23:05 08/04/2010

Chưa thông qua Luật Thủ đô tại kỳ họp Quốc hội thứ bảy

Nguyễn Lê

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp báo cáo Quốc hội cho điều chỉnh việc thông qua dự Luật Thủ đô tại hai kỳ họp

Luật Thủ đô được kỳ vọng là "cơ sở pháp lý quan trọng" để xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch, hiện đại trong tình hình mới.
Luật Thủ đô được kỳ vọng là "cơ sở pháp lý quan trọng" để xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch, hiện đại trong tình hình mới.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp báo cáo Quốc hội cho điều chỉnh việc thông qua dự Luật Thủ đô tại hai kỳ họp, thay vì xem xét thông qua ngay kỳ họp tới như đề nghị ban đầu.

Tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ (tháng 2/2010) Chính phủ đã có tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự án án luật này tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2010). Vì, việc Quốc hội xem xét thông qua Luật Thủ đô trong thời gian chuẩn bị Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ có "ý nghĩa rất lớn" về mặt chính trị và tinh thần đối với đất nước ta, và là "cơ sở pháp lý quan trọng" để xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch, hiện đại trong tình hình mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung dự án Luật Thủ đô vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010. Tuy nhiên, đề nghị thông qua dự luật này ngay tại kỳ họp tới chưa nhận được sự đồng tình cao.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc xem xét thông qua dự án luật này tại một kỳ họp là không khả thi. Bởi, dự thảo luật còn có những vấn đề chưa phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, thể hiện ở các quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, về ngân sách và một số cơ chế đặc thù…

Ngày 8/4/2010, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về dự án Luật Thủ đô.

Thủ tướng đánh giá, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp và UBND thành phố Hà Nội dùng các bộ, ngành có liên quan đã có nhiều cố gắng trong việc soạn thảo dự án Luật Thủ đô. Tuy nhiên, đây là một dự án luật rất đặc thù, quy định tổng hợp nhiều vấn đề, nhưng thời gian soạn thảo chưa nhiều, việc chuẩn bị có nhiều khó khăn nên chất lượng dự thảo còn hạn chế.

Để nâng cao chất lượng của dự thảo luật, Bộ Tư pháp cần tiếp thu các ý kiến đóng góp, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự  thảo, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Hà Nội có được những ưu tiên hợp lý, cụ thể và phát huy được những lợi thế của mình để phát triển, đồng thời bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của hệ thống pháp luật, sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ trưởng sắp xếp thời gian đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Thủ đô và Chính phủ sẽ xem xét dự án luật này sau khi đã hoàn thiện, đảm bảo chất lượng và có được sự đồng thuận cao.