19:24 01/03/2007

Thuần hóa con rồng chứng khoán Trung Quốc

Ở các thị trường bong bóng, các nhà đầu tư có xu hướng nuôi những kỳ vọng không thực tế về triển vọng của các công ty

Cộng đồng các nhà đầu tư địa phương cùng chia sẻ niềm tin vững chắc vào khả năng tăng trưởng không gì ngăn cản nổi của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Cộng đồng các nhà đầu tư địa phương cùng chia sẻ niềm tin vững chắc vào khả năng tăng trưởng không gì ngăn cản nổi của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Các nhà đầu tư đang đổ xô vào chứng khoán Trung Quốc, đẩy giá cổ phiếu lên mức kỷ lục - và nhen nhóm nỗi lo sợ về một vụ nổ bong bóng.

Dù đã 63 tuổi, ông Du Shuzhan, một công chức về hưu ở Bắc Kinh vẫn không ngại thử làm những chuyện mới mẻ. Ông vừa khám phá ra thị trường chứng khoán.

Vài tuần trước ông đem một khoản tiền tương đương 1.500 đô la Mỹ mở một tài khoản giao dịch cổ phiếu, rồi một chiều cuối tháng Giêng ông tới công ty môi giới, đặt lệnh mua cổ phiếu của 7 công ty Trung Quốc. “Tất cả bạn bè tôi đã đầu tư chứng khoán từ năm ngoái. Vợ tôi và tôi cũng quyết định thử thời vận”, ông Du nói.

Ông thú nhận rằng khi phải quyết định nên mua cổ phiếu nào thì ông không có chuyên môn. “Tôi không biết nhiều. Tôi chỉ chọn những cái giá thấp”. Nhưng ông tin mình làm tốt. “Tất cả tiền bạc đều đổ vào thị trường, tôi không thấy làm sao nó có thể sụp đổ được”.

Cộng đồng các nhà đầu tư địa phương cùng chia sẻ niềm tin vững chắc vào khả năng tăng trưởng không gì ngăn cản nổi của thị trường chứng khoán Trung Quốc, bất chấp cảnh báo của chính phủ và giới chuyên môn rằng một cuộc điều chỉnh thị trường có thể đang hình thành.

Niềm tin đó đã góp phần kéo thị trường chứng khoán Thượng Hải ra khỏi đợt đóng băng kéo dài năm năm và tăng trưởng 130% năm ngoái, trở thành một trong những thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất thế giới. Năm ngoái thị trường chứng khoán Thượng Hải có thêm 2,4 triệu tài khoản mới mở, tăng 250% so với năm trước, bình quân mỗi ngày có 7.000 tài khoản chứng khoán mới.

Một cơn lũ tiền tươi từ các “sơn hồ” (tiếng Trung Quốc chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ) đổ vào thị trường khiến cho các thương nhân dày dạn cũng phải lo lắng. “Khi những người lái taxi và mấy chị bán hàng đua nhau vay tiền để mua cổ phiếu, thì khó khăn sắp tới rồi đấy. Đó là khi thị trường chiêu dụ mấy con cừu non trước khi đưa vào lò mổ”, ông trùm chứng khoán Jim Rogers nói.

Các quan chức ở Bắc Kinh, lo ngại rằng sẽ có một vụ “sập sàn” chứng khoán như đã từng xảy ra năm 2001 khiến cho công chúng ngán ngẩm cổ phiếu suốt mấy năm trời, đang gióng lên các hồi chuông báo động.

Ngày 30/12 vừa qua, Cheng Siwei, Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, cảnh báo các nhà đầu tư coi chừng “niềm lạc quan mù quáng” vào các thị trường vốn còn tương đối kém phát triển của đất nước. Tuần trước Truyền hình trung ương Trung Quốc chiếu phóng sự cảnh báo công dân không nên cầm cố nhà cửa để vay tiền mua cổ phiếu.

Nhà chức trách đã không nói suông - từ tháng trước các ngân hàng đã bị cấm cho vay mua cổ phiếu. Các cơ quan quản lý thì tạm dừng việc cấp phép mở ra các quỹ đầu tư mới.

Chính quyền có nhiều lý do để “phanh” lại. Ở các thị trường bong bóng, các nhà đầu tư có xu hướng nuôi những kỳ vọng không thực tế về triển vọng của các công ty, và trong trường hợp này họ tin rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là không có giới hạn.

Hãy xem trường hợp công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Trung Quốc, China Life, chẳng hạn. Ngày 31/1, cổ phiếu China Life có chỉ số giá/lợi nhuận (P/E) khoảng 70, cao hơn rất nhiều so với chỉ số P/E của Công ty Google - hiện tượng sáng chói nhất trong công nghệ Internet thế giới. Các chuyên gia ước tính rằng chỉ số P/E bình quân của cổ phiếu Trung Quốc là 34, gần gấp đôi chỉ số P/E của các công ty Mỹ trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới.

Cơn sốt chứng khoán làm dấy lên cơn điên đổ xô đi đấu giá cổ phiếu các công ty phát hành lần đầu (IPO). Nhu cầu mua cổ phiếu tăng lên làm cho danh sách các công ty muốn “hốt bạc” thông qua đấu giá cổ phiếu cũng tăng theo.

Năm 2006, các công ty Trung Quốc thu về hơn 53 tỉ đô la thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu, tăng rất nhiều so với mức 24 tỉ đô la năm trước. Trong số này có vụ IPO lớn nhất trong lịch sử: Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) phát hành IPO tại Hồng Kông và Thượng Hải đã thu được 22 tỉ đô la.

Bất chấp sự thực rằng các ngân hàng Trung Quốc nổi tiếng là không minh bạch và quản lý kém, ICBC đã gặt hái thành công lớn; có lúc giá cổ phiếu của nó tăng hơn 70% so với mức giá ban đầu là 39 đô la Hồng Kông, và đẩy giá trị thị trường của ngân hàng này lên cao đến mức nó được coi là tổ chức tài chính lớn thứ hai thế giới chỉ sau Citigroup của Mỹ.

Cơn sốt cổ phiếu cũng đang khích lệ các tập đoàn lớn khác lao vào khai thác thị trường vốn. Các nhà phân tích tin rằng China Mobile, công ty thông tin di động có số thuê bao lớn nhất thế giới sẽ phát hành thêm cổ phần nội trong năm nay. Công ty bảo hiểm Bình An, nhà bảo hiểm nhân thọ lớn thứ hai ở Trung Quốc và tập đoàn dầu khí PetroChina cũng sẽ phát hành cổ phiếu. Song không có cách nào để tất cả mọi người đều thắng.

Nếu đây là một quả bong bóng, liệu nó có bùng vỡ không? Nhiều nhà phân tích và quản lý quỹ đầu tư thì không tin thị trường sẽ sụp đổ vì quá nóng. Họ cho rằng giá cổ phiếu chỉ đang tăng cùng với đà tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc. Năm ngoái GDP của nước này tăng 10,7%, mức cao nhất kể từ năm 1995.

Peter Alexander, nhà phân tích chính của công ty tư vấn Z-Ben Advisors, một công ty tư vấn đầu tư tại Thượng Hải thì cho rằng các công ty Trung Quốc bây giờ hùng mạnh hơn, hiệu quả hơn mấy năm trước. Ngoài ra, nếu loại trừ China Life và các ngân hàng từng gây sóng gió trong các vụ IPO năm ngoái, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Thượng Hải được mua bán với mức giá ngang ngửa giá cổ phiếu các công ty châu Á khác niêm yết trên các thị trường chứng khoán khác.

Trong thực tế, một số công ty công nghiệp và dệt may cỡ nhỏ của Trung Quốc vẫn còn bị định giá tương đối thấp hơn thực tế. “Từ kinh nghiệm lịch sử, thị trường chứng khoán không bùng vỡ khi việc mua bán chỉ tập trung vào các cổ phiếu mạnh (blue-chip)”, Lan Xue, trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc của Citigroup nhận định.

Xue dự đoán rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục nóng vài năm nữa. Đó cũng là ý nghĩ của các nhà đầu tư mới tại Trung Quốc. Còn đối với các “sơn hồ”, họ chưa bao giờ coi kinh doanh chứng khoán là việc làm ăn nghiêm túc. Họ miêu tả công việc của mình là “chơi” cổ phiếu - một trò chơi, một ván cờ.

Nếu chẳng may thị trường sụp đổ thì các “sơn hồ” này sẽ không phải là những người đầu tiên nhận ra rằng đầu tư chứng khoán không phải trò đùa.