Chứng khoán Mỹ tụt khỏi ngưỡng kỷ lục, giá dầu “bốc hơi” hơn 4%
Tuy nhiên, mùa báo cáo tài chính quý 3 khả quan và các yếu tố nền tảng của nền kinh tế duy trì vững có thể giúp thị trường duy trì đà tăng cho tới cuối năm...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (16/10), trượt khỏi mức kỷ lục thiết lập trong phiên trước đó, trong bối cảnh nhà đầu tư có phần dè dặt sau chuỗi phiên lập đỉnh gần đây và nghiền ngẫm về loạt báo cáo tài chính mới nhất. Giá dầu sụt hơn 3 USD/thùng vì triển vọng nhu cầu ảm đạm và khả năng Israel sẽ không tấn công hạ tầng dầu khí của Iran.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 324,8 điểm, tương đương giảm 0,75%, còn 42.740,42 điểm. Trong phiên, có lúc thước đo gồm 30 cổ phiếu blue-chip này đạt một kỷ lục nội phiên mới.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,76%, còn 5.815,26 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,10%, còn 18.315,59 điểm.
Sau khi được mua mạnh trong những phiên gần đây, cổ phiếu công nghệ - đặc biệt là cổ phiếu các hãng chip - bị bán tháo phiên này, trở thành nhóm gây áp lực giảm mạnh nhất lên thị trường. Trong đó, ASML giảm 16% sau khi CEO của công ty cảnh báo về “sự thận trọng” của khách hàng và cho rằng “sự phục hồi đang diễn ra chậm chạp hơn so với dự kiến”. Nvidia và AMD giảm tương ứng 4,7% và 5,2%.
Trong bối cảnh thiếu vắng những số liệu kinh tế quan trọng được công bố, tâm điểm chú ý của giới đầu tư ở Phố Wall đang hướng tới báo cáo tài chính quý 3 của các công ty niêm yết. Trong số 40 công ty thành viên S&P 500 đã công bố báo cáo tính đến thời điểm này, hơn 80% đưa ra mức lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng của giới phân tích - theo dữ liệu từ FactSet.
Lạc quan về mùa báo cáo đã đưa S&P 500 và Dow Jones đạt mức cao kỷ lục trong phiên ngày thứ Hai, trong đó Dow Jones lần đầu tiên chốt phiên trên mức 43.000 điểm.
Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong tháng 10 này và có khả năng giữ được thành quả tăng cho tới hết tháng dù lịch sử cho thấy tháng 10 thường là một tháng xấu hàng năm đối với thị trường.
Chiến lược gia trưởng Terry Sandven của công ty US Bank Wealth Management cho rằng thị trường vẫn chưa qua giai đoạn rủi ro. “Không dễ để thị trường tiếp tục tăng điểm cao hơn. Xu hướng bây giờ là mua cao, bán cao hơn vì S&P 500 đang ở vùng kỷ lục. Ở một mức độ nhất định, thị trường rất có khả năng điều chỉnh”, ông Sandven nói với hãng tin CNBC.
Tuy nhiên, mùa báo cáo tài chính quý 3 khả quan và các yếu tố nền tảng của nền kinh tế duy trì vững có thể giúp thị trường duy trì đà tăng cho tới cuối năm. Mục tiêu của ông Sandven đối với S&P 500 vào cuối năm nay là 6.000 điểm, đồng nghĩa mức tăng 3% so với hiện tại.
Thị trường cũng đang lạc quan hơn về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giảm lãi suất vào tháng 11, dù đặt cược vào mức giảm 0,5 điểm phần trăm không còn. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, khả năng Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tới đang là 97,5% và khả năng Fed không hạ lãi suất là 2,5%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 3,21 USD/thùng, tương đương giảm 4,14%, chốt ở 74,25 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 3,25 USD/thùng, tương đương giảm 4,4%, chốt ở 70,58 USD/thùng.
Trong phiên, có thời điểm giá hai loại dầu cùng giảm khoảng 4 USD/thùng, xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10. Hôm thứ Hai, giá dầu đã giảm khoảng 2%.
“Phần bù rủi ro chiến tranh của giá dầu trong tuần trước đang giảm đi nhanh chóng. Yếu tố tác động mạnh nhất đến giá dầu bây giờ không hẳn là nguồn cung, mà rủi ro đối với nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ dầu”, nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty Price Futures Group nhận định với hãng tin Reuters.
Tuần này, giá dầu Brent và WTI đều đã giảm khoảng 5 USD/thùng, gần như xóa sạch thành quả tăng có được sau khi giới đầu tư trở nên lo lắng về khả năng Israel tấn công hạ tầng dầu khí của Iran để trả đũa vụ Iran tấn công tên lửa vào Israel hôm 1/10.
Theo tin từ tờ báo Washington Post ngày thứ Hai, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói với Mỹ rằng Israel sẵn sàng tấn công các mục tiêu quân sự của Iran nhưng sẽ không nhằm vào hạ tầng hạt nhân hay dầu khí của nước này.
Tuần này, cả Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2024, với Trung Quốc chiếm phần lớn sự cắt giảm đó.
So với IEA, OPEC lạc quan hơn về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay, nhưng theo chuyên gia John Evans của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil, việc OPEC liên tục điều chỉnh giảm dự báo trong 3 tháng trở lại đây cho thấy “sự thừa nhận của OPEC về dự báo lạc quan quá mức trước đó”.
Theo Chủ tịch Andrew Lipow của công ty Lipow Oil Associates, liên minh OPEC+ của OPEC và một số thành viên ngoài khối gồm Nga có thể từ bỏ kế hoạch tăng sản lượng trở lại trong năm nay. “Tôi cho rằng OPEC+ sẽ hoãn việc nâng sản lượng”, ông nói, nhấn mạnh rằng mức giá dầu hiện nay thấp hơn so với những gì mà các nước OPEC+ cần để cân bằng ngân sách quốc gia.