11:15 04/09/2007

Chứng khoán tuần qua: Giao dịch tiếp tục vững

Hải Bằng

Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, qua 5 phiên, lượng đặt mua luôn cao hơn lượng đặt bán

Hai bản báo cáo của Citigroup và HSBC khiến các nhà đầu tư “bâng khuâng”.
Hai bản báo cáo của Citigroup và HSBC khiến các nhà đầu tư “bâng khuâng”.
Tuần cuối tháng 8, tại sàn Tp.HCM, lượng đặt mua tiếp tục cao hơn đặt bán, giao dịch khớp lệnh vẫn ở mức của tuần trước, nhà đầu tư nước ngoài giảm mua và tăng bán. Khối lượng khớp lệnh giảm nhẹ.

Giao dịch mua vào của nhà đầu tư nước ngoài tại sàn Hà Nội lại giảm mạnh sau khi tăng vọt trong tuần trước. Sau 5 phiên, VN-Index tăng 2,89 điểm, Hastc-Index tăng 2,4 điểm.

Tuần cuối tháng, các nhà đầu tư “bâng khuâng” trước 3 nguồn tin. Đó là hai bản báo cáo của Citigroup và HSBC với nhiều đánh giá tốt về nền kinh tế vĩ mô và lạc quan về khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam. Citigroup nhận định: theo ước tính của Chính phủ xuất khẩu tăng 20%, nhập khẩu tăng 17% vào những tháng đầu 2007.

Nhưng theo thống kê của Citigroup, nhập khẩu tăng đến 30% trong khi xuất khẩu chỉ tăng khoảng 20%, thâm hụt thương mại ở đây không phải do xuất khẩu yếu mà là do tăng trưởng nhập khẩu cao. Đặc biệt Citigroup "ấn tượng" với dự trữ ngoại tệ của Việt Nam với mức tăng từ 12-13 tỉ USD cuối 2006 lên khoảng 20 tỉ USD trong tháng 7, tương đương 20 tuần nhập khẩu.

Bản báo cáo của HSBC với lời khuyên cân nhắc khả năng mua vào cổ phiếu, chủ yếu do mức thu nhập/cổ phiếu (EPS) đang tăng mạnh và giá hiện ở mức hợp lý.

Tuy nhiên, theo HSBC, trong ngắn hạn, thị trường vẫn ẩn chứa rủi ro khi thị trường chứng khoán thế giới chưa ổn định, mức lạm phát của Việt Nam còn cao và các ngân hàng thực hiện cắt giảm cho vay đầu tư chứng khoán sẽ tác động làm giảm sức cầu trong nước. Thông tin thứ ba là khả năng “room” của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mở vào cuối năm, kể cả “room” đối với các ngân hàng Thương mại Cổ phần.

Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, qua 5 phiên, lượng đặt mua luôn cao hơn lượng đặt bán. Tổng lượng đặt mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 60,18 triệu chứng khoán, giảm 1 triệu chứng khoán, hơn 32,3 triệu chứng khoán đặt mua không được khớp lệnh, tăng hơn 1 triệu chứng khoán so tuần trước. Tổng lượng đặt bán tăng 3,2 triệu chứng khoán, đạt 49,81 triệu chứng khoán, gần 22 triệu chứng khoán đặt bán không được khớp lệnh, tăng 5 triệu chứng khoán so tuần trước.

Tuần qua, lượng đặt mua cao hơn lượng đặt bán 10,37 triệu chứng khoán, giảm 3,6 triệu chứng khoán so tuần trước. Tổng khối lượng khớp lệnh 5 phiên giảm nhẹ, còn 27,875 triệu chứng khoán, giảm 1,773 triệu chứng khoán, tổng trị giá khớp lệnh tăng 81 tỷ đồng, lên 2.607 tỷ đồng.

Năm chứng khoán có khối lượng giao dịch khớp lệnh lớn nhất là STB với 3,97 triệu cổ phiếu, giảm khoảng 2 lần so tuần trước, trị giá 211 tỷ đồng, VF1 đạt 1,812 triệu chứng chỉ quỹ, giảm 1,5 lần, tổng trị giá 53 tỷ đồng. Đặc biệt, giao dịch của cổ phiếu TNC tiếp tục tăng mạnh, xếp vị trí thứ 3 với 1,537 triệu cổ phiếu, tăng gần 600.000 cổ phiếu, tổng trị giá đạt 76,43 tỷ đồng, PPC xếp thứ tư với 1,118 triệu cổ phiếu, trị giá 61 tỷ đồng và thứ tư là VSH với 1,086 triệu cổ phiếu, trị giá 51 tỷ đồng.

Sàn Tp.HCM, lượng mua vào của nhà đầu tư nước ngoài lại giảm sau khi tăng mạnh trong tuần trước. Họ mua khớp lệnh 6,18 triệu chứng khoán, giảm 1,7 triệu chứng khoán, tổng trị giá mua giảm 104 tỷ, còn 687 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài bán 3,54 triệu chứng khoán, tăng 1,3 triệu chứng khoán, trị giá bán đạt 403 tỷ đồng, giảm 21 tỷ đồng.

Tại sàn Hà Nội, giao dịch mua vào của nhà đầu tư nước ngoài giảm mạnh so tuần trước, họ mua vào 432.500 cổ phiếu, giảm một nửa so tuần trước, trị giá mua cũng giảm một nửa, còn 48,055 tỷ đồng và bán ra 114.000 cổ phiếu, bằng một phần ba tuần trước, trị giá bán 9,452 tỷ đồng, bằng 1/4 tuần trước.