Chứng khoán Mỹ giảm tuần thứ hai liên tiếp, giá dầu tăng 7 tuần không nghỉ
“Nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm sự nhất quán trong các số liệu kinh tế, nhưng họ chỉ nhận được những kết quả không đồng nhất. Điều này chắc chắn sẽ làm gia tăng mức độ biến động của thị trường trong thời gian tới”...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (11/8), với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq hoàn tất tuần giảm điểm thứ hai liên tục. Giá dầu thô tăng nhờ dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu cao kỷ lục, kéo dài chuỗi tuần tăng lên 7 tuần.
Mức giảm mạnh nhất trong phiên này thuộc về Nasdaq, do cổ phiếu chip như AMD, Nvidia và Micron đồng loạt bị bán mạnh. Lúc đóng cửa, chỉ số công nghệ này giảm 0,6%, còn 13.644,85 điểm. Trong một chỉ báo cho thấy áp lực giảm đè nặng lên cổ phiếu chip, quỹ VanEck Semiconductor ETF chuyên cổ phiếu chip giảm 5,2% trong tuần này, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2022.
S&P 500 giảm 0,1%, chốt ở mức 4.464,05 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones tăng 105,25 điểm, tương đương tăng 0,3%, chốt ở 35.281,4 điểm, nhờ hai cổ phiếu Chevron và Merck đạt mức tăng tương ứng 2,1% và 1,8%.
Tính cả tuần, S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 0,3% và 1,9%. Đây là tuần giảm thứ hai liên tiếp của cả hai chỉ số, và là chuỗi tuần giảm dài nhất của Nasdaq kể từ đợt giảm 4 tuần vào tháng 12/2022. Riêng Dow Jones tăng trong tuần này, với mức tăng 0,6%.
Nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall đã có nhiều lý do để lạc quan trong tuần này. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái là 3,2%, yếu hơn so với mức dự báo tăng 3,3% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Tuy nhiên, CPI lõi - thước đo không bao gồm hai nhóm hàng hoá có mức độ biến động lớn là thực phẩm và năng lượng - tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu này cho thấy lạm phát còn dai dẳng, nên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm dừng chiến dịch tăng lãi suất nhưng sẽ không sớm chuyển sang cắt giảm lãi suất.
Số liệu công bố hôm thứ Sáu khiến bức tranh lạm phát ở Mỹ thêm phần phức tạp, từ đó khiến triển vọng chính sách tiền tệ của Fed trở nên bấp bênh hơn. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn so với mức tăng 0,2% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm mạnh trong nửa đầu năm nay, trước khi chuyển sang trạng thái giằng co và không có xu hướng rõ rệt trong thời gian gần đây. Nếu tính từ đầu tháng 8 tới nay, cả ba chỉ số đều đang giảm.
“Nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm sự nhất quán trong các số liệu kinh tế, nhưng họ chỉ nhận được những kết quả không đồng nhất. Điều này chắc chắn sẽ làm gia tăng mức độ biến động của thị trường trong thời gian tới”, CEO Greg Bassuk của AXS Investments nhận định.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,19 USD/thùng, tương đương tăng 0,22%, chốt ở 86,59 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,22 USD/thùng, tương đương tăng 0,27%, chốt ở 83,05 USD/thùng.
Cả tuần này, giá mỗi loại dầu tăng khoảng 0,5%, đánh dấu tuần tăng thứ 7 liên tiếp - chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2022.
Chất xúc tác cho phiên tăng giá này của dầu là một báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đạt kỷ lục trong khi nguồn cung dầu thắt chặt. Trong báo cáo hàng tháng, định chế có trụ sở ở Paris, Pháp ước tính nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới đạt kỷ lục 103 triệu thùng/ngày trong tháng 6 vừa qua và có thể lập thêm một đỉnh cao mới trong tháng này.
Trong khi đó, việc Saudi Arabia và Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu có thể dẫn tới giảm mạnh lượng tồn kho dầu trên toàn cầu trong thời gian còn lại của năm nay. Theo IEA, đây là một nhân tố có thể đẩy giá dầu lên cao hơn.
Hôm thứ Năm tuần này, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng thêm 2,44 triệu thùng/ngày trong năm nay, không thay đổi so với dự báo trước. OPEC cho rằng thị trường dầu sẽ có được một trạng thái lành mạnh, nghĩa là không có sự chênh lệch lớn về cung-cầu, trong nửa sau của năm nay.
Nhà phân tích Craig Erlam của Oanda nhận định rằng việc cắt giảm sản lượng dầu và triển vọng kinh tế khởi sắc đã giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư trên thị trường dầu. Tuy nhiên, ông Erlam nói rằng đà tăng của giá dầu đang yếu đi vì xu hướng tăng đã kéo dài. Tuần này, giá dầu WTI đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái và giá dầu Brent cao nhất kể từ tháng 1 năm nay.
Lần gần đây nhất giá dầu Brent tăng 7 tuần liên tiếp là vào tháng 1-2/2022, trước khi xảy ra cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Mức tăng của giá dầu trong tuần này hạn chế vì sức ép từ một vài số liệu kinh tế kém khả quan của Trung Quốc. Dữ liệu hải quan của nước này cho thấy nhập khẩu dầu thô tháng 7 tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm so với mức của tháng 6. Ngoài ra, cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tháng 7 của Trung Quốc cùng giảm mạnh hơn so với dự báo - một dấu hiệu ảm đạm về tình trạng sức khoẻ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và kinh tế toàn cầu.