Chống tham nhũng: “Phải thay đổi cách đánh!”
Đại biểu Quốc hội đề nghị phải xem tham nhũng như tội xâm phạm an ninh quốc gia
“Kết luận của Đảng nói rằng tham nhũng đang thách thức sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước. Tôi muốn nói thêm là tham nhũng cũng đang thách thức Quốc hội, nguy hiểm hơn là thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân”, đại biểu Trần Đình Nhã phát biểu tại phiên thảo luận sáng 1/11.
Đều sốt ruột cao độ trước kết quả hết sức khiêm tốn của công tác phòng chống tham nhũng, mỗi vị đại biểu ở phiên thảo luận này dường như đều nỗ lực để tìm cách tiếp cận sâu hơn ở cả xem xét nguyên nhân cũng như đề xuất giải pháp.
“Khi tôi đi tiếp xúc cử tri, cử tri lo lắng, hoài nghi bức xúc, nhất là các chú cán bộ hưu trí nói trước đây Chính phủ, Nhà nước quản lý điều hành các tổng công ty, tập đoàn còn hiện nay hình như là ngược lại, các tổng công ty, tập đoàn điều hành lại Chính phủ, Nhà nước và việc phòng, chống tham nhũng chủ yếu chỉ là hình thức”, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) phát biểu.
Cũng phản ánh bức xúc của nhân dân trước tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) quả quyết, “cử tri bức xúc cho rằng đây là quốc nạn, là nguy cơ lớn đối với đất nước, cần phải diệt chứ không phòng chống gì nữa”.
Theo nhận xét của đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) thì cơ quan chống tham nhũng đang bị chia cắt, yếu ớt. Ông Nam đề nghị Quốc hội phải có cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng.
Đề cập quy định mới về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, có thể chuyển cơ quan này về Đảng nhưng phải có một lực lượng điều tra chuyên trách về chống tham nhũng, độc lập cả với công an, như thành lập ủy ban điều tra chống tham nhũng để “bắt những ông lớn”. “Con mèo nó ăn miếng mỡ thì đã bắt được rồi, còn con cọp bắt con heo thì chưa ai bắt được”, đại biểu Thuyền phát biểu.
Đại biểu Trần Đình Nhã phân tích, để đấu tranh trực diện với tội phạm về tham nhũng, nhà nước đã tổ chức cả một bộ máy cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra hùng hậu. Năm qua, tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ, trong đó số hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm khoảng 34%.
“Nếu chỉ nhìn vào số liệu nói trên sẽ thấy nghịch lý là tội phạm tham nhũng ở Việt Nam chỉ xét xử được chừng ấy, lại toàn loại án nhẹ nhưng tại sao chỗ nào cũng bức xúc về tham nhũng. Hay do ta đang bôi đen, thổi phồng tình hình tham nhũng. Nhưng tôi không nghĩ thế, Chính phủ cũng không nghĩ thế khi Chính phủ báo cáo Quốc hội số vụ điều tra, phát hiện chưa tương xứng với thực tế”, ông Nhã nói tiếp.
Theo ông, tham nhũng đang thách thức nhà nước, nhân dân đánh vào tình cảm, danh dự của nhân dân, đang “buộc chúng ta phải tuyên chiến”. Nhưng “cuộc chiến chưa xảy ra hoặc nếu xảy ra thì cũng chưa đáng kể lắm vì chưa có ai thương vong gì nhiều. Tôi đề nghị Quốc hội nên bàn và có phương án tác chiến cụ thể hơn”, vị đại biểu Thừa Thiên - Huế mạnh mẽ bày tỏ quan điểm.
Với suy nghĩ muốn chống tham nhũng, phải thay đổi cách đánh và người đánh, đại biểu Nhã đề nghị phải xem tham nhũng như tội xâm phạm an ninh quốc gia.
"Chống một kẻ nội gián, một kẻ khủng bố như thế nào thì cũng phải được phép áp dụng như vậy để điều tra chống tham nhũng. Đánh tham nhũng phải đánh từ ngoài vào, đánh từ trên xuống, cấp trung ương sẽ đánh tham nhũng ở cấp tỉnh, tỉnh đánh xuống huyện, huyện thì đánh xuống xã", ông Nhã gợi ý.
Việc tổ chức lại lực lượng chủ công, đại biểu Nhã cho rằng lập Ban chỉ đạo Trung ương do Tổng bí thư đứng đầu là cần thiết để lãnh đạo cuộc chiến này. Song, bàn về lực lượng trực tiếp "tác chiến", vị đại biểu này bày tỏ ủng hộ ý kiến cho rằng đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm chống tham nhũng. Chỉ tập trung vào điều tra các tội là tội tham ô, hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Cũng theo đề xuất của đại biểu Nhã thì đây sẽ là một cơ quan độc lập giống như Kiểm toán Nhà nước. Chỉ tập trung xử lý tố giác tội phạm tham nhũng, có thể điều động hoặc nhận biệt phái các điều tra viên trong các cơ quan tư pháp khác.
"Các điều tra viên, trinh sát viên phải được độc lập trong phòng chống tham nhũng. Họ có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có nhiệm vụ quyền hạn cung cấp thông tin và các yêu cầu của họ buộc phải được thi hành, có thể lập văn phòng ở tại địa phương, thậm chí tại các cơ quan dễ xảy ra tham nhũng và độc lập từ ngân sách nhà nước", ông Nhã nhấn mạnh.
Đề nghị tiếp theo được ông đưa ra là khi ban hành nghị quyết về công tác tư pháp thì Quốc hội nên yêu cầu các cơ quan tư pháp không xử án treo, án xét xử không giam giữ với bất kỳ vụ án tham nhũng nào. Đồng thời không tha trước thời hạn cho bất cứ đối tượng tham nhũng nào.
“Xin Quốc hội hãy tỏ rõ thái độ không chỉ bằng lời nói”, đại biểu Nhã kết thúc 7 phút phát biểu.
Vẫn thái độ “tuyên chiến” với tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị phải thu hồi được tất cả mọi tài sản từ tham ô, đừng để họ nghĩ là có thể "hy sinh đời bố củng cố đời con".
“Từ những nhiệm kỳ trước, tôi đã chất vấn về tỷ lệ thu hồi được từ các vụ án tham nhũng mà bản án đã có hiệu lực pháp luật đạt được bao nhiêu phần trăm trên tổng số vụ việc số tài sản bị tham nhũng. Đáng tiếc thay, cho đến nay đã 3 nhiệm kỳ sắp trôi qua, tôi chưa hề nhận được con số trả lời cụ thể nào từ cá nhân hay đơn vị có thẩm quyền”, nữ đại biểu phàn nàn.
“Dân gian nói, đi đêm có ngày gặp ma, nhưng đối tượng tham nhũng đã tính toán hết đường đi nước bước, từ liên doanh trong nội bộ, liên thông liên kết từ dưới lên trên. Khi bị phát hiện họ thực hiện 3 chạy: chạy án, chạy tội, chạy tù”. Sau một loạt phân tích, đại biểu Khá dùng hình ảnh “mưa đã có ô, lạnh đã có áo” để dẫn chiếu cho các quan ngại của mình.
Ngày 2/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012.
Đều sốt ruột cao độ trước kết quả hết sức khiêm tốn của công tác phòng chống tham nhũng, mỗi vị đại biểu ở phiên thảo luận này dường như đều nỗ lực để tìm cách tiếp cận sâu hơn ở cả xem xét nguyên nhân cũng như đề xuất giải pháp.
“Khi tôi đi tiếp xúc cử tri, cử tri lo lắng, hoài nghi bức xúc, nhất là các chú cán bộ hưu trí nói trước đây Chính phủ, Nhà nước quản lý điều hành các tổng công ty, tập đoàn còn hiện nay hình như là ngược lại, các tổng công ty, tập đoàn điều hành lại Chính phủ, Nhà nước và việc phòng, chống tham nhũng chủ yếu chỉ là hình thức”, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) phát biểu.
Cũng phản ánh bức xúc của nhân dân trước tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) quả quyết, “cử tri bức xúc cho rằng đây là quốc nạn, là nguy cơ lớn đối với đất nước, cần phải diệt chứ không phòng chống gì nữa”.
Theo nhận xét của đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) thì cơ quan chống tham nhũng đang bị chia cắt, yếu ớt. Ông Nam đề nghị Quốc hội phải có cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng.
Đề cập quy định mới về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, có thể chuyển cơ quan này về Đảng nhưng phải có một lực lượng điều tra chuyên trách về chống tham nhũng, độc lập cả với công an, như thành lập ủy ban điều tra chống tham nhũng để “bắt những ông lớn”. “Con mèo nó ăn miếng mỡ thì đã bắt được rồi, còn con cọp bắt con heo thì chưa ai bắt được”, đại biểu Thuyền phát biểu.
Đại biểu Trần Đình Nhã phân tích, để đấu tranh trực diện với tội phạm về tham nhũng, nhà nước đã tổ chức cả một bộ máy cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra hùng hậu. Năm qua, tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ, trong đó số hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm khoảng 34%.
“Nếu chỉ nhìn vào số liệu nói trên sẽ thấy nghịch lý là tội phạm tham nhũng ở Việt Nam chỉ xét xử được chừng ấy, lại toàn loại án nhẹ nhưng tại sao chỗ nào cũng bức xúc về tham nhũng. Hay do ta đang bôi đen, thổi phồng tình hình tham nhũng. Nhưng tôi không nghĩ thế, Chính phủ cũng không nghĩ thế khi Chính phủ báo cáo Quốc hội số vụ điều tra, phát hiện chưa tương xứng với thực tế”, ông Nhã nói tiếp.
Theo ông, tham nhũng đang thách thức nhà nước, nhân dân đánh vào tình cảm, danh dự của nhân dân, đang “buộc chúng ta phải tuyên chiến”. Nhưng “cuộc chiến chưa xảy ra hoặc nếu xảy ra thì cũng chưa đáng kể lắm vì chưa có ai thương vong gì nhiều. Tôi đề nghị Quốc hội nên bàn và có phương án tác chiến cụ thể hơn”, vị đại biểu Thừa Thiên - Huế mạnh mẽ bày tỏ quan điểm.
Với suy nghĩ muốn chống tham nhũng, phải thay đổi cách đánh và người đánh, đại biểu Nhã đề nghị phải xem tham nhũng như tội xâm phạm an ninh quốc gia.
"Chống một kẻ nội gián, một kẻ khủng bố như thế nào thì cũng phải được phép áp dụng như vậy để điều tra chống tham nhũng. Đánh tham nhũng phải đánh từ ngoài vào, đánh từ trên xuống, cấp trung ương sẽ đánh tham nhũng ở cấp tỉnh, tỉnh đánh xuống huyện, huyện thì đánh xuống xã", ông Nhã gợi ý.
Việc tổ chức lại lực lượng chủ công, đại biểu Nhã cho rằng lập Ban chỉ đạo Trung ương do Tổng bí thư đứng đầu là cần thiết để lãnh đạo cuộc chiến này. Song, bàn về lực lượng trực tiếp "tác chiến", vị đại biểu này bày tỏ ủng hộ ý kiến cho rằng đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm chống tham nhũng. Chỉ tập trung vào điều tra các tội là tội tham ô, hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Cũng theo đề xuất của đại biểu Nhã thì đây sẽ là một cơ quan độc lập giống như Kiểm toán Nhà nước. Chỉ tập trung xử lý tố giác tội phạm tham nhũng, có thể điều động hoặc nhận biệt phái các điều tra viên trong các cơ quan tư pháp khác.
"Các điều tra viên, trinh sát viên phải được độc lập trong phòng chống tham nhũng. Họ có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có nhiệm vụ quyền hạn cung cấp thông tin và các yêu cầu của họ buộc phải được thi hành, có thể lập văn phòng ở tại địa phương, thậm chí tại các cơ quan dễ xảy ra tham nhũng và độc lập từ ngân sách nhà nước", ông Nhã nhấn mạnh.
Đề nghị tiếp theo được ông đưa ra là khi ban hành nghị quyết về công tác tư pháp thì Quốc hội nên yêu cầu các cơ quan tư pháp không xử án treo, án xét xử không giam giữ với bất kỳ vụ án tham nhũng nào. Đồng thời không tha trước thời hạn cho bất cứ đối tượng tham nhũng nào.
“Xin Quốc hội hãy tỏ rõ thái độ không chỉ bằng lời nói”, đại biểu Nhã kết thúc 7 phút phát biểu.
Vẫn thái độ “tuyên chiến” với tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị phải thu hồi được tất cả mọi tài sản từ tham ô, đừng để họ nghĩ là có thể "hy sinh đời bố củng cố đời con".
“Từ những nhiệm kỳ trước, tôi đã chất vấn về tỷ lệ thu hồi được từ các vụ án tham nhũng mà bản án đã có hiệu lực pháp luật đạt được bao nhiêu phần trăm trên tổng số vụ việc số tài sản bị tham nhũng. Đáng tiếc thay, cho đến nay đã 3 nhiệm kỳ sắp trôi qua, tôi chưa hề nhận được con số trả lời cụ thể nào từ cá nhân hay đơn vị có thẩm quyền”, nữ đại biểu phàn nàn.
“Dân gian nói, đi đêm có ngày gặp ma, nhưng đối tượng tham nhũng đã tính toán hết đường đi nước bước, từ liên doanh trong nội bộ, liên thông liên kết từ dưới lên trên. Khi bị phát hiện họ thực hiện 3 chạy: chạy án, chạy tội, chạy tù”. Sau một loạt phân tích, đại biểu Khá dùng hình ảnh “mưa đã có ô, lạnh đã có áo” để dẫn chiếu cho các quan ngại của mình.
Ngày 2/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012.