Báo chí giữ vai trò chủ lực trong cuộc chiến chống tin giả
Báo chí và người làm báo có vai trò xung kích, ở tuyến đầu, giữ vai trò chủ lực trong cuộc chiến chống tin giả. Vì tin giả có ở khắp nơi, nhưng ngày nay chủ yếu tin giả hoành hành trong môi trường mạng xã hội bên cạnh môi trường dư luận xã hội và tin đồn...
"Báo chí và người làm báo có vai trò xung kích, ở tuyến đầu, giữ vai trò chủ lực… trong cuộc chiến chống tin giả. Để nắn dòng thông tin sai lệch, lấn át tin giả trước bối cảnh lượng thông tin trên mạng xã hội hàng ngày rất lớn và lan truyền chóng mặt như hiện nay".
Nhà báo Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ với VnEconomy nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021) như vậy. Ông Dung cho rằng, nhà báo nên thực hiện phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, cung cấp thông tin chính thống một cách kịp thời, mạnh mẽ; đồng thời dùng chiến thuật “pha loãng” thông tin giả bằng cách đẩy thật nhanh, thật nhiều thông tin chính thống lên mạng…
Với sự phát triển của công nghệ, Internet và mạng xã hội, người dân có thể tiếp cận các thông tin nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin có ích, công chúng hàng ngày phải đối mặt với tin giả, tin xấu độc (Fake News) được ví như “một loại virus” lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt..., ông đánh giá thế nào về vấn nạn tin giả hiện nay? Tin giả đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng thế nào với xã hội?
Tôi cho rằng, tin giả là vấn đề của các quốc gia, vấn đề toàn cầu chứ không riêng của Việt Nam. Đó không chỉ là những thông tin lừa đảo thông thường, hay thông tin gây hoang mang trong đời sống mà tin giả mang tính chính trị xuất hiện ngày càng nhiều. Hậu quả kinh tế và chia rẽ xã hội là rõ ràng. Một khảo sát của Ủy ban châu Âu năm 2018 cho thấy, 83% công dân châu Âu cảm thấy tin giả, nhất là tin giả chính trị là mối nguy hiểm lớn cho việc sống còn của nền dân chủ.
Tin giả đúng là “một loại virus” gây ra thứ bệnh rất khó chữa cho xã hội, cho nhân loại. Đó là bệnh hoài nghi, do dự, mất niềm tin, xã hội nhiễu loạn, mất phương hướng… Thiệt hại của nó nhiều khi không thể đo đếm được và tác động đến mọi mặt đời sống. Việc sản xuất, lan truyền và sử dụng tin giả làm “vũ khí”, vừa gây nhiễu loạn thông tin, chia rẽ xã hội sâu sắc và gây nên những hậu quả kinh tế khôn lường.
Nghiên cứu của Công ty an ninh mạng CHEQ và Đại học Baltimore ước tính, nạn tin giả trực tuyến hiện gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 78 tỷ USD mỗi năm.
Hậu quả dễ thấy đối với xã hội là tin giả thao túng xã hội, làm con người thậm chí không tin vào sự thật, không tin vào những điều vốn đã là đức tin, làm mất đi động lực sống chân chính, lành mạnh, mất đi cả chỗ dựa tinh thần trong cộng đồng.
Tin giả gây nên tâm lý hoang mang trong xã hội trước một vấn đề đang cần sự thống nhất tư tưởng; hoang mang trước một việc chưa rõ đúng- sai cần xã hội phân xử, thậm chí hoang mang, hiểu sai trước một việc mà chính quyền đang trong quá trình giải quyết, xử lý; gây khó khăn cho chính quyền, cho cộng đồng, khi cần có tiếng nói thống nhất. Tin giả có thể nhắm vào một cá nhân, một tổ chức, một cộng đồng với nhiều mục đich khác nhau: nói xấu, làm mất uy tín, hạ bệ nhau, gây thiệt hại về kinh tế, gây chia rẽ xã hội, gây bất đồng về chính trị.
Đặc biệt, trong xã hội Việt Nam, tin giả còn nhắm vào các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội, nhắm vào các đồng chí lãnh đạo các cấp, nhằm làm lung lạc niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, với chế độ.
Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo tin giả, xử lý các trường hợp tung tin giả, nhưng vì sao tình trạng này vẫn diễn ra phức tạp? Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do đâu? Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?
Theo tôi, tin giả vẫn diễn ra phức tạp vì nó không hiện hình, khó phân biệt, len lỏi mọi nơi, mọi lúc, cả công khai và giấu mặt, cả thô sơ và hiện đại, cả trực tiếp và gián tiếp… Tin giả lan truyền ngày càng rộng, phương thức hoạt động khó nắm bắt trên cả truyền thông chính thống và trên mạng xã hội.
Tin giả vẫn có “đất sống” ở những nơi, những người có động cơ cá nhân với nhiều mục đích: thích nổi tiếng, để bán hàng, để kích động, bôi nhọ, nói xấu, để gây thiệt hại kinh tế cho đối thủ, trả thù cá nhân,…
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã cảnh báo, xử lý các trường hợp tung tin giả, nhưng tin giả vẫn diễn ra một cách phức tạp. Nguyên nhân là do việc “truy vết” để xử lý tin giả không hề dễ dàng về kỹ thuật. Các mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Youtube đều chưa có giải pháp thỏa đáng về công nghệ để kiểm soát tin giả.
Đặc biệt, việc xử phạt hành vi tung tin giả chưa đủ sức răn đe. Tin giả vẫn có “đất sống” ở những nơi, những người có động cơ cá nhân với nhiều mục đích: thích nổi tiếng, để bán hàng, để kích động, bôi nhọ, nói xấu, để gây thiệt hại kinh tế cho đối thủ, trả thù cá nhân,… Lợi dụng nền tảng mạng xã hội, chủ thể sản xuất tin giả có khả năng bóp méo sản phẩm thông tin chính thống từ các phương tiện truyền thông đại chúng và lợi dụng những “khoảng trống thông tin” để gây tác động.
Do tác hại của tin giả nhiều khi khó nhận biết, khó phân biệt thật- giả, hậu quả không dễ nhìn thấy, không rõ ràng, không phải ngay lập tức; thậm chí ai cũng nghĩ chẳng liên quan đến mình…, nên công chúng ít đề phòng, dễ bỏ qua.
Để ngăn chặn tình trạng này, tôi cho rằng, trước hết người tiếp nhận thông tin tự nâng sức “đề kháng” trước sự tấn công của tin giả, không tiếp tay lan truyền tin giả. Thứ hai, hệ thống báo chí, truyền thông chuyên nghiệp mà trực tiếp là các nhà báo cần nghiêm túc áp dụng nguyên tắc không bỏ trống trận địa thông tin cho tin giả và nguyên tắc xác minh có trách nhiệm đối với tất cả các thông tin; cảnh giác trước mọi tin tức không rõ nguồn hoặc nguồn tin không đáng tin cậy. Thứ ba là phải có ngay thông tin phản bác, làm rõ, định hướng dư luận kịp thời. Thứ tư cần có chế tài đủ mạnh, xử phạt thật nghiêm để cảnh báo, răn đe, ngăn chặn…
Xin nói thêm, nhiều nước đã có những chiến lược chống lại tin giả. Singapore có luật chống tin giả mang tên Đạo luật Bảo vệ khỏi sự giả dối và thao túng trên mạng (POFMA) có hiệu lực từ tháng 10/2019. Khi phát hiện thông tin sai hoặc không chính xác; nếu người dùng không tuân thủ, Singapore sẽ làm việc với Facebook để thực hiện gỡ bỏ các bài viết trên.
Theo ông, các cơ quan báo chí và những người làm báo đóng vai trò như thế nào trong cuộc chiến chống tin giả? Những người làm báo cần làm gì để đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn và không bị “mắc bẫy” tin giả; từ đó cung cấp những thông tin chính xác, kịp thời, chất lượng tới người đọc, để nắn dòng thông tin sai lệch, lấn át tin giả, lấy lại niềm tin độc giả trước bối cảnh lượng thông tin trên mạng xã hội hàng ngày rất lớn và có tốc độ lan truyền chóng mặt như hiện nay?
Báo chí và người làm báo có vai trò xung kích, ở tuyến đầu, giữ vai trò chủ lực trong cuộc chiến chống tin giả. Vì tin giả có ở khắp nơi, nhưng ngày nay chủ yếu tin giả hoành hành trong môi trường mạng xã hội bên cạnh môi trường dư luận xã hội và tin đồn.
Người làm báo có vũ khí sắc bén là ngòi bút chuyên nghiệp, là tờ báo trong tay, có sức lan tỏa nhanh, mạnh, rộng khắp, tức thì. Báo chí có cả lực lượng hùng hậu có tổ chức chặt chẽ, có kỉ luật, kĩ năng, hiểu biết, có trách nhiệm xã hội, sự dấn thân, lòng yêu nghề và đạo đức nghề nghiệp. Điều quan trọng nhất là đội ngũ nhà báo có chuyên môn, có trình độ và kĩ năng chuyên nghiệp trong khai thác, xử lí thông tin, trong tổ chức thông tin, sản xuất sản phẩm truyền thông phù hợp và có phương thức truyền tải có hiệu quả nhất.
Người làm báo có vũ khí sắc bén là ngòi bút chuyên nghiệp, là tờ báo trong tay, có sức lan tỏa nhanh, mạnh, rộng khắp, tức thì. Báo chí có cả lực lượng hùng hậu có tổ chức chặt chẽ, có kỉ luật, kĩ năng, hiểu biết, có trách nhiệm xã hội, sự dấn thân, lòng yêu nghề và đạo đức nghề nghiệp.
Theo tôi, để đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn và không bị “mắc bẫy” tin giả; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, nhanh chóng, chất lượng tới người đọc, nhà báo cần luôn luôn học hỏi, trau dồi kiến thức mọi mặt, nhất là thái độ thận trọng, cảnh giác trước mọi thông tin không rõ nguồn gốc, thông tin “không bình thường”; đồng thời có kiến thức xã hội để tự “đề kháng” với tin xấu, độc, tin giả; có kiến thức để thẩm định, sàng lọc tin tức giả và biết mình phải viết gì, làm gì để ngăn chặn, phản bác, đấu tranh, định hướng dư luận.
Để nắn dòng thông tin sai lệch, lấn át tin giả, lấy lại niềm tin độc giả trước bối cảnh lượng thông tin trên mạng xã hội hàng ngày rất lớn và có tốc độ lan truyền chóng mặt như hiện nay, nhà báo nên thực hiện phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, cung cấp thông tin chính thống một cách kịp thời, mạnh mẽ để lấn át tin giả; dùng chiến thuật “pha loãng” thông tin giả bằng cách đẩy thật nhanh, thật nhiều thông tin chính thống lên mạng… Mỗi lĩnh vực, nên mời một vài chuyên gia sẵn sàng lên tiếng phản bác kịp thời, có uy tín, có sức thuyết phục công chúng…
Hội Nhà báo, Ban Nghiệp vụ Hội đã và đang hỗ trợ các hội viên của mình như thế nào trong cuộc chiến chống lại tin giả Fake News, nắn dòng thông tin sai lệch để cung cấp nguồn tin tin cậy cho người đọc trong bối cảnh thông tin mạng xã hội bùng nổ hiện nay...?
Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Nghiệp vụ Hội đã và đang hỗ trợ các hội viên cả nước trong việc này bằng việc mở các chuyên đề, khóa tập huấn, các hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ về nhận diện tin giả, tác hại của vấn nạn tin giả, tác động tiêu cực tới hoạt động báo chí, vai trò của báo chí và trách nhiệm của nhà báo trong chống tin giả; kĩ năng nhận biết, cảnh báo, sàng lọc, thẩm định tin tức, ngăn chặn tin giả; kĩ năng sáng tạo tác phẩm báo chí phù hợp để chống lại tin giả.
Chúng tôi cho rằng, ngoài những quy định chặt chẽ về công tác tuyên truyền, để chống tin giả, cần có nguồn đầu tư cho các cơ quan báo chí chủ lực và nâng cao sức đề kháng tin giả cho công chúng để tự miễn dịch. Và nên nhớ rằng, tin giả không thể nào biến mất.