09:18 29/05/2007

Trung Quốc: Cảnh báo “bong bóng” chứng khoán

Trung Việt

Chỉ số chứng khoán CSI 300 của Trung Quốc hiện đã ở mức cao gấp 45 lần thu nhập của các cổ phiếu trên thị trường

Các nhà đầu tư Trung Quốc đang phớt lờ mọi cảnh báo của giới quan sát quốc tế.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đang phớt lờ mọi cảnh báo của giới quan sát quốc tế.
Chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đã liên tiếp lập những kỷ lục mới trong thời gian gần đây. Tuần qua là tuần thứ 10 liên tiếp, thị trường chứng khoán quan trọng nhất của Trung Quốc đã tăng điểm.

Các chuyên gia tỏ ra lo ngại về sự phát triển bong bóng của thị trường chứng khoán Trung Quốc, trong khi đó, các nhà đầu tư chẳng mấy quan tâm những lời cảnh báo về sự rủi ro.

Bất chấp mọi lo ngại về tăng trưởng nóng và sự bi quan của một vài nhà quan sát quốc tế, thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn phát triển mạnh mẽ và tuần qua, trong quãng thời gian rất ngắn, thị trường này lại tăng mạnh lên kỷ lục mới.

Nhà đầu tư bỏ ngoài tai lời cảnh báo

Chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Trung Quốc là Shanghai Composite Index ngày 25/5 đã tăng thêm 28,64 điểm, tương đương 0,69% so với phiên giao dịch liền trước, lên đạt kỷ lục mới 4.179,78 điểm. Điều đáng nói là chỉ số chứng khoán vẫn tăng sau khi các chuyên gia uy tín cảnh báo thị trường đã nóng bất thường. Trong tuần qua, chỉ số CSI 300 đã đạt những kỷ lục mới sau khi tỷ phú người Hồng Kông Li Ka-shing hôm 18-5 nói rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc chắc chắn đang là “một bong bóng”.

Hãng Bloomberg hôm 24/5 đăng bài của hai tác giả Zhang Shidong và Jianguo Jiang nhận định, các nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc, những người từng phớt lờ lời cảnh báo của người giàu nhất châu Á Li Ka-shing và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên về “bong bóng” thị trường chứng khoán nước này, cũng chỉ quan tâm đôi chút tới lời cảnh báo của cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan.

Hôm 24/5, chỉ số chứng khoán CSI 300 giảm chưa đầy 0,5% sau khi ông A. Greenspan nói, sự tăng giá cổ phiếu thời gian qua trên thị trường chứng khoán Trung Quốc là không bền vững và thị trường này có thể “sụt giảm mạnh”. Trong khi đó các cổ phiếu của Trung Quốc giao dịch tại Mỹ ngày 23/5 đã giảm giá sau những lời cảnh báo của ông Greenspan. Ngày 24/5, chỉ số China ADR của Ngân hàng New York đã giảm trong ngày thứ ba liên tiếp, mất 2,6% xuống còn 361,67 điểm vào lúc 4 giờ chiều tại New York.

Chỉ số chứng khoán CSI 300 của Trung Quốc hiện đã ở mức cao gấp 45 lần thu nhập của các cổ phiếu trên thị trường, cao gấp ba lần tỷ lệ này của chỉ số Morgan Stanley Capital International Emerging Markets (chỉ số các thị trường vốn quốc tế đang nổi của hãng Morgan Stanley). Chỉ số chứng khoán Nikkei-255 của Nhật Bản hiện gấp 23 lần, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông gấp 16 lần, và chỉ số S&P 500 của Mỹ gấp 18 lần thu nhập của các cố phiếu trên các thị trường này. Từ đầu năm tới nay, chỉ số CSI 300 đã tăng 92% sau khi tăng hơn gấp đôi vào năm 2006. Việc chỉ số chứng khoán của Trung Quốc tăng một cách bất thường như vậy đã khiến chuyên gia dự báo đợt sụt giảm mạnh của thị trường này.

Kết thúc chuỗi đầu tư nóng sẽ là “nước mắt”

Tại một hội nghị ở Madrid, ông A.Greenspan tham dự qua đường truyền vệ tinh cho biết: “Rõ ràng sẽ có một sự sụt giảm mạnh tại một mức điểm nhất định”. Ông Hung Young, Tổng Giám đốc Công ty Aberdeen Asset Management Asia tại Singapore, đang quản lý 35 tỷ USD, nhận định: Trung Quốc là một thị trường nữa trong số các thị trường đầu cơ và “nóng” kinh điển mà sẽ kết thúc trong “nước mắt”.

Theo báo chí Trung Quốc, đầu tư vào chứng khoán thu hút dân chúng tới mức nó đã gây ra khan hiếm lao động. Trang web Eastday của Chính phủ Trung Quốc ngày 24/4 vừa qua dẫn lời một công ty môi giới việc làm địa phương cho biết, khoảng 10% những người giúp việc tại Thượng Hải đã nghỉ việc bởi vì họ kiếm nhiều tiền hơn nhờ giao dịch cổ phiếu. Wu Ruiling, một nhà đầu tư chứng khoán cho biết, đã kiếm lời 60% từ khoản đầu tư 500 nghìn Nhân dân tệ (tương đương 65.344 USD) nhờ mua các cổ phiếu như cổ phiếu của Ngân hàng Thâm Quyến do Công ty TPG kiểm soát. Cổ phiếu của Ngân hàng Thâm Quyến đã tăng giá 247% trong năm qua.

Các nhà phân tích cho rằng, sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán một phần là do kỳ vọng mức tăng trưởng kinh tế hơn 10% của Trung Quốc sẽ kính thích tăng thu nhập của các doanh nghiệp. Trung Quốc có 17.200 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 2.250 tỷ USD) tiền gửi của các hộ gia đình. Lãi suất của số tiền gửi này chưa bằng tỷ lệ lạm phát, khiến người gửi tiết kiệm chuyển tiền sang đầu tư vào các tài sản sinh lợi cao hơn.

Các nhà quản lý chứng khoán của Trung Quốc ngày 24/5 đã yêu cầu các nhà môi giới đề nghị các nhà đầu tư ký vào một bản tuyên bố rằng họ nhận thức được những nguy cơ khi mở các tài khoản giao dịch chứng khoán. Điều này phản ánh mối lo ngại trước tình trạng số nhà đầu tư chứng khoán thiếu kinh nghiệm ngày càng tăng.

Ngày 18/5 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 2,79% lên mức 3,06% để giúp “làm nguội” đầu tư vào thị trường chứng khoán. Lần đầu tiên, trong tháng này, Chính phủ Trung Quốc đã cho phép các ngân hàng cùa nước này mua cổ phiểu ở nước ngoài, nới lỏng lệnh cấm mà được cho là dẫn đến việc định giá cao do các nhà đầu tư bị giới hạn về những chọn lựa đầu tư.