, mạo danh thương hiệu nông sản nổi tiếng cũng thường xuyên xuất hiện ở các quốc gia khác. Chẳng hạn, Chính phủ Thái Lan cũng phải vật lộn chống hiện tượng mạo danh, giả mạo Thai Hom Mali Rice (Thai Jasmine Rice).

Nguy hiểm hơn, hiện nay, một dạng mạo danh nữa xuất hiện gây lo ngại cho nhiều quốc gia đang phát triển có truyền thống lâu đời về canh tác lúa và sản xuất gạo. Đó là hiện tượng biopiracy (mạo danh sinh học).

NHÌN TỪ CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ CỦA ẤN ĐỘ

Theo tờ New York Times, Công ty Ricetec Inc có trụ sở ở Texas (Mỹ) được nộp đơn yêu cầu USPTO cấp bằng độc quyền sáng chế số 5,663,484 (pa-tăng số 5,663,484) cho một giống lúa mà công ty này cũng đặt tên Basmati và làm nổ ra xung đột dữ dội kéo dài nhiều năm giữa Chính phủ Ấn Độ và Chính phủ Mỹ.

Theo Statista, hiện nay Ấn Độ đang chiếm 80% thị phần xuất khẩu gạo Basmati toàn cầu. Với 15,5 triệu tấn gạo xuất khẩu năm 2020, Ấn Độ đang giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu gạo Basmati và gạo không có nguồn gốc từ các giống lúa Basmati (non-Basmati).

Chống giả mạo sinh học cho nông sản Việt: Nhìn từ cuộc chiến pháp lý của Ấn Độ - Ảnh 1

Pa-tăng số 5,663, 484 (pa-tăng 484) có tên gọi “các dòng lúa và hạt gạo Basmati” đề cập đến các dòng lúa lai tạo mới, cây lúa và hạt thóc của các dòng lúa lai tạo này. Pa-tăng 484 có 20 điểm yêu cầu bảo hộ, trong đó điểm yêu cầu bảo hộ 15-17 được xem là quan trọng nhất vì công ty Ricetec được độc quyền các đặc tính/tính trạng được coi là độc nhất vô nhị của giống lúa Basmati vốn dĩ chỉ có khi được trồng ở Ấn Độ và Pakistan.

Trong khi mọi thành viên của WTO đều loại trừ bảo hộ giống cây trồng dưới dạng sáng chế thì duy nhất Hoa Kỳ lại chấp nhận bảo hộ giống cây trồng dưới dạng pa-tăng. Cụ thể, theo luật Mỹ, nhà lai tạo giống cây trồng mới có thể chọn 3 hình thức pháp lý (một cách độc lập và không loại trừ lẫn nhau) để giành quyền độc quyền đối với giống cây trồng: (1) pa-tăng hữu ích (utility patent), (2) pa-tăng giống cây trồng (plant patent), và (3) bằng bảo hộ giống cây trồng theo Công ước UPOV (plant variety protection certificate - PVP) miễn là giống cây trồng thỏa mãn các điều kiện của 3 hình thức bảo hộ này. Bằng cách chọn hình thức bảo hộ thứ (2), Ricetec đã trở thành công ty Mỹ nắm quyền độc quyền kiểm soát việc sản xuất và nhập khẩu gạo Basmati ở thị trường Mỹ, và nó cũng buộc những người nông dân phải trả phí bản quyền để trồng lúa, cũng như họ cũng không được gieo hạt đối với vụ tiếp theo.

Vì vậy, Ấn Độ lo sợ rằng giống lúa và gạo Basmati, có đặc tính tương tự như gạo Basmati vốn được trồng từ nhiều thế kỷ ở Ấn Độ và Pakistan, được bảo hộ theo pa-tăng số 484 sẽ gây tổn hại cực kỳ nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của nông dân Ấn Độ sang thị trường Mỹ.

Vấn đề pháp lý trung tâm của việc Mỹ cấp pa-tăng là liệu Basmati có phải là tên thông thường hay là một cái tên có nguồn gốc cụ thể từ giống lúa thơm được trồng ở Ấn Độ và các quốc gia Nam Á khác? Liệu gạo được tạo ra bởi Ricetec có thực sự là giống mới? Liệu Ricetec có giả mạo sinh học và xâm phạm tri thức truyền thống thuộc về cộng đồng bản địa Nam Á hay không?

Không chỉ Chính phủ Ấn Độ mà còn nhiều tổ chức quốc tế phi lợi nhuận NGOs chẳng hạn như ActionAid phản đối quyết liệt pa-tăng số 484. Ấn Độ đã công phu chuẩn bị bằng chứng nộp cho USPTO tới 50.000 trang tài liệu chứng minh tri thức truyền thống, sự đa dạng sinh học gắn liền với Basmati – một giống lúa bản địa được trồng từ nhiều thế kỷ bởi nông dân Ấn Độ.

Trước sức ép của cuộc chiến pháp lý kéo dài tới 3 năm giữa Chính phủ Ấn Độ và Mỹ, cuối cùng USPTO đã chấp nhận thụ lý yêu cầu thẩm định lại pa-tăng 484. Và cuối cùng Ricetec đã chấp thuận rút bỏ 15 trong số 20 điểm yêu cầu bảo hộ và cũng chấp nhận đổi tên sáng chế theo hướng không sử dụng thuật ngữ Basmati trong tên sáng chế.

Sau khi bị thẩm định lại, USPTO cuối cùng đã chấp nhận hủy bỏ 15 điểm yêu cầu bảo hộ 1-7, 10, 14-20, buộc sửa đổi điểm yêu cầu bảo hộ 12-13. Ba điểm yêu cầu bảo hộ 15-17 quan trọng nhất (nằm trong số 15 điểm yêu cầu bị hủy bỏ/buộc sửa đổi) đã bị vô hiệu cùng với việc tên của pa-tăng 484 đã không còn chứa từ Basmati nữa (tên pa-tăng đã đổi thành “Các dòng lúa Bas 867, RT1117 và RT112”) được xem là kết quả pháp lý quan trọng để Chính phủ Ấn Độ tuyên bố chiến thắng trong vụ việc Basmati.

Chống giả mạo sinh học cho nông sản Việt: Nhìn từ cuộc chiến pháp lý của Ấn Độ - Ảnh 2

ST25 CÓ THÀNH THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM?

Bằng việc đăng ký thành công nhãn hiệu chứng nhận số 2,816,123 Thai Hom Mali (được làm ra từ giống lúa truyền thống Thai Hom Mali) cho sản phẩm gạo có xuất xứ ở Thái Lan với USPTO, Chính phủ Thái Lan cùng lúc thành công với cả 3 mục tiêu: (a) biến gạo Thai Hom Mali thành thương hiệu quốc gia; (b) ngăn chặn kịp thời hiện tượng thương hiệu gạo Thai Hom Mali bị biến thành tên thông thường (generic) như gạo Basmati; và (c) chống mạo danh thương hiệu gạo Thai Hom Mali.

Vậy tại sao Việt Nam lại không thể nghĩ tới chuyện biến thương hiệu gạo ST25 – gạo ngon nhất thế giới năm 2019 – đạt được cả ba mục tiêu như của Thái Lan? 

----

(*) Công ty sở hữu trí tuệ Bross & Cộng sự