13:18 21/07/2008

Chứng khoán: Tâm lý "bầy đàn" ở Trung Quốc

Kiều Oanh

Hiện nay, tài sản của nhiều hộ gia đình ở Trung Quốc đã tiêu tan tới một nửa vì chứng khoán

Từ cuối năm ngoái tới nay, chỉ số Shanghai Composite đã giảm mất hơn 50% số điểm.
Từ cuối năm ngoái tới nay, chỉ số Shanghai Composite đã giảm mất hơn 50% số điểm.
Trung Quốc là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới nơi mà sự ám ảnh của người dân đối với thị trường chứng khoán thường xuyên được bộc lộ trên đường phố như một thói quen.

Cứ mỗi cuối tuần, trên vỉa hè của đường Quảng Đông gần Quảng trường Nhân dân ở Thượng Hải, hàng trăm nhà đầu tư tập trung để trao đổi bí quyết và quan điểm về chứng khoán.

Một số người tập trung thành từng nhóm nhỏ và thảo luận với vẻ bí mật, trong khi một số khác diễn tả quan điểm của họ bằng cách nói to và vung tay vung chân rất “sinh động”, khiến nhiều người phải chú ý. Nhiều trong số họ là cán bộ hưu trí hoặc mất việc, số khác là công nhân, nhưng không ít nhà đầu tư ở đây có những khoản đầu tư lớn.

“Tôi đã đầu tư 10.000 USD tiền tiết kiệm của gia đình vào chứng khoán”, một người đàn ông tuổi trung niên cho biết.

Khi Chính phủ khuyến khích mua cổ phiếu

Gần đây, tâm trạng của các nhà đầu tư xuất hiện trên con phố này trở nên ảm đạm, cũng giống như tâm trạng của các nhà đầu tư ở New York, London Sao Paulo, Istabul và gần như tất cả các thị trường khác trên thế giới. Tuy nhiên, sự đi xuống của thị trường chứng khoán Trung Quốc là sự đi xuống được coi là đặc biệt, xét về quy mô của sự đi xuống này.

Từ cuối năm ngoái tới nay, chỉ số Shanghai Composite đã giảm mất hơn 50%, từ mức trên 6.000 điểm (với mức điểm này, sàn Thượng Hải sàn giao dịch chứng khoán địa phương lớn thứ hai trên thế giới xét về giá trị vốn hóa thị trường) xuống còn trên 2.800 điểm vào tháng 6. Ngược lại, so với cùng kỳ năm ngoái, Sở Giao dịch Chứng khoán New York chỉ giảm chưa đầy 20%.

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ - đối tượng chiếm 60% thị trường Trung Quốc - đã rời bỏ sàn giao dịch, trong khi nhiều người khác thì vò đầu bứt tai vì chứng khoán cứ mất giá liên tục.

Việc Trung Quốc giải quyết ra sao sự sụt giảm của thị trường chứng khoán có thể có những tác động vượt ra khỏi cộng đồng các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường này. Phần lớn những người mua cổ phiếu ở Trung Quốc đều là những người thuộc tầng lớp trung lưu và những người giàu có - đối tượng mà Trung Quốc và cả phần còn lại của thế giới đang dựa vào nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và lấy lại sự cân bằng cho kinh tế thế giới. Hiện nay, tài sản của nhiều hộ gia đình ở Trung Quốc đã tiêu tan tới một nửa vì chứng khoán, giữa lúc giá cả leo thang và người tiêu dùng đang trở nên thận trọng hơn trong việc tiêu tiền.

Trong khi đó, thị trường vẫn liên tục chao đảo vì thực tế rằng các nhà đầu tư không thể nắm rõ được tình hình doanh nghiệp, chủ yếu do mức độ kiểm soát và can thiệp của Chính phủ đối với thị trường dẫn tới tình trạng thiếu thông tin minh bạch thực sự. Sự mập mờ này cùng với việc nhiều nhà đầu tư vẫn tin rằng Bắc Kinh đến một lúc nào đó sẽ bơm tiền cứu thị trường khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc càng thêm biến động, thậm chí nếu xét ở tiêu chuẩn của một thị trường đang nổi lên.

Có người cho rằng, các nhà đầu tư chứng khoán Trung có thể đã học được nhiều từ những bài học trong quá khứ. Vào cuối thập niên 1990, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã có một thời kỳ lao dốc thảm hại, và sau đó, đến năm 2001, giá cổ phiếu lại tăng vọt. Tiếp đó lại là một thời kỳ sụt giảm mạnh mẽ nữa. Trong 4 năm sau đó, thị trường ngưng trệ.

Tuy nhiên, trong thời gian từ cuối năm 2005 đến tháng 10/2007, chỉ số Shanghai Composite đã tăng 500%, một phần nhờ Chính phủ Trung Quốc thúc đẩy một loạt đợt IPO khổng lồ. Những kinh nghiệm quá khứ chỉ khiến sự tăng vọt này thêm đáng sợ đối với các nhà đầu tư.

Ở phương Tây, sự can thiệp nhiều hơn của chính phủ vào thị trường chứng khoán thường bị coi là đem đến những tác động không tốt. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, các quan chức, giới truyền thông và các ngân hàng thường thiên về xu hướng cường điệu hóa thị trường.

Ban đầu, thị trường chứng khoán Trung Quốc được xây dựng nhằm huy động vốn cho hoạt động cải cách doanh nghiệp quốc doanh vào thập niên 1990. Theo nhà kinh tế học Andy Xie, hiện nay Chính phủ Trung Quốc không chỉ phê duyệt tất cả các đợt IPO mà còn thiết lập giá cổ phiếu được IPO. Theo ông Xie, đây là mô hình cũ.

Cũng theo chuyên gia này, các cơ quan chức năng của Trung Quốc thường thông qua các phương tiện truyền thông để bày tỏ quan điểm về thị trường chứng khoán và khuyến khích người dân mua cổ phiếu. Những câu chuyện trong đó các quỹ đầu tư và thậm chí cả các công ty quốc doanh được hướng dẫn mua vào một cổ phiếu nào đó đã trở thành phổ biến. Các hoạt động giao dịch nội bộ và các dạng thao túng thị trường khác cũng diễn ra phổ biến.

Thực tế rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước bất chấp những hạn chế nói trên một phần lớn là do sự lạc hậu và cô lập tương đối của hệ thống tài chính của nước này. Lãi suất ngân hàng ở Trung Quốc đã ở mức thấp trong nhiều năm, các sản phẩm tài chính có số lượng hạn chế, và người dân Trung Quốc hầu như không có kênh đầu tư nào ra nước ngoài.

Do đó, bất động sản và chứng khoán là hai kênh đầu tư chính mà người Trung Quốc đổ tiền tiết kiệm của họ vào.

Hiện tại, Trung Quốc ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế thế giới và việc thị trường chứng khoán nước này vận hành tốt ngày càng quan trọng hơn, không chỉ đối với bản thân Trung Quốc, mà còn đối với cả thế giới. Trung Quốc hy vọng sẽ thu hút được các quỹ đầu tư quốc tế vào thị trường chứng khoán nước này thông qua một chương trình khởi động cách đây vài năm theo đó các công ty quản lý quỹ nước ngoài được trao địa vị nhà đầu tư thể chế nước ngoài đủ tiêu chuẩn (QFII).

Các quỹ như vậy hiện mới chỉ chiếm có 4% giá trị vốn hóa thị trường của thị trường chứng khoán Trung Quốc, với khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư tính đến năm 2007.

Quan trọng không kém, cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng đã công bố những kế hoạch lớn để đưa Thượng Hải trở thành một trung tâm tài chính quốc tế lớn ở châu Á - Thái Bình Dương, với các thị trường vốn, giao dịch tài chính kỳ hạn và các nghiệp vụ phái sinh. Một thị trường chứng khoán độc lập là điều kiện tiên quyết cho tất cả những kế hoạch này.

Bài học cho các nước khác

Điều gì xảy ra tiếp theo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể là một bài học hoặc một lời cảnh báo đối với các nước đang phát triển.

Chắc chắn, sự phát triển bùng nổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc vào năm ngoái, với chỉ số Shanghai Composite tăng gấp đôi trong vòng 6 tháng, có thể được đưa vào “sách giáo khoa” về sự nguy hiểm của một thị trường chứng khoán còn chưa trưởng thành. Các nhà đầu tư mới đã nhảy vào để giành giật cho mình một phần trong “chiếc bánh” đang “phồng to” rất nhanh này.

Theo ông Victor Yuan, Chủ tịch công ty Horizon chuyên nghiên cứu về thị trường chứng khoán Trung Quốc cho biết, trong hai tháng 5 và 6 năm ngoái, số tài khoản giao dịch chứng khoán ở Trung Quốc đã tăng thêm 40 triệu, từ mức 60 triệu lên mức 100 triệu tài khoản.

Lo ngại bất ổn xã hội có thể xảy ra một khi “bong bóng” này vỡ, cơ quan chức năng của Trung Quốc thậm chí còn “nhắc nhở” các nhà đầu tư rằng, giá cổ phiếu có thể xuống cũng như có thể lên. Ở tỉnh Phúc Kiến, chính quyền địa phương thậm chí còn đưa ra một cảnh báo đặc biệt đối với học sinh cấp 3, yêu cầu đối tượng này không được buôn chứng khoán.

Những cảnh báo này xem ra là quá nhiều, xét đến vai trò của Bắc Kinh trong việc “tiếp lửa” cho sự bùng nổ vừa qua của thị trường chứng khoán bằng cách “thổi phồng” những đợt IPO của một vài trong số những công ty tài chính lớn nhất của nước này. Thậm chí cả khi kinh tế thế giới biến động mạnh trong 18 tháng trở lại đây, Chính phủ Trung Quốc vẫn nới lỏng các quy chế thị trường, cho phép việc giao dịch các cổ phiếu trước đó chưa được giao dịch (nhiều cổ phiếu trong số này do Chính phủ nắm giữ) trong các công ty niêm yết.

Tâm lý phấn khích quá mức của các nhà đầu tư chứng khoán nhỏ lẻ của Trung Quốc vốn nổi tiếng với mức độ sẵn sàng “đánh bạc” ở mức cao càng như “đổ thêm dầu vào lửa”. “Người Trung Quốc có khát vọng làm giàu rất lớn, do đó “bong bóng” trên thị trường chứng khoán nước này có thể hình thành rất nhanh chóng rồi vỡ rất nhanh chóng, có lẽ là nhanh hơn so với ở các quốc gia khác đã từng trải qua một quá trình tương tự”,ông Xie nhận xét.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa phải đối mặt với những làn sóng phản đối diễn ra do sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường chứng khoán như ở các quốc gia khác, chẳng hạn như ở Ấn Độ, các nhà đầu tư chứng khoán đã đổ ra đường phố tại Mumbai vào hồi đầu năm nay để biểu tình do thua lỗ quá nặng. Điều này một phần xuất phát từ lý do các ngân hàng của Trung Quốc không được phép hỗ trợ loại hình giao dịch ký quỹ, trong đó các nhà đầu tư được mượn tiền để mua chứng khoán.

Theo kinh tế gia trưởng Stephen Green của ngân hàng Standard Chartered tại Trung Quốc, biện pháp này giúp hạn chế giá trị tuyệt đối của các khoản thua lỗ mà nhà đầu tư phải chịu. Ở thời kỳ đỉnh cao vào năm ngoái, tổng giá trị của các cổ phiếu được giao dịch trên thị trường Trung Quốc tương đương 36% GDP của nước này, so với mức 109% ở Nhật Bản và 142% ở Mỹ.

Điều này, sự thua lỗ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu có ảnh hưởng nhiều hơn tới hoạt động tiêu dùng ở nước này. Chẳng hạn, doanh số xe hơi tại Trung Quốc, sau khi tăng vọt cùng với sự lên điểm mạnh mẽ của các hàn thử biểu chính trên thị trường chứng khoán vào năm ngoái, gần đây đã tụt dốc.

Để giảm thiểu khả năng xảy ra sự bất bình của giới đầu tư, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp như giảm thuế tem đối với các giao dịch cổ phiếu mới và hứa sẽ tăng cường tính minh bạch của các công ty niêm yết. Mặc dù mang tính can thiệp, các biện pháp này khác xa với các biện pháp thao túng thị trường kiểu cũ. Giới chuyên môn cho rằng, Chính phủ Trung Quốc gần đây đã đi đến một quyết định tỉnh táo nhằm giảm sự can thiệp chính trị vào thị trường chứng khoán.

“Như trước đây, họ có thể khẳng định rằng mọi cổ phiếu đã có lượng đặt mua vượt lượng chào bán. Nhưng hiện nay, tình hình đã khác. Nếu để ý, có thể thấy nhiều cổ phiếu chào bán năm nay có khối lượng đặt mua thấp hơn khối lượng chào bán”, nhà phân tích Paul French ở công ty Access Asia nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, mục đích của những động thái này của các cơ quan chức năng Trung Quốc là để các nhà đầu tư nước ngoài thấy thị trường chứng khoán nước này đang được vận hành nhiều hơn bởi các lực lượng thị trường. Mặc dù để làm được điều này, hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ giá trị cổ phiếu đã và đang “bốc hơi” khỏi cổ phần nhà nước trong các công ty niêm yết.

Nếu những nỗ lực trên đem lại kết quả, đó sẽ là một điều tốt đối với thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư chứng khoán ở nước này, những người bấy lâu vẫn quen với sự kiểm soát của nhà nước, một sự chuyển biến cần phải có thời gian mới xảy ra.

“Chắc chắn thị trường sẽ đi lên vì Olympics sắp khai mạc. Chính phủ sẽ đảm bảo điều này”, một nhà đầu tư trên đường Quảng Đông hào hứng nói.

Rõ ràng, “bong bóng” trong tâm lý của các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn rất khó vỡ.

(Theo Newsweek)