08:57 27/02/2019

Chứng khoán Mỹ giảm điểm dù Chủ tịch FED vẫn hứa “kiên nhẫn”

Bình Minh

Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm nhẹ sau phiên giao dịch giằng co vào ngày thứ Ba

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm nhẹ sau phiên giao dịch giằng co vào ngày thứ Ba, khi giới đầu tư đánh giá các số liệu kinh tế trái chiều và chờ đợi có những thông tin rõ ràng hơn về vấn đề thương mại Mỹ-Trung.

Hãng tin Reuters cho biết, thống kê yếu hơn thực tế về thị trường nhà đất Mỹ trái ngược với một báo cáo khả quan về niềm tin người tiêu dùng. Trong khi đó, Home Depot trở thành một trong số cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào sự đi xuống của chỉ số S&P 500, sau khi công ty bán lẻ các mặt hàng nâng cấp nhà cửa công bố kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng của Phố Wall.

Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell nói rằng FED sẽ "kiên nhẫn" trong việc quyết định nâng thêm lãi suất trong năm nay. Ông Powell cũng nói rủi ro gia tăng và những dữ liệu xấu đi gần đây sẽ không ngăn kinh tế Mỹ có được sự tăng trưởng vững trong 2019.

Mấy tuần trở lại đây, chứng khoán Mỹ liên tục đi lên nhờ sự lạc quan của nhà đầu tư về khả năng Mỹ-Trung đạt một thỏa thuận thương mại và những tín hiệu mềm mỏng hơn từ FED. So với mức đóng cửa cao kỷ lục hồi tháng 9, S&P 500 hiện chỉ thấp hơn chưa đến 5%.

"Sau khi thị trường đã tăng lên đến mức này, giới đầu tư đang trở nên thận trọng hơn. Họ đang chờ mức giá cổ phiếu tốt hơn hoặc những tin tức tốt hơn", ông Michael O’Rourke, chiến lược gia trưởng thuộc JonesTrading, nhận xét.

Theo vị chiến lược gia, thị trường đang mong có những thông tin cụ thể hơn về quan hệ thương mại Mỹ-Trung, sau khi Tổng thống Donald Trump hôm Chủ nhật tuyên bố hoãn kế hoạch tăng thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc. Vào hôm thứ Hai, ông Trump cũng đề cập đến khả năng sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ký một thỏa thuận thương mại song phương.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,13%, còn 26.057,98 điểm. S&P 500 hạ 0,08%, còn 2.793,9 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,07%, còn 7.549,3 điểm.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 7 nhóm kết thúc phiên trong trạng thái giảm, trong đó giảm mạnh nhất là nhóm công nghiệp với mức giảm 0,3%.

Đóng góp nhiều nhất vào sự đi xuống của S&P 500 phiên này là cổ phiếu JPMorgan Chase, với mức giảm 0,8%, sau khi nhà băng cảnh báo về chi phí gia tăng ở mảng tiền gửi và sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,29 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,56 lần.

Có tổng cộng 7,05 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,3 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.