08:55 13/12/2007

Chứng khoán đảo chiều, liệu có bền vững?

Hồng Kỳ

Liệu sự điều chỉnh đi lên của thị trường có bền vững hay chỉ tạm thời khi mà áp lực của Chỉ thị 03 và đợt IPO Vietcombank gần kề?

Báo cáo của WB đã tác động tốt đến thị trường.
Báo cáo của WB đã tác động tốt đến thị trường.
Báo cáo cập nhật về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) với những tín hiệu tích cực: “chỉ số P/E của cổ phiếu Việt Nam là không quá cao, và Việt Nam là một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh” đã tác động tốt đến thị trường chứng khoán; mặt khác, sau nhiều phiên “rơi tự do”, thị trường đã điều chỉnh đi lên.

Liệu sự điều chỉnh của thị trường có bền vững hay chỉ tạm thời khi mà áp lực của Chỉ thị 03 và đợt IPO Vietcombank gần kề?

Hàng loạt các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 12/12 đã tăng giá trở lại. Sự điều chỉnh này là điều tất yếu khi thị trường liên tục tụt dốc trong thời gian vừa qua, cho dù bị tác động bởi nhiều nguyên nhân khách quan.

Mặt khác, cuối năm là thời điểm các Công ty công bố kết quả hoạt động, phát cổ phiếu thưởng, chia cổ tức..., và trong số 130 công ty đang niêm yết trên thị trường, nhiều công ty đã hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm, hoặc chí ít cũng hoàn thành 90% kế hoạch.

Một số ít công ty có mức lợi nhuận giảm trong tháng 10 và 11 vừa qua do giá cả nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng, trong khi giá cả đầu ra vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, nhiều khả năng các công ty này sẽ đạt và vượt kế hoạch năm khi đã thông báo tăng giá bán sản phẩm (đầu ra) để cân đối lợi nhuận. Hơn nữa, theo giới chuyên môn, sau khi giảm liên tục trong thời gian qua, giá nhiều cổ phiếu đang ở mức khá hấp dẫn để “gom” vào.

Đúng như dự đoán, thị trường chứng khoán chính thức đã “quay đầu” trong bối cảnh một số cổ phiếu, đặc biệt là các “gương mặt” lớn như DMP, FPT, PPC, PVD, SJS, SSI... tăng giá. Theo thống kê từ HOSE, có 73/130 mã tăng giá, 24 mã giảm giá và 33 mã đứng giá.

Tuy nhiên, sự tăng giá này vẫn khá thận trọng, chỉ dao động ở mức 100 - 3.000 đồng/cổ phiếu, ngoại trừ cổ phiếu BMC. Thông tin về lợi nhuận 11 tháng đạt 162,72% (đạt 39,9 tỷ đồng) và doanh thu đạt 150,72% kế hoạch năm (đạt 104 tỷ đồng) đã khiến giá của BMC đã tăng mạnh 13.000 đồng lên 354.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, DPM của Đạm Phú Mỹ chỉ tăng 1.500 đồng lên 74.500 đồng với 581.180 cổ phiếu khớp lệnh; FPT và HPG cùng tăng nhẹ 1.000 đồng lên lần lượt là 227.000 đồng và 94.000 đồng với 329.220 và 307.780 cổ phiếu khớp lệnh...

Lên sàn đúng vào phiên thị trường điều chỉnh tăng, DCC được ví như cổ phiếu “cứu nguy” cho thị trường khi tăng 7.000 đồng so với giá tham chiếu ban đầu lên 69.000 đồng với 326.340 cổ phần được chuyển nhượng.

Ngược lại, trong nhóm giảm giá, cổ phiếu PVT tiếp tục làm nhà đầu tư thất vọng khi giảm sàn 4.500 đồng xuống 87.000 đồng/cổ phiếu với 123.290 cổ phiếu được chuyển nhượng. Ngoài PVT, các cổ phiếu giảm giá còn lại chỉ giảm trong mức từ 100-3.000 đồng/cổ phiếu.

Rút kinh nghiệm thị trường trong thời gian vừa qua, nhà đầu tư đã thận trọng hơn trong việc mua bán cổ phiếu do tâm lý e ngại thị trường không thể phục hồi mạnh, do đó kết thúc PGD chỉ số VN-Index chỉ tăng 5,28 điểm, lên 946,32 điểm. Khối lượng và giá trị giao dịch vẫn ở mức khá thấp, chỉ có 7,87 triệu đơn vị được chuyển nhượng với giá trị đạt 730 tỷ đồng.

Khác với sàn Tp.HCM, chỉ số HASTC-Index của sàn Hà Nội có phiên giảm thứ 6 liên tiếp, mất 1,27 điểm, xuống còn 328,64 điểm. Tuy nhiên, khối lượng và giá trị giao dịch tại sàn này đã tăng với hơn 3,48 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tương đương 358,78 tỷ đồng giá trị.