08:59 09/08/2023

Bị Fitch hạ điểm tín nhiệm, Mỹ liệu có thay đổi thói quen ngân sách công?

An Huy

Động thái cắt giảm định hạng tín nhiệm quốc gia mà tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings đưa ra mới đây đối với Mỹ là một lời cảnh tỉnh gay gắt đối với các thói quen tranh cãi quá nhiều, chi tiêu quá nhiều, và cắt giảm thuế quá nhiều của nước này - theo tờ Wall Street Journal...

Toà nhà Quốc hội Mỹ ở Capitol Hill - Ảnh: Reuters.
Toà nhà Quốc hội Mỹ ở Capitol Hill - Ảnh: Reuters.

Nhưng tờ báo này cũng cho rằng hai đảng Cộng hoà và Dân chủ của Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ cả ba thói quen đó.

Fitch đã hạ điểm tín nhiệm đối với Chính phủ Mỹ vào hôm 1/8 và điều này rất có thể sẽ chỉ làm tăng thêm mâu thuẫn giữa hai đảng - nhân tố mà Fitch cho là làm gia tăng những mối quan ngại về khả năng của nước Mỹ trong việc giải quyết khoản thâm hụt ngân sách ngày càng lớn thêm. Và trong lúc Quốc hội Mỹ chuẩn bị lên kế hoạch chi tiêu cho năm tài khoá tới, hai đảng không hề xem xét các chính sách nhằm giải quyết một cách thực sự vấn đề thâm hụt, là tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu trong những chương trình lớn như chăm sóc y tế Medicare hay an sinh xã hội Social Security.

“Chẳng có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Quốc hội có ý chí chính trị để xử lý vấn đề về các chương trình hay về nguồn ngân sách cho các chương trình và cho các hạng mục chi tiêu khác của chính phủ. Đó là một chỉ báo rằng những điều tồi tệ hơn sẽ đến nếu chúng ta không lập lại trật tự tài khoá”, Giám đốc phụ trách vấn đề chính sách kinh tế của Trung tâm Chính sách lưỡng đảng (Bipartisan Policy Center), ông Shai Akabas, phát biểu.

NHỮNG KHOẢN TIỀN LÃI KHỔNG LỒ

Giới chức chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định của Fitch, đồng thời không quên đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump đã gây đảo lộn hệ thống chính trị, và khẳng định chính quyền hiện nay đã có nhiều nỗ lực để giảm thâm hụt ngân sách. Những người Cộng hoà thì nói các kế hoạch chi tiêu của phe Dân chủ đã khiến nền kinh tế đi trệch hướng, đẩy mạnh kêu gọi việc cắt giảm những khoản chi tiêu mà Nhà Trắng đến nay vẫn từ chối cắt giảm.

Thế bế tắc chính trị này càng có cơ sở để duy trì khi thị trường tài chính thể hiện phản ứng thờ ơ với việc Washington bị hạ điểm tín nhiệm, và nhà đầu tư trên toàn cầu dường như không thay đổi niềm đam mê bất tận của họ với trái phiếu kho bạc Mỹ. Đã không còn những ngày tháng mà nhà đầu tư trái phiếu đòi hỏi Chính phủ Mỹ giảm thâm hụt ngân sách. Ngay cả khi nước Mỹ bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử vào mùa xuân năm nay, khi hai đảng tranh cãi nảy lửa về việc nâng trần nợ, thì giao dịch trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ với quy mô 25 nghìn tỷ USD hầu như chẳng có bất kỳ một sự suy suyển nào.

 

Chính phủ Mỹ đã chi 131 tỷ USD chỉ để trả lãi trong tài khoá này, tăng 25% so với tài khoá trước. Trong khi đó, thu ngân sách từ thuế đã giảm 11% sau khi tăng mạnh trong năm trước.

Trong báo cáo về việc hạ điểm tín nhiệm của Mỹ, Fitch đề cập đến những dự báo về sự gia tăng thâm hụt ngân sách của Mỹ như một dấu hiệu về triển vọng tài khoá đáng ngại của nước này. Sau khi giảm mạnh trong năm ngoái, chênh lệch giữa thu và chi ngân sách của Washington đã tăng 170% trong 9 tháng đầu năm tài khoá này - theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ tính đến hết tháng 6.

Những nhân tố thúc đẩy sự gia tăng của thâm hụt bao gồm chi phí lãi ròng tăng lên - một sản phẩm phụ của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để chống lạm phát. Chính phủ Mỹ đã chi 131 tỷ USD chỉ để trả lãi trong tài khoá này, tăng 25% so với tài khoá trước. Trong khi đó, thu ngân sách từ thuế đã giảm 11% sau khi tăng mạnh trong năm trước.

Chi phí lãi ròng được dự báo sẽ tăng lên mức tương đương 3,7% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ trong tài khoán 2033 - theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO). Nếu trong dài hạn, nhà đầu tư giảm hào hứng với trái phiếu kho bạc Mỹ vì động thái giảm điểm tín nhiệm của Fitch, chi phí lãi sẽ tiếp tục tăng cao hơn.

Các chương trình Social Security, Medicare, và Medicaid - chiếm tổng cộng khoảng 2/3 chi tiêu liên bang Mỹ - sẽ tiếp tục ngốn nhiều ngân sách hơn theo thời gian khi dân số lão hoá. CBO dự báo chi tiêu cho Social Security sẽ tăng từ 5,1% GDP vào năm 2023 lên 6% GDP vào năm 2033. Chi tiêu cho Medicare, Medicaid và các chương trình y tế bắt buộc khác sẽ tăng từ 5,8% GDP lên 6,6% GDP trong cùng khoảng thời gian.

Một số nghị sỹ Mỹ đã đề xuất ý tưởng cải tổ các chương trình Social Security và Medicare, nhưng chủ đề này nhìn chung vẫn là một “lãnh địa nguy hiểm” đối với cả những người Cộng hoà và Dân chủ mà họ cho rằng việc thay đổi sẽ chẳng khác gì một cuộc “tự sát chính trị”.

Chẳng hạn, trong cuộc tranh luận về nâng trần nợ hồi đầu năm nay, cả hai đảng đều né tránh việc xem xét cắt giảm Social Security hay Medicare. Các chương trình này, vốn mang lại lợi ích cho người cao tuổi và người khuyết tật, rất được lòng dân trong khắp phổ chính trị. Một cuộc hạ điểm tín nhiệm quốc gia có thể là chưa đủ để thay đổi toan tính chính trị đó.

“Tôi không nghĩ là việc giảm điểm tín nhiệm sẽ định hình cách mọi người cảm nhận về nợ nần và thâm hụt. Tất cả chúng ta đều đã biết nước Mỹ có sự mất cân đối dài hạn trong suốt nhiều thập kỷ rồi, và điều đó chẳng hề thay đổi bất kỳ thứ gì”, ông Ben Harris, một cựu chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính Mỹ thời chính quyền ông Biden, nhận định.

TÂM LÝ TỰ MÃN CỦA GIỚI CHỨC MỸ

Quốc hội Mỹ rốt cục kiểu gì cũng phải hành động, nhưng các nghị sỹ có xu hướng đợt tới phút chót thay vì hành động sớm vài năm để giải quyết vấn đề trước khi một thảm hoạ có thể xảy đến. Quỹ uỷ thác của chương trình Social Security sẽ cạn vào năm 2034, đồng nghĩa Chính phủ Mỹ sẽ không thể chi trả đầy đủ như đã cam kết. Quỹ uỷ thác về bảo hiểm y tế của Medicare cũng chỉ có thể đáp ứng đầy đủ các khoản chi trả cho tới năm 2031.

Bởi vậy, các nghị sỹ sẽ phải hành động sớm hơn về vấn đề thuế, tức là ngay từ năm 2025, khi nhiều biện pháp cắt giảm thuế được lòng dân của thời ông Trump dự kiến hết hạn. Fitch dự kiến Quốc hội Mỹ sẽ gia hạn các biện pháp cắt giảm thuế đó, khiến thu ngân sách bị giảm và thâm hụt ngân sách càng thêm trầm trọng.

Các nghị sỹ Dân chủ có thể sẽ tìm cách tăng thuế nhằm mặc cả với phe Cộng hoà về việc gia hạn các kế hoạch cắt giảm chi tiêu nhưng đây có thể sẽ là một việc khó. Phe Dân chủ đã không thành công trong việc xoá bỏ những biện pháp ít được ủng hộ hơn trong chương trình cắt giảm thuế của ông Trump vào năm 2021 - khi Đảng Dân chủ còn kiểm soát cả Quốc hội và Nhà Trắng.

Kế hoạch của chính quyền ông Biden nhằm tăng thuế suất thuế doanh nghiệp, cũng như thuế suất cao nhất của thuế thặng dư vốn và thuế suất thuế thu nhập đã thất bại sau khi vấp phải sự phản đối của những người Dân chủ thuộc phái ôn hoà. Rốt cục, đảng này đã phải chuyển sang những phương thức thay thế, ít truyền thống hơn để tăng thuế doanh nghiệp.

Những thời hạn về lập pháp có thể cuối cùng sẽ khiến Washington phải tìm cách giải quyết vấn đề nợ nần của mình. Nhưng với đồng USD vẫn còn giữ vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới và thị trường tài chính tiếp tục ưa chuộng trái phiếu kho bạc Mỹ, việc Fitch giảm điểm tín nhiệm của Mỹ có thể sẽ không đủ sức để khiến các nhà hoạch định chính sách ở Washington từ bỏ lối đi lâu nay của họ.

“Nước Mỹ có một vị thế thực sự mạnh mẽ, và đó là một đánh giá hợp lý từ phía các nhà đầu tư. Tôi lo ngại rằng đánh giá đó đang nuôi dưỡng sự tự mãn rất có vấn đề từ phía các quan chức được bầu của Mỹ”, ông Michael Strain, Giám đốc phụ trách nghiên cứu chính sách kinh tế của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) - một tổ chức nghiên cứu, nhận định.