Xu hướng bảo hộ thép gia tăng toàn cầu: Lợi nhuận doanh nghiệp thép trông chờ vào đâu?
Trên thị trường quốc tế, thép Việt Nam cũng phải đối mặt với các biện pháp bảo hộ mạnh hơn từ các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ tăng thuế thép từ 25% lên 50% từ tháng 6 và châu Âu áp thuế nhập khẩu cũng như hạn ngạch đối với HRC, CRC và các loại thép khác.

Mặc dù nhu cầu thép trên toàn cầu sụt giảm, nhu cầu thép nội địa vẫn tăng mạnh 11% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2025, theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam – VSA.
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và thép dẹt bao gồm tôn mạ và ống thép lần lượt tăng 10% và 3% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ của thép cuộn cán nóng (HRC) cũng tăng 12% so với cùng kỳ nhờ việc áp thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu.
Kênh tiêu thụ nội địa có thể duy trì tăng trưởng tích cực nhờ thị trường bất động sản phục hồi và đẩy mạnh đầu tư công. Các động thái chính sách đã giúp lĩnh vực bất động sản phục hồi trong năm nay, với số lượng dự án được phê duyệt trong Q1/2025 tăng 36% so với cùng kỳ và tổng số căn hộ được phê duyệt tăng 61% so với cùng kỳ, trong khi số căn hộ được cấp phép bán tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ.
Nhận định về triển vọng ngành thép 6 tháng cuối năm 2025, SSI Research cho rằng giá thép dự kiến sẽ cần thời gian để phục hồi do sự phục hồi chậm của thị trường Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng thép của các doanh nghiệp sản xuất thép Trung Quốc đã giảm 6,9% so với cùng kỳ trong tháng 5/2025, xuống còn 86,55 triệu tấn. Lũy kế từ đầu năm, sản lượng thép thô của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2025 giảm 1,7% so với cùng kỳ.
Mặc dù sản lượng giảm trong ngắn hạn, ngành thép Trung Quốc vẫn dư cung trong dài hạn, do nền kinh tế hiện còn yếu và nguồn cung bất động sản dư thừa. Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch tái cấu trúc ngành thép từ tháng 3/2025, các điều khoản cụ thể và khối lượng cắt giảm vẫn chưa được công bố.
Vào ngày 4/7/2025, thuế chống bán phá giá chính thức đối với thép cuộn cán nóng (HRC) đã được công bố, với ít thay đổi so với kết quả sơ bộ trước đó. Mức thuế này sẽ có hiệu lực trong tối đa 5 năm, mang lại sự hỗ trợ ổn định cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Các biện pháp chống bán phá giá tương tự đối với tôn mạ dự kiến sẽ được hoàn tất trong nửa cuối năm 2025, sau giai đoạn rà soát sơ bộ.

Các biện pháp này sẽ củng cố hàng rào bảo hộ và góp phần mở rộng biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Những diễn biến này tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất thép nội địa, giúp cải thiện thị phần và lợi nhuận.
Tuy nhiên, trên thị trường quốc tế, thép Việt Nam cũng phải đối mặt với các biện pháp bảo hộ mạnh hơn từ các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ tăng thuế thép từ 25% lên 50% từ tháng 6 và châu Âu áp thuế nhập khẩu cũng như hạn ngạch đối với HRC, CRC và các loại thép khác. Trước bối cảnh thay đổi mạnh mẽ này, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường tập trung vào thị trường nội địa.
Triển vọng lợi nhuận của ngành vẫn tích cực, chủ yếu được thúc đẩy bởi kết quả khả quan của Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Trong nửa cuối năm 2025, HPG dự kiến sẽ vận hành giai đoạn 1 của Dung Quất 2 ở công suất tối đa sau giai đoạn thử nghiệm, và bắt đầu vận hành giai đoạn 2 vào giữa Q3/2025. Với các biện pháp bảo hộ thương mại đang được áp dụng, dự báo HPG sẽ cải thiện đáng kể về sản lượng và biên lợi nhuận, giúp lợi nhuận sau thuế ước tính tăng 63% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2025.
Bên cạnh đó, Chính phủ thúc đẩy khu vực tư nhân cung cấp thép chuyên dụng cho các dự án hạ tầng trọng điểm theo tinh thần Nghị quyết 68, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp thép nâng mức độ sản xuất lên các sản phẩm kỹ thuật cao hơn trong chuỗi giá trị.
Các doanh nghiệp sản xuất thép chất lượng cao trong nước (như HPG) sẽ có cơ hội tham gia và cung cấp thép cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam của Việt Nam (tổng vốn đầu tư ước tính 67 tỷ USD). HPG đã bắt đầu xây dựng nhà máy thép hình chất lượng cao, dự kiến hoàn thành vào năm 2027, nhằm sản xuất các sản phẩm thép chuyên dụng cho đường sắt.
Trên cơ sở đó, SSI Research tiếp tục đánh giá HPG là cổ phiếu ưa thích trong ngành, được hỗ trợ bởi kế hoạch mở rộng công suất mạnh mẽ và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong giai đoạn 2025–2026.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ như Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Thép Nam Kim (NKG), SSI Research duy trì quan điểm thận trọng hơn. Thị trường nội địa ngày càng cạnh tranh, và biên lợi nhuận có khả năng bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào tăng cao. Về dài hạn, lo ngại về sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong phân khúc tôn mạ nội địa, do rào cản xuất khẩu tăng và kế hoạch mở rộng công suất của các doanh nghiệp lớn như NKG và GDA.
Các kế hoạch mở rộng này dự kiến sẽ bổ sung thêm 1,5 triệu tấn mỗi năm, nâng tổng công suất nội địa lên 8,7 triệu tấn – tăng 20% so với công suất hiện nay. Với sản lượng tiêu thụ nội địa năm 2024 của tôn mạ và ống thép chỉ đạt khoảng 8 triệu tấn, ngành thép Việt Nam có thể đối mặt với tình trạng dư thừa công suất khoảng 10%, từ đó gây áp lực lên biên lợi nhuận.