09:37 17/01/2021

Chứng khoán 2021 vẫn dựa vào dòng vốn rẻ và lực lượng F0?

Đào Vũ

Mặc dù tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp niêm yết sàn HOSE đang trên 15%, cao hơn so với khu vực nhưng định giá P/E lại thấp hơn

Ngược lại với những khó khăn của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán Việt Nam năm vừa qua vẫn phục hồi mạnh mẽ. Vậy xu hướng này có còn tiếp tục trong năm 2021?

CHỮ "V THẦN KỲ"

Phát biểu tại hội thảo Triển vọng kinh tế tài chính 2021-2015, ông Trần Anh Thắng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng, mặc dù kinh tế vĩ mô có khó khăn nhưng đối với riêng thị trường chứng khoán, năm 2020 lại là năm thăng hoa, diễn biến với chữ “V thần kỳ”.

Cụ thể, thị trường mở đầu năm với 990 điểm. Khi bệnh nhânh 17 xuất hiện, thị trường phải chứng kiến những phiên bán tháo, nhiều mã cổ phiếu thường xuyên trong tình trạng trắng bên mua. 

Tuy nhiên, thị trường đã phục hồi mạnh mẽ theo hình chữ V, để rồi chỉ số VN-Index vượt 1.100 điểm, đạt 1103,87 điểm, tăng mạnh tới 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020 (ngày 24/3/2020, đóng cửa ở mức 659,21 điểm), tăng 14,9% so với thời điểm cuối năm 2019.

Ông Thắng đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi lại với 5 dấu ấn trong năm vừa qua. 

Thứ nhất, nhờ chính sách thúc đẩy kinh tế kịp thời, dịch bệnh được kiểm soát tốt và dòng tiền các nhà đầu tư mới (F0) nên thị trường có mức tăng trưởng về giá đáng kể, khoảng 61,7%. Nhìn chung, những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao và tham gia vào thị trường hồi tháng 3/2020 hầu hết đã có mức lợi nhuận từ 20% trở lên.

Thứ hai, thanh khoản tạo kỷ lục. Trung bình mỗi phiên có khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng và 401,3 triệu đơn vị. Thậm chí, riêng trong tháng cuối năm, thanh khoản trung bình mỗi phiên lên tới 14,8 nghìn tỷ đồng.

Thứ ba, trong tháng 12/2020 ghi nhận số tài khoản chứng khoán cá nhân đã mở mới 63.075 tài khoản, tăng hơn 53% so với tháng 11 và cũng là mức cao nhất trong lịch sử của thị trường. Luỹ kế cả năm 2020, nhà đầu tư cá nhân mở mới khoảng 392.000 tài khoản chứng khoán, hơn gấp đôi so với năm 2019.

Thứ tư, vốn hoá của thị trường vẫn đạt 4,1 triệu tỷ đồng, tương đương 84,3% GDP. Và thứ năm, Việt Nam trở thành thị trường lớn nhất rổ MSCI FM với tỷ trọng 30,64%.

Về định giá của VN-Index, ông Thắng cho rằng vẫn tương đối hấp dẫn do tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp niêm yết sàn HOSE đang trên 15%, cao hơn so với khu vực nhưng định giá P/E lại thấp hơn. Trong đó, P/E của Malaysia hiện ở mức khoảng 32 lần, Lào 33 lần, Thái Lan 25 lần.

THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VẪN SẼ LÀ BỆ ĐỠ

Cũng tại hội thảo trên, TS.Cấn Văn Lực cho biết, sang năm 2021, Chính phủ tiếp tục thực hiện mục tiêu kép là phòng dịch và phục hồi kinh tế - xã hội. Theo đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; CPI khoảng 4%; xuất khẩu tăng 4-5%; đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 34,5% GDP.

Để đạt mục tiêu này, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ đang thực hiện và gói hỗ trợ ngành hàng không; giữ vững ổn định kinh tê vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Ngoài ra, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là về giao thông, năng lượng và đô thị lớn, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Chính phủ cũng sẽ tìm kiếm, phát huy các động lực tăng trưởng mới/bổ sung: thúc đẩy xuất khẩu các thị trường còn tiềm năng, giải ngân đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân, tận dụng cơ hội thu hút có sàng lọc FDI, kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển kinh tế số, kinh doanh số và chính phủ điện tử.

Trên cơ sở đó, TS.Cấn Văn Lực cho rằng, năm 2021 nhiều khả năng kinh tế sẽ phục hồi khá mạnh. Mặt khác, ông cũng cho rằng, thị trường chứng khoán lại phản ánh khá rõ nét diễn biến của nền kinh tế.

Có cùng chung ý kiến nhưng nhìn ở góc độ công ty chứng khoán, ông Thắng cho biết, hiện có rất nhiều yếu tố đang hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Trong đó, dòng tiền nội, nhất là từ các nhà đầu tư cá nhân "F0", được dự báo sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ thị trường chứng khoán nhờ môi trường lãi suất thấp. Điều này cộng hưởng với việc đồng USD suy yếu có thể kích thích dòng tiền ngoại chảy vào các thị trường mới nổi, cận biên, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, tín hiệu tích cực từ chính sách như việc áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi hay kỳ vọng vào lộ trình nâng cấp hệ thống, triển khai giao dịch trong ngày, thay đổi về tỷ lệ ký quỹ... cũng sẽ tạo xung lực cho thị trường đi lên.

Ông Thắng đưa ra hai kịch bản với thị trường chứng khoán Việt Nam 2021. Tại kịch bản 1 với lộ trình vắc xin, EPS toàn thị trường tăng trưởng tốt trên 18%, chỉ số có thể đạt 1.250 điểm. Kịch bản 2 với những rủi ro mới tác động, EPS tăng 15-16%, chỉ số có thể điều chỉnh về 950 điểm và dao động trong khoảng 950 - 1.000 điểm.

Chia sẻ thêm về quan điểm đầu tư, ông Thắng nhận định các ngành bất động sản, cảng biển, cao su tự nhiên, dầu khí, tiêu dùng, bán lẻ, thép, điện, thủy sản, dệt may, vật liệu xây dựng và công nghệ có triển vọng tích cực. Triển vọng trung bình dành cho các ngành hàng không, vận tải, dược, phân bón, săm lốp, đường, chứng khoán và ngân hàng.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị các nhà đầu tư Việt Nam cần lưu ý lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro. Do đó, nhà đầu tư cần xác định rõ mục đích đầu tư, đồng thời đa dạng hóa danh mục đầu tư.

"Nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy quá nhiều ở giai đoạn hiện tại, tránh đầu tư theo tâm lý bầy đàn, theo phong trào và hãy là nhà đầu tư thông thái", ông Lực nhấn mạnh.