10:12 21/03/2007

Chứng khoán Trung Quốc: Chính phủ tìm cách chặn rủi ro

Trung Việt

Dân tình đổ xô vào chứng khoán đã khiến thị trường chứng khoán của Trung Quốc nóng lên trong vòng 12 tháng qua

Một nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Thượng Hải - Ảnh: Reuters.
Một nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Thượng Hải - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đi vào hoạt động theo hình thức chuyên nghiệp, trên quy mô lớn, kể từ những năm 1990, khi Trung Quốc thành lập các sở giao dịch chứng khoán ở Thượng Hải và Thâm Quyến.

Khi Trung Quốc thực hiện quốc tế hoá thị trường chứng khoán, kể từ tháng 2/1992, đến nay, với việc phát hành cổ phiếu (cổ phiếu ngoại tệ) nhiều người đã gọi đây là “thời kỳ vàng” của chứng khoán Trung Quốc. Đến nay, đã có 118 công ty (86 ở Thượng Hải và 32 ở Thâm Quyến) phát hành cổ phiếu loại này với trị giá 2 tỷ USD.

Dân Trung Quốc đổ xô vào chứng khoán

Tuy nhiên, với những diễn biến bất thường trên thị trường chứng khoán Trung Quốc thời gian gần đây, nhất là sau vụ chỉ số chứng khoán trên thị trường Thượng Hải, Thâm Quyến sụt 9,2%, tạo nên “Ngày đen tối” của chứng khoán thế giới hôm 27/2 vừa qua, nhiều người cho rằng, “thời kỳ vàng” của chứng khoán Trung Quốc đã đi đến hồi kết và thị trường chứng khoán nước này sắp bước sang một trang mới.

Đến nay, Trung Quốc có khoảng 81 triệu tài khoản giao dịch, so với 61 triệu tài khoản cách đây 6 năm. Riêng trong tháng 1/2007, có đến 341.000 nhà đầu tư, bao gồm các thành phần hưu trí, nội trợ, công chức, sinh viên... mở tài khoản mới. Trước đó một năm, tháng 1/2006, con số này chỉ là 11.000 tài khoản.

Mặc dù hiện mới chỉ có ít hơn 5% dân số Trung Quốc sở hữu chứng khoán, so với hơn 50% như ở Mỹ, nhưng các phòng giao dịch chứng khoán đã chật cứng, các trang web tài chính và chat room trên mạng cũng đồng thời tăng vọt.

Dân tình đổ xô vào chứng khoán đã khiến thị trường chứng khoán của Trung Quốc nóng lên trong vòng 12 tháng qua. Chỉ số các cổ phiếu hạng A tại Thượng Hải đã tăng 120%, ngay cả sau biến động hôm 27/2 khi thị trường sụt giảm mất gần 9%.

Và mặc dù các cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải hiện nay đang được giao dịch ở mức gấp 35 lần thu nhập dự kiến của các công ty trong năm tới (so với 15 lần của các công ty thuộc danh mục S&P 500), người Trung Quốc vẫn tiếp tục lao vào thị trường chứng khoán.

Theo một số ước đoán, các nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 2/3 thị trường. Các chuyên gia phân tích cho rằng, những nhà đầu tư mới chính là lực lượng phong trào có xu hướng ăn theo khi thị trường đi lên. Ở Trung Quốc hiện nay nhiều nhà đầu tư mới cho rằng, chơi chứng khoán là con đường ngắn nhất đi đến sự giàu sang.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên, theo các chuyên gia là do lượng tiền tiết kiệm trong dân của Trung Quốc quá lớn, riêng tiền gửi tiết kiệm của dân trong các ngân hàng hiện đã đạt 16.000 tỷ Nhân dân tệ (hơn 2.000 tỷ USD).

Trong khi đó, dân Trung Quốc có ít lựa chọn sử dụng số tiền này; lãi suất tiền gửi của các ngân hàng nội địa chỉ vào khoảng 2,5% và giá bất động sản tại nhiều thành phố lên quá cao.

Tìm biện pháp chặn rủi ro

Tình trạng trên thị trường có quá nhiều tiền mặt cũng chính là vấn đề Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc (PboC) lo ngại trong năm 2007 này.

Thống đốc PboC Chu Tiểu Xuyên cho rằng, lượng tiền thừa lớn luân chuyển trong nền kinh tế là lý do dẫn đến đầu tư quá nóng và sự phát triển bong bóng trên thị trường chứng khoán.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội hôm 16/3 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng bày tỏ quan tâm sự phát triển của thị trường chứng khoán và nêu 4 giải pháp xây dựng một thị trường vốn lành mạnh là: thứ nhất, nâng cao chất lượng các công ty phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán; thứ hai, xây dựng một hệ thống thị trường chứng khoán công khai, minh bạch; thứ ba, tăng cường quản lý thị trường vốn, đặc biệt là hoàn thiện pháp chế cho thị trường này; thứ tư, chú trọng công bố thông tin kịp thời về thị trường chứng khoán để các nhà đầu tư tăng cường ý thức đề phòng rủi ro.

Chính phủ Trung Quốc cũng vừa thông báo thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm kiểm soát và ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán. Quốc vụ viện nước này đã phê chuẩn việc thành lập cơ quan mới này, theo dự kiến sẽ có sự tham gia của Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương và Phó chánh án Tòa án tối cao.

Chính phủ Trung Quốc cho biết, gần đây có nhiều công ty chưa niêm yết đã phát hành cổ phiếu ra công chúng mặc dù chưa được phép. Các công ty này thường hứa hẹn cổ phiếu của họ sẽ sớm được niêm yết ở trong hoặc ngoài nước.

Sàn chứng khoán tại Thượng Hải và Thâm Quyến cũng vừa đưa ra các quy định quản lý mới nhằm ngăn chặn rủi ro trong các hoạt động này. Quy định mới sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 5 tới, đặt ra nhiều giới hạn đối với các loại hình, cách thức và khối lượng cổ phiếu mà các nhà đầu tư được phép giao dịch nhằm ngăn chặn họ tham gia các hình thức kinh doanh rủi ro vượt quá khả năng của mình.

Hiện đã có rất nhiều cảnh báo về tình trạng “bong bóng” ở thị trường cổ phiếu tại đây. Chỉ số Shanghai Composite Index ở Thượng Hải đã tăng đến 130% trong năm ngoái và tăng đến 10% chỉ trong tháng giêng vừa rồi.