Chủ động ứng phó với hậu quả tiêu cực của tin giả
Tin giả (fake news) đã xuất hiện từ lâu nhưng với sự phát triển bùng nổ của Internet và mạng xã hội, vấn nạn này ngày càng nảy nở, không những đe dọa đến đến hoạt động của doanh nghiệp, cá nhân mà còn có sức công phá nền kinh tế, đe dọa an toàn an ninh của cả quốc gia...
Một doanh nghiệp thực phẩm đang kinh doanh bình thường nhưng vào “một ngày đẹp trời” bỗng có một ai đó tung tin sản phẩm của doanh nghiệp này chứa chất có thể gây ung thư. Ngay lập tức việc cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp có thể chịu ảnh hưởng, khách hàng có thể ngừng mua, ngừng nhập hàng...
Một ví dụ điển hình nữa là chủ doanh nghiệp đồn bị bắt hoặc bị bệnh tật. Những tin tức kiểu này luôn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có thể làm cả một doanh nghiệp sụp đổ.
TIN GIẢ- HIỂM HỌA THẬT
Đánh giá về thực trạng vấn đề tin giả và những hậu quả gây ra, tại tọa đàm về bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng những tin đồn về tình hình kinh doanh, về người đứng đầu doanh nghiệp hay là những thông tin sai lệch xuất hiện lan tràn trên không gian mạng, lập tức khiến doanh nghiệp lĩnh hậu quả ngay. Cổ phiếu của doanh nghiệp xuống giá, ngân hàng mà doanh nghiệp đang vay lập tức phải tìm hiểu ngay về “sức khỏe” của đơn vị, thậm chí có thể đình trệ hợp đồng tín dụng, và hoạt động nhiều đối tác có thể bị ảnh hưởng.
Đáng ngại hơn, nhiều lúc doanh nghiệp đối đầu với tin giả như đối đầu với “bóng ma”. Trước đây, nếu nguồn gốc tin giả có thể biết là được một tờ báo, một địa điểm nào hay một người cung cấp tin nhưng hiện nay với mạng xã hội, từng doanh nghiệp sẽ rất khó biết tin giả từ đâu ra, vì cái gì, liên quan đến ai?
Tin giả nhưng hậu quả rất thật. Theo ông Tuấn, tác động, ảnh hưởng của tin giả đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất khủng khiếp, có thể làm cho một doanh nghiệp sụp đổ.
Chia sẻ nhận định này, ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán VNDirect, cho hay trong giai đoạn vừa qua, khi thị trường chứng khoán rất xấu thì bản thân VNDirect cũng chịu rất nhiều thông tin sai lệch về hoạt động kinh doanh, hoạt động tư vấn cho khách hàng và các thông tin khác. Các tin giả, tin đồn ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp. Những thông tin sai lệch sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng, đến uy tín với các đối tác. Ngân hàng có thể dừng hạn mức của công ty chứng khoán hoặc là khách hàng có thể chuyển hết tài khoản đi,...
Từ thực tế hành nghề, hỗ trợ doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH luật Hừng Đông, cho biết có những vụ doanh nghiệp bị thiệt hại nặng bởi lô hàng đã đặt trước, đã chuyển tiền và đang trên đường từ quốc tế về thì có tin tung ra là sản phẩm không bảo đảm sức khỏe. Điều này gây ra nhiều hệ lụy nặng nề và gần như doanh nghiệp phá sản.
Trước những rủi ro tin giả, đại diện VNDirect cho biết doanh nghiệp đã chọn cách đối mặt trực tiếp, truyền thông lại thông qua các hình thức có thể gửi email, trao đổi trực tiếp và quan trọng nhất là truyền thông đến nhân viên, các đối tác của mình.
MINH BẠCH VÀ CHỦ ĐỘNG THÔNG TIN
Đối với những thông tin sai lệch có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp, tác động tới cảm xúc của nhà đầu tư, doanh nghiệp đã chọn cách liên hệ trực tiếp ngay khi có thông tin sai lệch để trao đổi, tư vấn, giải thích.
Trong kỷ nguyên số, khi tốc độ lan truyền thông tin trên các mạng xã hội nhanh như hiện nay, để giải bài toán này triệt để cần sự phối hợp chặt chẽ, giải pháp đồng bộ, tổng thể nhằm điều chỉnh hành vi, thay đổi nhận thức của cả người đưa tin đến người chịu ảnh hưởng của thông tin, người đọc, người tiếp nhận thông tin, qua đó giúp giảm thiểu tin giả.
Theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, tương tác là mấu chốt của truyền thông hiện đại. Nguyên lý truyền thông trong thời đại số là tính minh bạch, chủ động nói với công chúng ngay cả khi những điều họ chưa quan tâm. Về mặt công nghệ, chúng ta có thể đo lường được sắp tới mọi người sẽ quan tâm tới vấn đề gì, lo lắng vì tin đồn gì và chủ động nói trước. Các cơ quan, doanh nghiệp, phải chủ động đưa ra thông tin ngay khi đo lường sức nóng vấn đề. Khi để công chúng băn khoăn, lo lắng đi tìm hiểu rồi mới trả lời, tức là chúng ta đi sau truyền thông và khó lấy lại niềm tin.
Với VNDirect, cổ đông trong công ty, khách hàng, các đối tác, mỗi người sẽ cần có nhu cầu thông tin khác nhau. Nếu có một chiến lược truyền thông thay đổi chủ động, tích cực, minh bạch thì tin đồn sẽ ít đất sống.
Trong ứng phó với tin giả hiện nay, các doanh nghiệp chưa thực sự có sự chuẩn bị mà đang ở thế đi “chữa bệnh hơn là phòng bệnh”.
Chia sẻ quan điểm này, đại diện VCCI cho rằng tin đồn có nhiều nguyên nhân, nhiều đất sống. Người đạo diễn tin đồn có thể có mục tiêu gì đó nhưng chủ yếu là do thiếu thông tin. Chúng ta có thể xóa tin đồn, tin giả bằng cách phải có nhiều tin thật.
Tuy nhiên, một số cơ quan, doanh nghiệp chưa thực sự có chiến lược truyền thông tốt, chưa thực sự cởi mở với báo chí truyền thông, chưa chủ động cung cấp thông tin về mình.
Do đó, các cơ quan cần phản ứng nhanh hơn đồng thời phải có người chuyên trong lĩnh vực này và đưa ra những phản ứng kịp thời. Khi có thông tin tốt, thông tin đúng nguồn được đưa ra nhanh nhất thì hậu quả của tin đồn sẽ giảm.
Về mặt dài hạn cần có đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp, cho người dân, thậm chí hỗ trợ cho chính các cơ quan nhà nước về cách thức, kỹ năng và kinh nghiệm xử lý tin đồn.
Từ góc độ cơ quan quản lý, theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp cần kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để đấu tranh với các tin đồn, tin giả. Trước hết, doanh nghiệp phải có bộ phận truyền thông hoạt động của công ty và đính chính tin đồn ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Thực tế cho thấy doanh nghiệp chưa chủ động và chỉ khi nào có khủng hoảng truyền thông mới bắt đầu đi xử lý nên lúc nào cũng chậm. Do đó, doanh nghiệp phải có kế hoạch bài bản về truyền thông và luôn đi trước một bước là dự báo, dự đoán vấn đề về liên quan. Ví dụ, khi xuất hiện tin đồn một loạt các công ty chứng khoán, bất động sản, trái phiếu thì chỉ tin liên quan đến công ty nào, công ty đó mới làm. Còn các công ty khác, ngay cả khi cơ quan quản lý đã dự báo, yêu cầu phải chuẩn bị thông tin kịp thời để trấn an dư luận cũng không đơn vị nào làm.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 47 phát hành ngày 21-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam