Chủ tịch TTC AgriS làm việc vì lợi ích của 91% cổ đông và nhà đầu tư
Trong bối cảnh Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS) (HOSE: SBT) đang thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế và nhiều định chế tài chính lớn, bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT công ty khẳng định sẽ đảm bảo công bằng và minh bạch cho cổ đông, nhà đầu tư và các bên liên quan...
“HÀNH XỬ CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ PHẢI CÔNG BẰNG VÀ MINH BẠCH”
Niên độ 2023-2024, TTC AgriS đạt doanh thu kỷ lục trên 29.000 tỷ đồng, cao nhất trong các công ty nông nghiệp Việt Nam. Kế tiếp, kết thúc quý 1 niên độ 2024-2025, kết quả kinh doanh lại tiếp tục tăng trưởng tốt. Sản lượng đường dự kiến đạt 344.000 tấn, tăng 31.400 tấn so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 40.000 tấn và MNC tăng 14.000 tấn.
Tổng doanh thu tăng 474 tỷ đồng, tương đương 7%, lợi nhuận dự kiến đạt 260 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ và đạt gần 30% kế hoạch năm. Biên lợi nhuận gộp dự báo đạt 12,38%, tăng 1,43% so với cùng kỳ. Đặc biệt, doanh thu mảng FBMC đạt 132 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng gấp 3 lần cùng kỳ.
Nhiều tổ chức quốc tế liên tục tiếp cận TTC AgriS để đặt vấn đề đầu tư và hợp tác phát triển, đơn cử như cơ quan phát triển kinh tế Singapore EDB, Ngân hàng UOB, tập đoàn tài chính SACE, ING Bank, IFC và hàng loạt các nhà đầu tư quốc tế khác.
Hiện đang có 5 quỹ ngoại nắm giữ 22,62% sở hữu TTC AgriS. Cụ thể là Legendary Venture Fund vừa tăng tỉ lệ lên gấp đôi, Brilliant Solution Inc., VanEck Vietnam ETF, Phillip Securities (Thailand), Legal & General ICAV (Ireland), và hàng trăm nhà đầu tư. Khởi điểm, quỹ ngoại chỉ nắm 6%, nhưng con số này đã dần tăng trưởng đến nay là 22,62%. TTC AgriS cho biết đang trong quá trình thương thuyết để cho phép nhóm này tăng tỉ lệ sở hữu lên đến trên 35%. Nguồn vốn này chủ yếu sẽ được đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp bền vững của công ty.
Các con số này cho thấy TTC AgriS đang được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá rất cao mô hình kinh tế nông nghiệp, định hướng chiến lược và các kết quả thực thi của công ty này.
ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG, MINH BẠCH ĐỐI VỚI CỔ ĐÔNG, NHÀ ĐẦU TƯ VÀ CÁC BÊN LIÊN QUAN
Hàng loạt sự kiện tích cực trên diễn ra trong ba tháng lên “ghế nóng” Chủ tịch Hội đồng quản trị của bà Đặng Huỳnh Ức My, người vừa nhận danh hiệu “Doanh nhân xuất sắc châu Á” lần thứ 3 liên tiếp của Asia Pacific Enterprise Awards (APEA).
Bà My cho biết: “Nhiều nhà đầu tư quốc tế và các định chế tài chính hàng đầu trong nước và thế giới đã tham gia vào TTC AgriS. Do đó, tôi phải tập trung kiên quyết hơn, ít thoả hiệp hơn, bằng cách triệt để thực hành tốt các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp hiện đại, tránh việc lạm dụng vị thế của cổ đông lớn, nếu có, trong các giao dịch với người liên quan. Nhằm đảm bảo tất cả những hành xử của hội đồng quản trị phải công bằng và minh bạch đối với cổ đông, nhà đầu tư, nhà nông, người lao động, các định chế tài chính và các đối tác”.
Hiện nay, TTC AgriS thuộc top 10 doanh nghiệp Quản trị công ty tốt nhất - Nhóm vốn hóa lớn, và Top 5 Hội đồng Quản trị trong Diễn đàn Quản trị Công ty từ năm 2023. Công ty đã áp dụng các chuẩn mực quốc tế tiên tiến như Báo cáo Tích hợp IIRC, Thẻ điểm Quản trị Công ty khu vực ASEAN, Quy tắc QTCT của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, Bộ tiêu chuẩn về Báo cáo Phát triển bền vững toàn cầu GRI,… đây là nền tảng cơ bản để công ty đảm bảo sự công bằng, minh bạch.
“Tuy nhiên, tôi cũng cần làm rõ quan điểm cá nhân trong các quyết định có ảnh hưởng của tỉ lệ biểu quyết. Tôi chỉ có 9% lợi ích cá nhân, nhưng được sự tín nhiệm, cùng các thành viên HĐQT được đề cử, tôi sẽ làm việc vì lợi ích cho 91% cổ đông còn lại và các bên liên quan, tất nhiên quyết định cao nhất vẫn sẽ thuộc về đại hội đồng cổ đông. Do đó, tôi sẽ tập trung hơn nữa vào tính khách quan và minh bạch trong hoạt động quản trị, để TTC AgriS tiệm cận với tiêu chuẩn cao nhất của thế giới, vì đây là điểm mấu chốt để tăng cường niềm tin cho cổ đông và thị trường”, Chủ tịch TTC AgriS tuyên bố.
THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ ĐỘC LẬP: NHÂN TỐ GIỮ KHÁCH QUAN VÀ MINH BẠCH
Để thực hiện được điều này trong quản trị công ty hiện đại, cần có sự hiện diện của các thành viên HĐQT độc lập. Cấu trúc tổ chức và phẩm chất của thành viên là điểm mấu chốt để HĐQT hoạt động độc lập và khách quan, đảm bảo tính hiệu quả, giảm thiểu rủi ro của việc quản lý theo kiểu gia đình, đảm bảo rằng các quyết định đều dựa trên sự công bằng cho toàn bộ cổ đông và các bên liên quan.
Bà My cho biết: “Công ty sẽ mời thêm các chuyên gia có năng lực, nhiều kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức, từng là thành viên độc lập của các doanh nghiệp hàng đầu về hiệu quả và uy tín trên thị trường tham gia vào HĐQT. Tuỳ vào thế mạnh chuyên môn, các thành viên này sẽ được phân bổ vào các Ủy ban trọng yếu như Ủy ban Chiến lược, Uỷ ban kiểm toán, Uỷ ban nhân sự, Uỷ ban Phát triển bền vững,… để tham mưu và biểu quyết cho các quyết định của Hội đồng quản trị. Tất cả đều phải hướng đến chuẩn mực quốc tế và các thông lệ tốt nhất trên thị trường.”
TTC AgriS được bố trí 2 đại diện pháp luật, nắm giữ bởi Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Với sự phân quyền và trách nhiệm rõ ràng, sự cân bằng này giúp quá trình ra quyết định của doanh nghiệp có đa dạng góc nhìn, được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo minh bạch, từ đó nâng cao tính chính xác trong các quyết định chiến lược, giảm thiểu rủi ro, tăng cường tốc độ triển khai và hiệu quả thực thi các hành động chiến lược cho công ty.