Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm, “điềm xấu” cho chứng khoán Mỹ?
Một nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ khá mật thiết giữa thị trường chứng khoán Mỹ và chứng khoán Trung Quốc
Mỗi khi thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm mạnh, thị trường chứng khoán Mỹ - đặc biệt là những cổ phiếu blue-chip như Goldman Sachs hay Caterpillar - nhiều khả năng cũng giảm theo.
Tuần này, chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc tiếp tục có những phiên sụt sâu, khiến tâm lý bi quan lan rộng khắp thị trường toàn cầu. Thị trường chứng khoán của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới hiện đã giảm 12% trong tháng 10 và giảm 26% trong vòng 12 tháng trở lại đây.
Có vẻ như thị trường chứng khoán Mỹ vẫn chưa chịu tác động bởi sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc, bởi chỉ số S&P 500 vẫn tăng 4,5% từ đầu năm.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của hãng tin CNBC sử dụng công cụ phân tích Kensho đã phát hiện ra rằng chứng khoán Mỹ thường giảm điểm mỗi khi thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt sâu.
Trong vòng 10 năm qua, những lần sàn chứng khoán Thượng Hải giảm 10% hoặc hơn trong khoảng thời gian 30 ngày, chứng khoán Mỹ chỉ tăng điểm trong khoảng 30% số lần. Còn lại, trong khoảng 70% số lần như vậy, các chỉ số chứng khoán chính ở Phố Wall đều giảm điểm.
Chẳng hạn, S&P giảm bình quân 4,8% mỗi khi chứng khoán Trung Quốc giảm trên 10% trong 30 ngày, và Nasdaq thậm chí còn giảm tệ hơn, trung bình mất 5,3%.
Xét riêng từng cổ phiếu, thì trong những khoảng thời gian 30 ngày mà chứng khoán Trung Quốc giảm như trên, cổ phiếu ngân hàng Goldman Sachs chỉ có 18% số lần là tăng. Còn lại, cổ phiếu này giảm bình quân 10,6% mỗi lần.
Cổ phiếu tập đoàn công nghiệp Caterpill cũng có mối liên hệ mật thiết với thị trường Trung Quốc, chỉ có 20% số lần tăng trong những lần chứng khoán Trung Quốc giảm như đã nêu. Còn lại, cổ phiếu này giảm bình quân 10,6% mỗi lần.
Tương tự, cổ phiếu DuPont chỉ tăng trong 17% số lần, còn lại giảm bình quân 9,3% mỗi lần.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, Caterpillar là một trong những cổ phiếu dẫn đầu sự giảm điểm của chỉ số Dow Jones, sụt hơn 3%. Trước đó cùng ngày, Shanghai Composite Index sụt 2,9%.
Trong các nhóm cổ phiếu ngành, cổ phiếu của các công ty sản xuất hàng hóa cơ bản và nguyên vật liệu đầu vào có 84% số lần giảm theo chứng khoán Trung Quốc. Tỷ lệ tương ứng của nhóm tài chính và nhóm năng lượng là 69% và 80%.
Trong đó, nhóm nguyên vật liệu giảm bình quân 8,4% mỗi lần; nhóm tài chính giảm 6,4%; và nhóm năng lượng giảm 7%.
Khi chứng khoán Trung Quốc giảm, các hàng hóa cơ bản cũng thường giảm theo, như giá đồng giảm bình quân 8,3%; giá dầu giảm 8,5% trong khoảng thời gian 30 ngày như nghiên cứu đề cập. Trong đó, giá dầu giảm trong 70% số lần chứng khoán Trung Quốc giảm, tỷ lệ đối với giá đồng là 78%.
Ngược lại, những tài sản an toàn thường tăng khi chứng khoán Trung Quốc mất điểm mạnh. Vàng và đồng USD đều tăng giá trong 50% số lần chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, trong đó giá vàng tăng bình quân 0,6% và đồng USD tăng 1,5%.